Tổng số ca nhiễm, bao gồm cả ở bệnh viện lẫn viện dưỡng lão, đã tăng thêm 5.171 ca trong 24 giờ qua, lên tổng số 98.010 ca. Điều này có nghĩa là Pháp nhiều khả năng trở thành quốc gia thứ 5 sau Ý, Tây Ban Nha, Mỹ và Đức có số ca nhiễm vượt mốc 100.000 ca trong ngày 7-4.
“Virus chưa dừng lây lan. Các số liệu đã chứng minh điều này. Chúng ta phải tiếp tục các nỗ lực chống dịch với tư cách là công dân bằng việc ở nhà” – Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran khẳng định, đồng thời cho biết chính phủ đã quyết định kiểm tra sức khỏe diện rộng tại các viện dưỡng lão, vốn chiếm khoảng 27% số ca tử vong.
Đường phố Paris vắng người vì nỗi lo Covid-19. Ảnh: Reuters
Theo Bộ Y tế Pháp, số người chết vì virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch Covid-19 tại các bệnh viện đã tăng thêm 605 người trong 24 giờ qua – mức tăng kỷ lục mới, nâng tổng số người thiệt mạng tại các bệnh viện lên 6.494 người. Trong khi đó, tại các viện dưỡng lão, số người chết vì Covid-19 cũng tăng thêm 10% lên 2.417 người. Tính chung, cả nước Pháp có 8.911 người tử vong vì Covid-19, tính đến ngày 6-4.
Theo Bộ trưởng Veran, tổng số người cần được chăm sóc đặc biệt đã tăng lên 7.072 người – tăng thêm 1,3% so với hôm 5-4.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong một báo cáo hôm 7-4 cảnh báo thế giới thiếu gần 6 triệu y tá trong cuộc chiến chống Covid-19.
Theo WHO, thế giới hiện thiếu 5,9 triệu y tá trong cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh: Reuters
Theo báo cáo, thế giới hiện có gần 28 triệu y tá và trong 5 năm tính đến năm 2018, con số này tăng thêm 4,7 triệu. Dù vậy, báo cáo khẳng định thế giới vẫn cần thêm 5,9 triệu y tá để đối phó Covid-19.
“Y tá là xương sống của mọi hệ thống chăm sóc sức khỏe” – Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định.
Nguồn: nld.com.vn