Thủy quân lục chiến Mỹ tập trận ở Chonburi, Thái Lan, tháng 2-2020 - Ảnh: AP
Đô đốc James Stavridis là Tư lệnh đồng minh tối cao thứ 16 của NATO, Hiệu trưởng của Trường luật và ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ). Ông dành nhiều thời gian trong sự nghiệp quân sự hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương. Sau đây là bài viết của ông trên báo Nikkei Asia của Nhật.
Tài liệu "The Longer Telegram" do tổ chức học giả Hội đồng Đại Tây Dương biên soạn cung cấp nhiều manh mối quan trọng về các phương án Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đang cân nhắc để triển khai lực lượng Mỹ ở Đông Á đối phó Trung Quốc.
Liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden có chấp nhận lập trường cứng rắn (của tài liệu) hay không còn phải chờ xem, nhưng nhiều yếu tố của nó đang được cân nhắc nghiêm túc.
Một trong số đó chính là "lằn ranh đỏ" - giới hạn mà nếu Trung Quốc vượt qua Mỹ sẽ phản ứng quân sự. Chúng bao gồm:
1. Trung Quốc hoặc Triều Tiên dùng vũ khí hạt nhân, hoá học hoặc sinh học tấn công Mỹ và đồng minh.
2. Trung Quốc tấn công Đài Loan và các đảo trực thuộc, bao gồm vây hãm kinh tế, tấn công mạng nhắm vào hạ tầng và cơ sở của Đài Loan.
3. Trung Quốc tấn công lực lượng Nhật trong phạm vi bảo vệ chủ quyền của họ tại quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư), và vùng đặc quyền kinh tế của Nhật ở biển Hoa Đông.
4. Bất cứ hành động thù dịch nào của Trung Quốc ở Biển Đông để tiếp tục cải tạo và quân sự hoá các đảo, hoặc dùng vũ lực với các nước có tranh chấp, hoặc ngăn chặn các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ và đồng minh.
5. Trung Quốc tấn công bất cứ lãnh thổ chủ quyền hoặc khí tài quân sự của đồng minh hiệp ước của Mỹ.
Đặt trong bối cảnh chiến lược Mỹ - Trung, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ chủ yếu hoạt động trên biển và có thể di chuyển vào Biển Đông, vào tận phạm vi các đảo nhân tạo Trung Quốc dùng để phòng thủ.
Khi đã tiếp cận, họ có thể dùng máy bay vũ trang không người lái, năng lực tấn công mạng, đặc nhiệm Marine Raiders, tên lửa đối không và vũ khí diệt hạm để tấn công lực lượng Trung Quốc.
Ngoài cách tiếp cận chiến thuật mới của thủy quân lục chiến, Hải quân Mỹ sẽ triển khai thêm các nhiệm vụ tuần tra cứng rắn bên ngoài vùng biển Trung Quốc.
Đây là một khái niệm chiến lược thông minh: Dần dần lôi kéo tàu chiến của đồng minh tham gia, quốc tế hoá nỗ lực chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước mắt, Mỹ muốn lôi kéo Anh, Pháp và các đồng minh NATO, sau đó sẽ thuyết phục Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... tham gia các nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải. Liên minh hải quân toàn cầu này sẽ đối trọng với Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Bổ trợ cho Hải quân, Không quân Mỹ nhiều khả năng sẽ bổ sung thêm máy bay ném bom và chiến đấu cơ tầm xa đến các căn cứ Thái Bình Dương nằm rải rác khắp châu Á. Chuỗi căn cứ nhỏ này sẽ được hỗ trợ bởi các căn cứ lớn hơn ở Guam, Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc.
Cuối cùng, Lục quân Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh chiến đấu và cơ động để nhanh chóng triển khai các đơn vị nếu xảy ra một trong các kịch bản "lằn ranh đỏ", bao gồm tăng cường căn cứ Hàn Quốc và Nhật nhưng có thể dễ dàng triển khai đến các đảo nhỏ hơn trong khu vực.
Ngoài ra, Lực lượng Không gian Mỹ mới thành lập sẽ tập trung vào tình báo và do thám, kết hợp với năng lực tấn công của Bộ chỉ huy Mạng và Cơ quan An ninh quốc gia (NSA).
Nhìn một cách tổng quát, Quân đội Mỹ đang tăng cường hiện diện và năng lực chiến đấu ở Tây Thái Bình Dương, chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản xung đột quân sự với Trung Quốc trong vài thập niên tới.
Chỉ hi vọng rằng ngành ngoại giao và nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau của hai cường quốc sẽ ngăn chặn được chiến tranh nổ ra, nhưng không có gì nói trước được.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online