Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận đượ'".

1 Quan Doi My Tuyen Bo San Sang Su Dung Vu Khi Hat Nhan

Một quả bom B61-12 có thể mang đầu đạn hạt nhân trang bị cho máy bay ném bom B-2 Spirit - Ảnh: US Air Force

Phát biểu ngày 20-11, giờ địa phương, người phát ngôn Thomas Buchanan của STRATCOM tuyên bố Mỹ không mong muốn sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng sẵn sàng làm vậy nếu cần thiết và vì lợi ích quốc gia.

"Nếu phải có một giao tranh thì chúng tôi muốn thực hiện theo các điều khoản mà Mỹ có thể chấp nhận được nhất", Đài RT dẫn lời chuẩn đô đốc Buchanan phát biểu tại sự kiện ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế. Theo ông, điều khoản cụ thể đó là Mỹ giữ vị thế là một nhà lãnh đạo thế giới.

Theo ông Buchanan, trong trường hợp có khả năng xảy ra giao tranh hạt nhân, Mỹ sẽ tìm cách duy trì một phần kho vũ khí của mình để tiếp tục răn đe. "Chúng ta sẽ phải có năng lực dự trữ. Bạn sẽ không sử dụng hết tất cả các nguồn lực của mình để giành chiến thắng, phải không? Bởi vì khi đó bạn sẽ không có gì để ngăn chặn vào", ông nói.

Dù vậy, ông Buchanan nhấn mạnh rằng Mỹ không muốn xảy ra các cuộc tấn công hạt nhân và tìm cách tránh điều đó.

Ông cũng thúc giục đối thoại liên tục với Nga, Trung Quốc và Triều Tiên để giảm nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân, nói rằng "vũ khí hạt nhân là vũ khí chính trị".

"Chúng ta nên luôn sẵn sàng đối thoại vì phần lớn các cuộc đối thoại đưa mọi người bàn thảo về các giá trị chung. Không ai muốn chiến tranh hạt nhân, phải không?", ông Buchanan trả lời khi được hỏi Mỹ sẽ phản ứng thế nào trước các hành động của những đối thủ như Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.

Những phát biểu của người phát ngôn STRATCOM được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký phê duyệt học thuyết hạt nhân quốc gia mới, trong đó nêu rõ các kịch bản mà Matxcơva sẽ được phép triển khai kho vũ khí hạt nhân của mình.

Học thuyết mới nêu rõ rằng Nga sẽ có quyền cân nhắc lựa chọn hạt nhân nếu nước này hoặc Belarus bị tấn công bằng vũ khí thông thường và nếu hành động gây hấn đó tạo ra "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Nói kỹ hơn, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích rằng học thuyết mới trên thực tế trao cho Nga quyền cân nhắc phản ứng hạt nhân khi Ukraine sử dụng tên lửa phi hạt nhân do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.

TRẦN PHƯƠNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC