Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley cho rằng xung đột Nga - Ukraine chỉ kết thúc thông qua thỏa thuận hòa bình, vì không bên nào có thể đạt được mục tiêu của mình trên chiến trường.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley - Ảnh: REUTERS
Trong cuộc phỏng vấn với báo Financial Times đăng ngày 16-2, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley nhận định về kết quả chiến sự ở Ukraine: "Người Nga gần như không thể đạt được các mục tiêu chính trị của họ bằng biện pháp quân sự. Nga sẽ không thể đè bẹp được Ukraine. Điều đó sẽ không xảy ra".
Đối với Kiev, "trong năm nay Ukraine cũng rất khó đẩy được người Nga ra khỏi từng tấc đất của Ukraine mà Nga đã kiểm soát", theo ông Mark Milley. "Không phải là hoàn toàn không thể. Nhưng điều đó sẽ cực kỳ khó khăn".
Đại tướng Mark Milley, sĩ quan cấp cao nhất của quân đội Mỹ, cho rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc tại bàn đàm phán, với việc Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận hòa bình.
Nói tóm lại, Nga đã thua - họ đã thua về mặt chiến lược, tác chiến và chiến thuật
Theo tướng Milley, chưa đầy một năm kể từ khi Moscow bắt đầu mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, "Nga đã thua".
"Tổng thống (Nga Vladimir) Putin nghĩ rằng ông ấy có thể đánh bại Ukraine nhanh chóng, phá vỡ liên minh NATO và hành động mà không bị trừng phạt. Ông ấy đã sai. Ukraine vẫn tự do, độc lập.
NATO và liên minh này chưa bao giờ mạnh hơn, và Nga hiện là một quốc gia bị bỏ rơi trên toàn cầu.
Thế giới vẫn được truyền cảm hứng bởi sự dũng cảm và kiên cường của Ukraine.
Tướng Milley và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang có mặt tại Brussels, Bỉ để tham dự cuộc họp lần thứ 9 của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, để thảo luận về khả năng viện trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Tướng Milley khẳng định, cho đến khi Nga kết thúc chiến dịch quân sự, cộng đồng quốc tế "sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine với các thiết bị và năng lực mà nước này cần để tự vệ".
Ông Mark Milley đưa ra đánh giá trên sau khi tới Brussels (Bỉ) đầu tuần này để phối hợp với các đồng minh NATO tăng cường năng lực quân sự cho Ukraine.
Bình luận của ông được đưa ra khoảng một tuần trước lễ kỷ niệm tròn một năm Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine (ngày 24-2-2022).
Vào giai đoạn đầu cuộc chiến ở Ukraine, các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine đã được tổ chức bằng cả hình thức trực tiếp và qua video. Ngoại trưởng hai nước thậm chí đã gặp nhau để đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không thể đi tới một thỏa thuận hòa bình.
Sau đó, Ukraine cho biết các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt giao tranh với Nga đã bị tạm ngừng và đổ lỗi cho Matxcơva vì đã không tìm ra được các nội dung để thỏa hiệp. Nga cũng lên tiếng và đổ lỗi cho Ukraine.
Tháng 5-2022, ông Mykhaylo Podolyak, nhà đàm phán chính của Ukraine trong các cuộc đàm phán với phái đoàn Nga, từng nói: "Mục tiêu chiến lược của Nga là có tất cả hoặc không có gì".
Do đó, câu hỏi đặt ra là nếu Nga và Ukraine đồng ý ngồi vào bàn đàm phán lần nữa, liệu họ có đạt được thỏa thuận hòa bình như các bên mong đợi hay không?
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online