"Mừng Cá Tháng tư! Hãy cẩn trọng trong ngày này! Một năm trước, trợ lý của tôi đùa rằng do là công dân Pháp, tôi nên tách họ thành 'Du Rov'. Chúng tôi điền biểu mẫu để 'Pháp hóa' tên tôi thành 'Paul du Rove'. Chúng tôi nhanh chóng quên nó, nhưng đơn này đã thực sự được chấp thuận và cấp hộ chiếu", Pavel Durov viết trên Telegram ngày 1/4/2021.
Thông điệp có hai yếu tố có thể khiến người đọc bất ngờ. Một là có người thực hiện thủ tục hành chính chỉ để đùa và hai là Durov có quốc tịch Pháp. Tháng 8/2021, tên của Durov, người sáng lập Telegram, xuất hiện trong mục nhập tịch trên công báo chính phủ Pháp. Thông tin gần như không được chú ý, cho đến khi truyền thông Nga phát hiện.
Điều này gây nhiều xôn xao, bởi để được nhập tịch Pháp, một người phải sinh sống hợp pháp trên lãnh thổ nước này 2-5 năm tùy từng trường hợp, Flora Reynolds, luật sư chuyên về nhập cư và gia đình ở Paris, nói.
Durov, 39 tuổi, không đáp ứng tiêu chí này. Ông định cư tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nơi Telegram đặt trụ sở, từ năm 2017 và không sinh sống lâu dài ở Pháp. Ông được cấp hộ chiếu UAE hồi tháng 2/2021 nhờ điều khoản dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài giàu có.
"Bạn chỉ có thể được miễn trừ nếu thuộc nhóm 'các thực thể ngôn ngữ và văn hóa Pháp', đại khái là quốc gia nói tiếng Pháp", theo Reynolds. "Nhưng đây không phải trường hợp của Durov. Dù thường xuyên ở lại các khách sạn hạng sang, Durov không được tính là sống ở Pháp".
Sau khi loại trừ các trường hợp, Reynolds cho hay Durov chỉ có thể nhập tịch Pháp thông qua chính sách "người nước ngoài danh dự", một quy trình đặc biệt và hiếm thấy, giúp cấp quốc tịch Pháp "cho một người nước ngoài nói tiếng Pháp, có đóng góp cho tầm ảnh hưởng và sự thịnh vượng trong quan hệ kinh tế quốc tế của Paris".
Durov sinh ra tại thành phố St. Petersburg của Nga, nhưng gia đình chuyển đến Italy sinh sống từ năm 1988 và trở lại Nga năm 1992. Năm 2014, do bất đồng với Điện Kremlin về chính sách quản lý mạng xã hội VK, ông ra nước ngoài và không còn giữ quốc tịch Nga.
Pavel Durov phát biểu tại Barcelona, Tây Ban Nha tháng 2/2016. Ảnh: Reuters
Chính sách "người nước ngoài danh dự" được áp dụng theo những quy định có từ trước Cách mạng Pháp cuối thế kỷ 18, Vincent Tchen, giáo sư luật tại Đại học Rouen, cho biết.
Nhật báo tài chính Pháp Les Echos năm 2019 tiết lộ Evan Spiegel, ông chủ Snapchat, và con trai cũng hưởng lợi từ quy trình này và nhận hộ chiếu Pháp. Đóng góp của Spiegel cho "ảnh hưởng của Pháp" có thể gây tranh cãi, nhưng tỷ phú này vẫn thỏa mãn một điều kiện là nói được tiếng Pháp.
Hiện chưa rõ Durov có thể nói tiếng Pháp lưu loát đến mức nào. Cựu cộng sự Elies Campo của Durov cho biết CEO Telegram nói tiếng Italy tốt nhưng chưa từng nghe ông nói tiếng Pháp.
Năm 2015, Durov cho biết ông "học vài năm tại trường và có thể hiểu tiếng Pháp", nhưng thích dùng tiếng Anh để trả lời các câu hỏi bằng tiếng Pháp hơn.
Durov sau đó nỗ lực trau dồi tiếng Pháp. Telegram gửi báo Pháp Le Monde bản sao chứng chỉ B1 tiếng Pháp của Durov hồi cuối năm 2020, điểm số 92,5/100. Phát ngôn viên Telegram xác nhận Durov đã "tuân thủ quy định và không hưởng bất kỳ đặc ân nào", nhưng từ chối nêu chi tiết.
Về kỹ thuật, quy trình "người nước ngoài danh dự" sẽ được kích hoạt theo yêu cầu từ ngoại trưởng Pháp sau khi cá nhân liên quan gửi đề xuất, nhưng hiện chưa rõ ai đã phê duyệt trường hợp của Durov. Bộ Ngoại giao Pháp cho biết họ không bình luận về từng trường hợp cụ thể.
Giới chức Pháp cho biết họ "không tìm thấy tài liệu nào" liên quan các trao đổi với Durov hay người thân cận của CEO Telegram. Ủy ban về Tiếp cận tài liệu hành pháp (CADA) sau đó thông báo tài liệu liên quan việc nhập tịch này được giữ bí mật trong 50 năm vì lý do riêng tư.
Quy trình "người nước ngoài danh dự" được cho là mang nhiều tính chính trị, đôi khi do tổng thống trực tiếp chỉ đạo, theo Les Echos. Telegram từ chối bình luận về các liên lạc, nếu có, giữa Durov và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người dùng thường xuyên của ứng dụng nhắn tin này.
Việc Pháp cho phép Durov nhập tịch còn gây bất ngờ vì CEO Telegram không có ý định làm ăn tại Pháp. Trong khi đó, Pháp cùng nhiều nước châu Âu đã tranh cãi gay gắt với Telegram từ giữa những năm 2010, bởi ứng dụng không bao giờ kiểm duyệt, từ chối hợp tác trong việc xóa bỏ nội dung và không thực hiện phán quyết từ tòa án.
Khi Durov nhận hộ chiếu Pháp, Telegram đang là mục tiêu đảng cầm quyền Renaissance của ông Macron nhắm đến. Giới chức Pháp muốn xác định danh tính tài khoản giả mạo đảng Renaissance, nhưng Telegram không cung cấp thông tin theo yêu cầu.
Pavel Durov trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi năm 2016. Ảnh: CNN
Hiện chưa rõ lý do Durov xin cấp quốc tịch Pháp. Ông từng chỉ trích chính phủ Pháp vì áp thuế suất cao, làm giảm thu nhập của những người lao động vất vả, rồi lãng phí vào các cuộc chiến vô nghĩa ở Trung Đông.
Trong khi đó, phát ngôn viên Telegram cho biết Durov "luôn hâm mộ văn hóa Pháp và cảm thấy được khích lệ bởi những chính sách mà ông Macron triển khai sau khi đắc cử năm 2017". Một nguồn tin thân cận với Durov nói hộ chiếu Pháp mang lại nhiều sự tự do hơn, gồm cả trong kinh doanh, so với hộ chiếu UAE.
Quốc tịch Pháp cùng câu đùa về "tên mới ở Pháp" còn được cho là nỗ lực mà Durov triển khai từ năm 2018 để xóa bỏ hình ảnh Telegram là ứng dụng có nguồn gốc từ Nga.
"Không hiểu sao một số kênh truyền thông lại đề cập Telegram là 'ứng dụng ở Nga'. Chúng tôi không có máy chủ, nhà phát triển, công ty, tài khoản ngân hàng hay văn phòng ở quốc gia này", Durov viết trên Twitter năm 2018, sau khi nhật báo Anh Financial Times đăng bài chỉ trích nền tảng.
Nhưng Pháp lại đang là quốc gia khiến CEO Telegram vướng vòng lao lý. Durov bị bắt tại sân bay Paris-Le Bourget, ngoại ô thủ đô Paris ngày 24/8, sau khi đến đây từ Azerbaijan bằng máy bay riêng.
Laure Beccuau, công tố viên ở Paris, ngày 26/8 cho biết vụ bắt Durov nằm trong khuôn khổ cuộc điều tra bắt đầu từ ngày 8/7, với những cáo buộc như đồng lõa trong việc phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em, bán ma túy, rửa tiền và từ chối hợp tác với giới chức.
Như Tâm (Theo Le Monde, Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET