Số liệu do CNN tổng hợp hôm 2/10 cho thấy Bắc Carolina là bang chịu thiệt hại nặng nề nhất với 95 người chết, các trường hợp thiệt mạng còn lại được ghi nhận ở Nam Carolina, Georgia, Florida, Tennessee và Virginia. Con số thương vong được cho là sẽ còn tăng thêm bởi hàng trăm người còn đang mất tích.
Điều này khiến Helene trở thành cơn bão chết chóc thứ hai trong trong vòng 50 năm qua, sau bão Katrina khiến 1.392 người thiệt mạng hồi năm 2005.
Ít nhất 600 người đang mất tích, không thể liên lạc tại hạt Buncombe thuộc bang Bắc Carolina. Phần lớn khu vực miền núi vẫn bị cô lập do cầu, đường bị lũ cuốn trôi và mất điện diện rộng.
"Cầu Chúa phù hộ rằng họ vẫn còn sống", Tổng thống Joe Biden nói đầu tuần này.
Những chiếc xe và ngôi nhà bị hư hại do bão Helene ở bang Bắc Carolina ngày 2/10. Ảnh: AFP
Số người chết do bão có thể tiếp tục tăng trong những năm tới, sau khi lực lượng cứu hộ kết thúc hoạt động tìm kiếm nạn nhân. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hôm 2/10, những cơn bão mạnh như Helene có thể trực tiếp dẫn tới 7.000-11.000 trường hợp tử vong trong 15 năm sau đó.
Tổng thống Biden hôm 2/10 thăm các bang Bắc Carolina và Nam Carolina, trong khi Phó tổng thống Kamala Harris đến Georgia.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas, người tháp tùng ông Biden, mô tả Helene là cơn bão mạnh trong lịch sử nước Mỹ, gây lũ lụt thảm khốc ở các thành phố và cộng đồng miền núi xa xôi. "Nhiều thị trấn đã biến mất. Quá trình khắc phục sẽ tốn hàng tỷ USD và kéo dài nhiều năm", ông nói.
Tổng thống Biden tuyên bố sẽ triển khai 1.000 binh sĩ đến Bắc Carolina để tăng cường các nỗ lực ứng phó khẩn cấp. "Những binh sĩ này sẽ đẩy nhanh cung cấp thực phẩm, nước uống và thuốc cho các cộng đồng bị cô lập ở Bắc Carolina. Chúng tôi ở đây vì người dân và sẽ ở lại đến chừng nào mọi người còn cần", ông cho hay.
Tổng thống Biden dự kiến đến thăm Florida và Georgia vào ngày 3/10.
Huyền Lê (Theo CNN, NY Post, AFP)
Nguồn: VNEXPRESS.NET