Để cứu mạng sống của những người vô tội, nhiều quốc gia cấm tuyệt đối việc sử dụng rượu bia khi lái xe như Cộng hòa Czech, Romania, Hungary... Mức 50 mg/100 ml máu như tại Đức, Tây Ban Nha, Italy… hiện được nhiều chính phủ lựa chọn.
Việt Nam và Vương quốc Anh cho phép mức cồn 80 mg/100 ml máu.
Lái xe hơi uống rượu bia quá mức cho phép ở Anh bị xem là loại tội phạm nghiêm trọng. Không mấy khi được tranh luận với CSGT như ở Việt Nam.
Vụ tai nạn thảm khốc ở Long An khiến 4 người chết, hàng chục người bị thương. Tài xế thừa nhận có uống rượu trước khi lái xe
Ở Việt Nam, CSGT cả nước tổng kiểm tra, xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy trong giới cầm lái. Thử tạt vào vài quán bia hơi ở Hà Nội, chốn nhậu ở TP. HCM. Ô tô kín bãi. Xe máy đầy vỉa hè. Vào quán. Kẻ nói. Người uống. Dzô dzô. Tiệc tàn.
Các "trai" nghiêng ngả với xe máy. Mặt phừng phừng. Lên ô tô thì chân nam đá chân xiêu.
Phải chăng ta đang kệ cho những kẻ say xỉn phi xe ra đường?
Trông vào may rủi rằng sẽ không có cái xe máy nào chui dưới gầm ô tô của họ hoặc những tay lái xe máy không tự kết thúc cuộc đời ở góc đường nào đó hoặc dưới bánh xe tải?
Theo Bộ Y tế, mỗi năm, ta tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia. 300 triệu lít rượu. Top 10 châu Á. 80% nam giới sử dụng rượu bia. 2 lần mức trung bình trên thế giới.
Mỗi ngày ở nước ta vẫn còn khoảng 22 người tử vong do tai nạn giao thông (TNGT).
Theo Tổ chức Y tế Thế gới (WHO) tại Việt Nam, hơn 40% số nạn nhân TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn gây ra.
Nhưng khuyến cáo vẫn là không uống rượu bia trước khi lái xe vì khi bị cảnh sát Anh nghi ngờ sử dụng rượu bia thì bạn sẽ ước mình… ở Việt Nam đấy.
Bị bắt vì nghi uống rượu lái xe ở London
Lái xe hơi sau khi uống rượu bia quá mức cho phép ở Anh bị xem là loại tội phạm nghiêm trọng vì uy hiếp an toàn của người khác và lập tức bị đối xử như nghi phạm. Không mấy khi được tranh luận với cảnh sát giao thông như ở Việt Nam.
Thường phải đối mặt với án phạt tài chính, tù giam, thu bằng lái xe và nhiều ảnh hưởng nặng nề khác đối với cuộc sống sau này.
Trong đêm 30/12/2018, sau chầu ăn nhậu ở nhà người bạn tại khu West Minster, London, tầm 1h30 sáng, tôi lái xe về nhà. Chợt nghe còi ủ cảnh sát. Nhìn gương thấy đèn nhấp nháy. Vẫn đi tiếp. 10 phút. Đèn vẫn nhấp nháy bám theo. Bỗng, một chiếc xe khác cắt mặt. Chặn tôi lại.
Như Hollywood. Hai người đi xuống từ xe trước.
Một soi đèn thẳng vào tôi. Tay đặt vào súng. Người kia ra hiệu hạ kính.
Nữ tài xế không tỉnh táo gây ra vụ tai nạn liên hoàn trong đêm 21/10/2018 ở Hàng Xanh, TP.HCM
Tôi được yêu cầu đặt hai tay lên vô lăng và từ từ trả lời.
Hỏi: Ông có uống rượu không và uống bao nhiêu?
Không.
Sao thấy xe cảnh sát không dừng?
Tôi không nghĩ là liên quan nên không dừng.
Tôi được yêu cầu ra khỏi xe. Đứng dạng chân. Khám người. Kiểm tra xe. Sang xe cảnh sát ngồi. Được đưa về trụ sở gần đó.
Hai cảnh sát to cao luôn ở cạnh.
- Lấy máu.
- Thổi 3 lần.
May là hôm đấy tôi bị đau họng. Uống kháng sinh. Chỉ uống 1 chai bia nóng. Vài tiếng sau hết sạch. Thử mãi vẫn không. Tôi bảo muốn về ngủ vì đi nhậu mà chả được uống nên mệt.
Kiểm tra camera xong. Cảnh sát ghi biên bản và đồng ý cho tôi về. 5h sáng mới ra khỏi đồn cảnh sát. Đấy là cách mà người Anh đối xử với ai sử dụng rượu bia hoặc là nghi ngờ sử dụng khi lái xe.
Không tranh luận. Thử máu. Thổi.
Nếu chống lại yêu cầu này, bạn sẽ bị phạt ở mức cao nhất và thêm tội chống người thi hành công vụ.
Phạt nặng giúp London an toàn hơn?
Nếu bị phát hiện nồng độ cồn vượt trong máu, bạn có thể bị phạt 6 tháng tù giam, phạt 5.000 bảng (tương đương 150 triệu đồng), và cấm lái xe trong vòng 1 năm.
Nghiêm trọng hơn khi bị xem là nguyên nhân dẫn đến chết người thì cần xác định 14 năm giam giữ và phạt tiền bồi thường không giới hạn, cấm lái xe từ 2 năm đến vĩnh viễn. Anh bạn người Anh gốc Ấn Độ kể là người quen đi từ quán bia. Lên xe.
Chưa đi mà đã bị cảnh sát ập đến bắt và bị phạt vì phát hiện ra có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. 3 tháng tù, 2.000 bảng và tước bằng lái 1 năm. Ghi điểm phạt.
Có thể nói, mức án phạt cao và cái nhìn không dung tha của cộng đồng cũng như sự phối hợp giám sát giữa các bên liên quan đối với việc sử dụng rượu bia giúp số người thiệt mạng do tai nạn liên quan đến rượu bia ở Anh ít hơn hẳn ở Việt Nam.
Năm 2016, số người bị thương vong trong các vụ tai nạn xe hơi ảnh hưởng bởi rượu bia là 9.004, trong đó 240 người thiệt mạng. Đây là con số khá nhỏ so với số lượng hơn 40 triệu xe hơi trên toàn Vương quốc Anh và so với 9 người/ngày của Việt Nam.
Người Anh làm những gì để ngăn cánh uống bia rượu tự tay cầm lái?
Kiểm soát chéo và trách nhiệm cộng đồng. Trong văn bản các quy định về những người bán có trách nhiệm xã hội yêu cầu mỗi người phải trở thành một vị cảnh sát để giữ cho không ai vi phạm pháp luật.
Người bán bia rượu được hướng dẫn chủ động từ chối phục vụ chất có cồn cho ai đã có dấu hiệu mất kiểm soát, say xỉn.
Bạn sẽ không ngạc nhiên nếu lái xe đến một quán bar và chủ quán không rót cho bạn quá 1 cốc bia trong 1 tiếng. Nếu uống thêm nữa, bạn sẽ được yêu cầu để lại chìa khóa ô tô.
Bởi nếu chủ quán biết là bạn đi ô tô đến mà vẫn cho uống say mềm và lên xe rời khỏi quán rồi gây tai nạn chết người, thì vị chủ quán đó sẽ bị truy tố tội không ngăn cản hành vi dẫn đến phạm tội.
Khi được mời đến 1 gia đình ăn tiệc, gia chủ sẽ nhắc bạn sử dụng phương tiện công cộng hoặc taxi.
Việc này vừa tốt cho bạn cũng như đảm bảo chủ nhà không phải chịu trách nhiệm do đã có hành động nhắc nhở yêu cầu bạn thực thi pháp luật. Tóm lại, nếu bạn có thu nhập trung bình thì sẽ rất sợ mất cả tháng lương vì những án phạt tù giam, tiền, thu bằng lái…
Nguyễn Nam (Vương quốc Anh)
Nguồn: Vietnamnet.vn