Hôm 9/2, trước lúc đặt chân đến PyeongChang để tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông 2018, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã tới thăm Đài tưởng niệm Cheonan ở Seoul, nhìn chăm chú vào một con tàu vỏ thép của hải quân Hàn Quốc, bị Triều Tiên phóng ngư lôi phá hủy hồi năm 2010, theo Washington Post.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngồi cạnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại buổi lễ khai mạc Olympic Mùa đông 2018 ở PyeongChang, Hàn Quốc. Ảnh: AP
Phó tổng thống Mỹ gặp riêng 4 người đào tẩu Triều Tiên, lặng lẽ gật đầu ủng hộ và lắc đầu buồn rầu khi kêu gọi họ chia sẻ câu chuyện của mình với thế giới.Ông cũng đã dành hai ngày ở Nhật Bản, thông báo về những biện pháp trừng phạt "cứng rắn nhất, mạnh mẽ nhất" với Triều Tiên và đến động viên các binh sĩ tại căn cứ không quân Yokota.
Chiến binh đối trọng với Triều Tiên
Giới chuyên gia miêu tả ông Pence đã tự biến hóa bản thân trở thành một "chiến binh" chống chiến dịch tuyên truyền của Bình Nhưỡng, một siêu anh hùng nhẹ nhàng nhưng quyết đoán, tới Hàn Quốc vào đêm trước Olympic để đơn thương độc mà dập tắt những nỗ lực quan hệ công chúng mà Triều Tiên đang hướng đến.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nắm lấy mọi cơ hội để đảm bảo rằng Triều Tiên không lợi dụng những hình ảnh và bối cảnh giàu sức lan tỏa tại Olympic để che đậy các vấn đề còn tồn tại, như nhân quyền, chương trình phát triển vũ khí hay việc họ không ngừng phóng tên lửa đe dọa tới đất nước chúng tôi và các quốc gia khác trong khu vực", Phó tổng thống Mỹ tuyên bố hôm 8/2, không lâu trước khi lên máy bay tới Hàn Quốc.
Gần như tất cả hành động của ông Pence trong chuyến công du 5 ngày tới Nhật Bản và Hàn Quốc tuần qua, từ những tuyên bố công khai đến các cuộc gặp gỡ, thăm viếng được lên kế hoạch từ trước, đều nhằm mục đích đối trọng với những lời tuyên truyền bóng bẩy từ Triều Tiên, giới quan sát đánh giá.
Các cố vấn cho ông nhấn mạnh trước và trong chuyến công tác rằng Phó tổng thống Pence không đơn giản chỉ tới Pyeongchang để đắm mình trong bầu không khí ấm cúng được mang đến nhờ tinh thần Olympic hay để cổ vũ đội tuyển Mỹ. Theo họ, ông còn hướng tới mục tiêu củng cố các liên minh chống lại Triều Tiên, tăng cường áp lực lên chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tái khẳng định chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây "áp lực tối đa" lên Bình Nhưỡng và kiềm chế các chiến dịch tuyên truyền của Triều Tiên.
"Mục tiêu của chúng tôi hiện tại là sát cánh cùng với các đồng minh nhưng cũng phải đứng lên vì sự thật và phải chỉ rõ rằng bất kể hình ảnh nào có thể nổi lên từ bối cảnh mạnh mẽ và lý tưởng ở Olympic, Triều Tiên vẫn cần chấp nhận thay đổi. Họ phải từ bỏ tham vọng hạt nhân. Họ phải kết thúc những tháng ngày khiêu khích và đe dọa", ông Pence ngày 9/2 phát biểu tại Hàn Quốc.
Với sứ mệnh đó, trước khi tới Sân vận động Olympic chứng kiến lễ khai mạc Thế vận hội tối 9/2, Phó tổng thống Mỹ đã dành cả ngày để thực hiện mục tiêu đề ra.
Ông tới thăm Đài tưởng niệm Cheonan, nơi tưởng nhớ 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng vì ngư lôi được cho là của Triều Tiên. Ông lắng nghe câu chuyện của những người đào tẩu Triều Tiên, ca ngợi sự dũng cảm và bày tỏ lòng cảm kích tới họ.
Phó tổng thống Mỹ còn mời ông Fred Warmbier tới dự buổi lễ khai mạc Olympic. Ông Fred Warmbier là cha của Otto Warmbier, sinh viên Mỹ qua đời hồi năm ngoái sau khi bị Triều Tiên bắt giữ 17 tháng rồi gửi trả về nước trong tình trạng hôn mê.
Pence cho rằng việc ông tới thăm Đài tưởng niệm Cheonan và ngồi với những người đào tẩu Triều Tiên "đã đủ để truyền đi thông điệp đúng đắn" cho 17 ngày diễn ra Thế vận hội phía trước.
Theo giới phân tích, chiến lược tuyên truyền của Triều Tiên tại Olympic có hai phần tách biệt, một bên vẫn thể hiện sự đối địch với Mỹ nhưng bên còn lại, họ chìa cành ô liu với Hàn Quốc, láng giềng phía nam đang khao khát những dấu hiệu hòa giải.
Chính phủ Hàn Quốc suốt hơn nửa năm qua hết lần này đến lần khác ngỏ ý muốn đối thoại với Triều Tiên nhưng đều bị khước từ. Phải đến cuối năm 2017, những dấu hiệu khả quan từ phía Bình Nhưỡng đối với Seoul mới xuất hiện. Trong Thông điệp Năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã hỏi Hàn Quốc rằng liệu họ có muốn "xuống thang" căng thẳng hay không. Ở vòng đầu tiên của các cuộc đối thoại liên Triều sau đó, các đại diện từ Bình Nhưỡng đã ra sức trấn an Hàn Quốc rằng chương trình hạt nhân Triều Tiên theo đuổi "chỉ nhằm vào Mỹ, không phải những người anh em".
Động thái trên là một phần trong chiến lược quyến rũ chính phủ Hàn Quốc và cố gắng khoét sâu rạn nứt giữa Seoul và Washington, James Kim, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Hàn tại Viện nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, nhận xét. "Triều Tiên muốn tham gia nhưng họ muốn tham gia với các điều khoản của họ", ông Kim nói.
Bằng màn duyệt binh hoành tráng hôm 8/2 và việc cử các quan chức cấp cao, bao gồm cả cô Kim Jo-yong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tới Hàn Quốc, Bình Nhưỡng có lẽ đang tìm mọi cách để làm hòa với Seoul.
Sự khác biệt trong quan điểm xử lý cuộc khủng hoảng Triều Tiên giữa Mỹ và Hàn Quốc một lần nữa được thể hiện tại cuộc gặp giữa Phó tổng thống Mỹ và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Xanh tối 8/2. Trong khi ông Moon bày tỏ lạc quan rằng Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang có thể mang đến cơ hội đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tạo dựng hòa bình cho bán đảo, Phó tổng thống Pence lại tỏ ra cảnh giác, thúc giục Tổng thống Moon giữ thái độ cứng rắn với Triều Tiên.
Em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngồi ở hàng ghế phía sau Phó tổng thống Mỹ tại buổi lễ khai mạc Olympic tối 9/2. Ảnh: Yonhap. |
Bản thân Phó tổng thống Mỹ, ông giữ thái độ này một cách đầy kiên định. Trong bữa tiệc trước lễ khai mạc Thế vận hội tối qua, ông đã tránh đối mặt với Chủ tịch quốc hội Triều Tiên Kim Yong-nam. Hai người không nhìn mặt nhau hay bắt tay. Ông Pence đến bữa tiệc muộn và rời sự kiện chỉ sau 5 phút.
Tiếp đó, bên trong Sân vận động Olympic, ông Pence ngồi tại khu khán đài cùng Tổng thống Moon và cả đoàn Triều Tiên. Em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngồi ở hàng ghê ngay phía sau ông. Nhưng, theo một phát ngôn viên của Phó tổng thống Mỹ, họ "không hề tương tác".
Nguồn: VnExpress