Mặc dù các bên có liên quan nỗ lực làm lắng dịu tình hình khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nhưng vẫn chưa đủ sức để ngăn chặn các cuộc xung đột có nguy cơ bùng phát.

42 1 Se Co Lan Song Di Cu Lan 2 Vao Chau Au

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Trong vài tuần trở lại đây, Libya nổi lên thành một điểm nóng mới do các cuộc xung đột vũ trang khi lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar mở cuộc tấn công vào khu vực miền Tây.

Xung đột bùng phát sau khi Tướng Haftar ngày 4/4 ra lệnh cho các lực lượng ở miền Đông tiến về miền Tây, tấn công Tripoli với tuyên bố "giải phóng Tripoli, tiêu diệt khủng bố, xóa sổ các băng nhóm tội phạm".

Trong khi đó, lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận hoạt động ở Tripoli đã kháng cự quyết liệt.

Theo số liệu của LHQ, các cuộc giao tranh vừa qua đã khiến ít nhất 146 người thiệt mạng và hơn 13.500 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Corriere della Sera của Italy ngày 15/4, Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj lên tiếng cảnh báo khoảng 800.000 người di cư dự kiến sẽ tràn vào Italy và châu Âu nhằm thoát khỏi cuộc xung đột đang diễn ra ở Libya. Ông al-Sarraj cảnh báo, trong số những người di cư sẽ có cả tội phạm và các phần tử thánh chiến có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Rõ ràng cuộc xung đột ở Libya đang leo thang đáng lo ngại và nếu các bên có liên quan không tìm các biện pháp ngăn chặn quyết liệt, hiệu quả thì "làn sóng di cư" lần 2 tràn vào châu Âu là điều khó tránh khỏi.

Nguồn: Tuyết Minh/ baochinhphu.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC