Các y, bác sĩ giữ khoảng cách trong khi chờ tiêm vắc xin COVID-19 tại Prayagraj (Ấn Độ) - Ảnh: AFP
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 11-2 thông báo với 3,1 triệu ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận trên thế giới, số ca bệnh đã giảm 17% so với tuần trước đó.
Đây là tuần thứ tư liên tiếp số ca bệnh COVID-19 giảm. So với đầu tháng 1-2021, số ca mắc COVID-19 đã giảm 40%.
Sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia ở Pháp, kênh truyền hình France 24 lưu ý cần xem xét thận trọng số liệu của WHO.
Xu hướng giảm chỉ ở một số quốc gia
WHO giải thích đã quan sát thấy xu hướng giảm ca bệnh COVID-19 ở tất cả các châu lục. Thật ra, xu hướng giảm không đồng nhất bởi chỉ giảm nhiều tại các nước như Ấn Độ, Nhật, Tây Ban Nha và ít hơn nhiều tại Pháp hoặc Đức.
TS virus học Jonathan Stoye ở Viện nghiên cứu Francis Crick tại London (Anh) nhận xét xu hướng giảm ca bệnh trên thế giới chủ yếu xuất hiện ở các nước đang tập trung phần lớn số ca nhiễm như Mỹ (-20%), Anh (-25%), Brazil (-10%).
Ông cho rằng số liệu của WHO chưa đầy đủ do nhiều quốc gia khác không đủ máy móc tổ chức sàng lọc rộng rãi nên nhiều ca nhiễm mới bị bỏ qua. Do đó, con số ca bệnh COVID-19 đã giảm có thể "tạo ấn tượng lừa dối về mức giảm chung".
Xét về nguyên nhân giảm số ca nhiễm mới, TS dịch tễ học Jean-Marie Milleliri phân tích: "Các biện pháp y tế được thực hiện chặt chẽ hơn vào cuối năm 2020 đã dẫn đến kết quả cảm nhận được hiện nay là chúng ta đang bắt đầu biết cách kiểm soát quá trình lây lan của virus".
TS virus học Daniel Dunia ở Trung tâm sinh lý bệnh Toulouse cũng cho rằng xu hướng giảm số ca bệnh mới kể từ đầu năm 2021, đặc biệt rõ nét ở Mỹ, và có vẻ đây là "kết quả trực tiếp từ các biện pháp y tế nghiêm ngặt hơn của tân Tổng thống Joe Biden".
Do các biện pháp kiểm soát dịch được thắt chặt nên xu hướng giảm ca mắc mới cũng được ghi nhận rõ ràng hơn ở Anh và Tây Ban Nha.
Các y, bác sĩ giữ khoảng cách trong khi chờ tiêm vắc xin COVID-19 tại Prayagraj (Ấn Độ) - Ảnh: AFP
Phải xem xét đến các biến thể virus mới
Một yếu tố khác cần xem xét đến là khả năng miễn dịch của những người đã nhiễm virus SARS-CoV-2.
GS Jean-Stéphane Dhersin - phó giám đốc khoa học của Viện Khoa học toán học quốc gia Pháp - giải thích: "Quá trình lây lan của virus đang giảm không chỉ nhờ biện pháp giãn cách xã hội và cách ly mà còn do số người có thể bị lây nhiễm ít hơn vì một số đã được miễn dịch sau khi mắc bệnh".
Ông nêu rõ về cơ bản dữ liệu của WHO chỉ nói đến số ca lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 cũ chứ không phản ánh được quy mô các biến chủng virus mới.
Ông dự báo các biến thể virus mới cuối cùng sẽ chịu thua vì sẽ bị kiểm soát nhưng các dạng mới của SARS-CoV-2 lại tiếp tục xuất hiện để thay thế.
Để có đánh giá thực tế hơn về diễn biến dịch COVID-19, GS Jean-Stéphane Dhersin cho rằng cần giải trình tự gen virus đại trà trong số người nhiễm để biết sớm nhất khi nào đột biến mới xuất hiện, đột biến đó có lây nhiễm nhiều hơn không và có nguy hiểm hơn không.
Ông nhấn mạnh: "Nếu không làm như thế, chúng ta sẽ tiếp tục tin tưởng mù quáng vào các số liệu của WHO vốn đã không tính đến các biến thể mới này".
Dòng xe ôtô chờ tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên xe ở Dallas (bang Texas, Mỹ) ngày 12-2 - Ảnh: texastribune.org
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online