Sự dối trá không còn là điều bất thường trong đời sống chính trị của Tổng thống Donald Trump – nó đã trở thành một chiến lược được sử dụng có chủ đích, được lặp lại và thậm chí được "thể chế hóa".

1 Tai Sao Noi Doi Lai Tro Thanh Chien Luoc Chinh Tri

Khi sự thật bị thay thế, văn hóa nói dối trở thành vũ khí quyền lực trong chính trường Mỹ

Ngay sau nhiệm kỳ đầu tiên, tờ The Washington Post thống kê rằng ông Trump đã đưa ra hơn 30.573 phát ngôn sai sự thật hoặc gây hiểu nhầm trong 4 năm tại vị. Chỉ trong 100 ngày đầu tiên làm tổng thống, ông đã có 492 lần nói sai sự thật. Những lời dối trá đó không chỉ được phát ra trong các chiến dịch tranh cử, mà còn thấm vào diễn văn quốc gia, chính sách đối ngoại và các cuộc phỏng vấn báo chí.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 5.3.2025, Trump đã nói sai hoặc bóp méo sự thật ít nhất 26 lần – từ việc thổi phồng số liệu lạm phát, xuyên tạc tình hình viện trợ Ukraine, đến tuyên bố vô căn cứ rằng chính phủ Mỹ chi "8 triệu USD để thay đổi giới tính cho chuột". Những tuyên bố kỳ quái này xuất phát từ các kênh truyền thông cực hữu như Fox News hay Gateway Pundit, sau đó được Trump nhấn mạnh như thể đó là sự thật.

Đáng lo hơn, nhiều phát ngôn gây sốc từ chiến dịch Trump 2.0 đã gây nhiễu loạn thông tin nghiêm trọng: từ việc Mỹ "gửi 50 triệu USD tiền bao cao su cho Hamas", đến cáo buộc rằng Ukraine khơi mào chiến tranh với Nga, hay đổ lỗi cho các chương trình DEI (đa dạng, công bằng, hòa nhập) gây ra tai nạn hàng không.

Không ít cựu cộng sự thân cận của Trump, như Stephanie GrishamAnthony Scaramucci, đã lên tiếng cảnh báo về "văn hóa nói dối" tồn tại trong Nhà Trắng. Họ cho rằng Trump chủ đích bóp méo sự thật để thao túng dư luận, bởi ông tin rằng nói dối liên tục sẽ khiến người ta tin đó là sự thật.

Nhà sử học Ruth Ben-Ghiat, tác giả quyển “Strongmen: Mussolini to the Present”, gọi Trump là một trong những nhà tuyên truyền chính trị tài giỏi nhất lịch sử hiện đại – người có khả năng kể lại mọi sự kiện theo hướng có lợi cho mình, bất chấp thực tế.

Khi nói dối trở thành chính sách

Điều đáng lo ngại là sự dối trá không còn xuất phát từ cá nhân Trump mà đã lan rộng đến toàn bộ nội các, trở thành một phần của chiến lược truyền thông.

Ví dụ, Brooke Rollins, bộ trưởng Nông Nghiệp, từng khoe đã hủy một khoản tài trợ nghiên cứu trị giá 600.000 USD cho "chu kỳ kinh nguyệt của người chuyển giới" – trong khi thực tế đó là dự án sản xuất sản phẩm vệ sinh từ sợi tự nhiên cho phụ nữ.

Robert F. Kennedy Jr., bộ trưởng Y tế, cũng lan truyền những thông tin sai lệch về vắc-xin, khiến các tổ chức y tế lên tiếng bác bỏ. Trong khi đó, Trump tiếp tục tung ra các thuyết âm mưu như việc "vàng trong kho Fort Knox đã bị đánh cắp", kéo theo cả tỷ phú Elon Musk tham gia khuấy động.

Theo tổ chức Common Cause, chính quyền Trump đang cố tình tạo ra một “làn sóng” tin giả, khiến người dân mất phương hướng và hệ thống tư pháp bị quá tải. Những thông tin như chuyện “bao cao su cho Gaza” có thể nhanh chóng lan tỏa đến hơn 53 triệu người, nhờ vào mạng xã hội, podcast và các kênh truyền thông cực hữu. Trong khi đó, những bài đính chính sự thật gần như không thể tiếp cận được số lượng người tương đương.

Sự thể chế hóa của dối trá

Trump và các đồng minh đã rất thành công trong việc gán nhãn “tin giả” cho báo chí chính thống, làm xói mòn niềm tin công chúng vào các nguồn thông tin đáng tin cậy. Thay vào đó là một “vũ trụ thông tin” đầy giả dối được kiểm soát bởi những kênh cực hữu, nơi mọi tin tức đều bị uốn nắn theo tư tưởng cực đoan của nhóm MAGA.

Không còn là những cú "vạ miệng" đơn lẻ, nói dối giờ đây là công cụ cai trị, là nền tảng cho một mô hình chính trị dựa trên thao túng và gây hoang mang – một chiến lược mà nếu không được nhận diện và phản kháng, sẽ tiếp tục đe dọa sự thật và nền dân chủ Mỹ trong những năm tới.

Thu Phương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC