Cô Rossella là bác sĩ thực tập chuyên ngành y đa khoa, hiện phụ trách tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 từ ngày 23/3 tại một bệnh viện ở Paris.
Trước sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 tại châu Âu, cô đã chia sẻ với tạp chí uy tín Pháp L'Express về "nhật ký chống dịch" của mình.
-----------
Đây thực sự là thế chiến thứ III
Tôi 26 tuổi, là một bác sĩ thực tập chuyên ngành y đa khoa ở Paris. Tôi được phân đến một bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 và sẽ làm việc ở đó cho đến khi dịch bệnh kết thúc.
Bạn trai tôi là trưởng khoa trong bệnh viện tôi sẽ đến. Anh ấy bắt đầu công việc sắp xếp giường bệnh từ ngày 16/3 để chuẩn bị cho những bệnh nhân Covid-19 sẽ được tiếp nhận. Tôi biết điều gì đang chờ đợi tôi.... Tôi biết, chúng tôi đang trong tình trạng chiến tranh.
......
Những gì Tổng thống [Emmanuel] Macron nói vào ngày 16/3 không phải là tin giật gân, mà là sự thật. Chúng tôi sẽ trải qua một giai đoạn đặc biệt - "Chiến tranh thế giới thứ ba".
Chúng ta nên tự hào vì chúng ta là con người, vì chúng ta không ngừng cải thiện. Chúng ta luôn đối đầu lẫn nhau nhưng lần này chúng ta chỉ có một kẻ thù chung. Đây là cuộc chiến đầu tiên trong lịch sử đã đưa tất cả chúng ta xích lại gần nhau, bất kể màu da, ngôn ngữ và tôn giáo.
Cuộc chiến này có thể dạy cho chúng ta hiểu rằng, tại sao tất cả chúng ta đều là anh chị em, cuộc sống khó lường đến nhường nào...
Trong số chúng tôi, có người ban đầu dự định kết hôn, đi nghỉ mát, sinh con, viết tiểu thuyết, đi du lịch.. Nhưng bây giờ những điều này là không thể, mọi thứ đều tạm dừng hoặc hoãn lại. Chỉ có cái chết là không dừng lại...
Cuộc chiến này buộc chúng tôi phải chia tay với cuộc sống thoải mái an nhàn trong quá khứ. Điều này có thể khó khăn, đau đớn và nặng nề, hoặc có khả năng sẽ còn kéo dài. Đôi khi mọi người có thể cảm thấy khó thở, có thể cảm thấy hoảng loạn và bất lực nhưng cần phải học cách thích nghi.
"Cuộc chiến này có thể dạy cho chúng ta hiểu rằng, tại sao tất cả chúng ta đều là anh chị em, cuộc sống khó lường đến nhường nào... "
Covid-19 là vũ khí lạnh
Thứ hai, ngày 23/3/2020
7h00: Đây là ngày đầu tiên của tôi ở tuyến đầu.
Hôm kia, nước Pháp đã chứng kiến cái chết đầu tiên của một bác sĩ. Tôi nghĩ Victor, anh ấy là người đứng đầu bộ phận tôi sẽ đến, và giờ tôi thậm chí còn sợ hãi hơn. Tôi hiểu rằng tôi không thể ngăn chặn điều này, mặc dù dịch bệnh dường như cứ kéo dài không ngừng nghỉ.
8h00: Tôi đạp xe và để cơn gió buổi sáng không ngừng táp vào má tôi như bị dao cắt. Nỗi đau này là một cảnh báo. Để nhanh chóng đến bệnh viện, tôi phải mất gần nửa giờ, nhưng thà bị đóng băng còn hơn là mạo hiểm lướt qua ai đó trong tàu điện ngầm.
Tôi đang đi qua một thành phố trống rỗng, vô lực. Paris trầm mặc, lặng lẽ, như bị tê liệt....
Tôi cố đạp xe thật nhanh. Tôi tiến băng băng về phía trước nhưng adrenaline (hormone) bắt đầu tăng lên.
.....
9h15: Một buổi sáng chờ đợi. Chờ đợi các bộ phận thực hiện n lần điều chỉnh; chờ bác sĩ và thực tập sinh nội trú được chỉ định lại theo các nhu cầu khác nhau; chờ đợi bệnh nhân luân chuyển, họ đến khám, chuyển đi, tử vong; chờ đợi cách mệnh lệnh hành chính.... Tuy nhiên, khi bản năng mách bảo chúng ta chạy trốn, chúng ta nên chấp nhận tất cả điều này và đứng yên.
10h00: Trong khi chờ đợi để được chuyển đến một bộ phận nhất định, tôi đã làm một số việc cụ thể. Tôi lấy mã đăng nhập phần mềm và đồng phục. Tôi đã đọc một vài bài báo và tham khảo một trang thông tin tập trung vào các vấn đề khác nhau của bệnh nhân.
Lúc nãy, khi Sara - đồng nghiệp tôi rất quý chào hỏi tôi thì một bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khó thở. Người phụ nữ rất trẻ này mới sinh con vào 5 ngày trước. Sara muốn lập tức chuyển cô ấy đến phòng cấp cứu nhưng không có giường. Giải pháp duy nhất là chuyển đến một bệnh viện khác, nhưng tình trạng của cô rất nguy kịch, khiến các bác sĩ cân nhắc nhu cầu đặt nội khí quản trước khi chuyển đi. Cuối cùng họ đã từ bỏ thao tác này bởi họ không thể mở cổ họng của người mẹ trẻ. Mọi người đưa cô lên xe cứu thương và cô biến mất về phía của sự sống hoặc cái chết. Chúng tôi sẽ không bao giờ biết về điều đó.
12h00: Vào buổi trưa, tôi không làm gì cả nhưng cảm thấy kiệt sức. Lãnh đạo yêu cầu tôi đến văn phòng. Vào thời điểm quan trọng, anh ấy yêu cầu tôi đến khoa cách ly bệnh nhân được chẩn đoán mắc Covid-19. Cuối cùng tôi cũng ra chiến trường rồi, dầm mình trong đau đớn và sẽ chiến đấu với tử thần...
Những người cao tuổi nhất được chăm sóc ở đây. Ngay từ đầu, họ có quyền ký một tài liệu khẳng định họ "không cấp cứu". Họ sẽ không được cấp cứu, vì dữ liệu cho thấy trong đợt dịch này, những người trên 70 tuổi sẽ không thể sống sót dù được đặt nội khí quản.
"Tôi đang đi qua một thành phố trống rỗng, vô lực. Paris trầm mặc, lặng lẽ, như bị tê liệt...."
Tôi vào nhóm nhưng không ai vì thế mà ngừng tay. Không có thời gian... Tôi bắt đầu nghiên cứu hồ sơ bệnh án của bệnh nhân. Trước khi đi gặp họ, tôi phải học các quy trình mặc và cởi quần áo [bảo hộ], và rửa tay mà không có bất kỳ sai lầm nào. Tuy nhiên, không có đủ nguồn cung để tuân thủ...
Trước khi tôi rời khỏi phòng, từ hành lang vọng đến tiếng gào thất thanh, không ngừng năn nỉ: "Làm ơn! Làm ơn!". Là một bệnh nhân không thể chấp nhận việc phải rời xa người thân trong khoảnh khắc hấp hối. Vô số người yêu nhau không biết rằng họ vừa trải qua giây phút cuối cùng bên nhau. Covid-19 là một vũ khí lạnh, âm thầm đưa người ta vào chỗ chết...
16h00: Tôi không mang theo bữa trưa. Các nhà ăn, phòng ăn của bệnh viện đã đóng cửa và chỉ có cửa hàng cà phê ở phía xa còn kinh doanh. May mắn thay, có socola trong văn phòng của thực tập sinh. Tôi vừa ăn và vừa làm việc, xem bệnh án lâm sàng của một bệnh nhân. Thời gian còn lại của buổi chiều đều là làm việc.
Một cụ ông 85 tuổi mà Victor tiếp nhận hôm thứ Năm, theo dự đoán trước đó của các bác sĩ, có thể sẽ qua đời vào đêm đó, nhưng đến nay ông vẫn còn sống. Hôm nay, cụ ông ấy đã trở thành một trong những bệnh nhân của tôi. Ông sẽ không ở lại lâu. Lần này, ông có thể sẽ ra đi vào ban đêm. Nhờ điều trị, ông cảm thấy không đau đớn về thể xác. Trái lại, ông vô cùng đau khổ về mặt tinh thần vì ông chỉ có một cô con gái duy nhất trên cuộc đời nhưng cái chết quyết định đưa ông đi và họ không thể gặp lại nhau. Ông có thể muốn chống cự, muốn chiến đấu và muốn đối đầu với số phận chán ghét này nhưng ông không có năng lượng. Cuối cùng vẫn là bất lực, thậm chí ông cũng không thể khóc, chỉ có thể che mắt mình bằng lớp nước mắt phải khó khăn lắm mới có thể rơi ra.
20h00: Victor đến tìm tôi, thế là đủ cho ngày hôm nay. Anh chở tôi về nhà. Chiếc xe đạp đành để lại bệnh viện tối nay. Tôi không còn sức để đạp xe. Tôi cần được nghỉ ngơi, bởi vì lúc này chúng tôi vẫn đang chuẩn bị cho trận chiến, và chúng tôi chưa đi đến thời điểm tồi tệ nhất, và những ngày tiếp theo sẽ còn tồi tệ hơn.
Tôi thử cố gắng quên đi cuộc chiến này
Thứ tư, ngày 25/3/2020
Tối nay, tôi để xe đạp trong bệnh viện. Khi trở về nhà, khao khát bình yên bên nhau của chúng tôi rất mạnh mẽ. Tôi không đủ can đảm để đạp xe trong cái lạnh của Paris. Victor là bạn trai của tôi và cũng làm việc trong bệnh viện. Tôi mỉm cười với anh ấy, và sau đó hỏi anh ấy: "Nếu em về nhà với anh thì có làm phiền anh không?". Victor cười lớn. "Đương nhiên là không, em yêu!". Anh ấy đặt một cánh tay sau vai tôi và chúng tôi cùng nhau rời khỏi thế giới đầy mầm bệnh mà chúng tôi cùng chiến đấu vào ban ngày.
Buổi tối, giống như Victor, tôi lại cố gắng trở thành một người bình thường, quên đi cuộc chiến. Chúng tôi cần phục hồi và chuẩn bị cho trận chiến mới vào ngày hôm sau.
Đôi khi chúng ta thậm chí còn cười nhạo kẻ thù của mình. Có lẽ chúng ta không nên như thế: Chúng ta biết rằng một ngày nào đó nó có thể tấn công chúng ta, xâm chiếm chúng ta và khiến chúng ta đau đớn. Điều đó thật tệ. Con người rất mong manh. Đôi khi, khi không khí đặc biệt nặng nề, chúng ta cần thả lỏng.
"Tôi lại cố gắng trở thành một người bình thường, quên đi cuộc chiến. Chúng tôi cần phục hồi và chuẩn bị cho trận chiến mới vào ngày hôm sau".
Tối nay sau khi rời bệnh viện, Victor nói với tôi: "Một nụ hôn với Covid-19 chứ?". Ở trên đường lớn, chúng tôi vừa mỉm cười, vừa đi bộ và trao cho nhau nụ hôn qua lớp khẩu trang. Đây là cách mà đôi khi, chúng ta tự cổ vũ bản thân để thay thế nỗi sợ hãi. Bởi vì chiến tranh không chỉ là nước mắt, đổ máu và cái chết. Đó còn là tình yêu, những tia sáng của nhân loại giúp chúng ta đấu tranh bất chấp đau thương, nặng nề.
Victor còn nói: "Thật là một ngày kỳ lạ." Các bác sĩ ở phòng bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19 đều trải qua cảm giác bất lực kỳ lạ. Bệnh nhân rất nhiều. Những người bệnh đang hồi phục cần được chăm sóc nhưng không nhất thiết phải vào bệnh viện. Những người bệnh nặng cần được chuyển đến phòng ICU và họ biết rằng không nhất định sẽ có giường. Trên thực tế, phòng điều trị Covid-19 chủ yếu được sử dụng để chăm sóc cho những bệnh nhân đang ở trạng thái trung gian giữa hai đối tượng trên.
Chúng tôi chia thành nhóm. Đầu tiên là dành cho những người trẻ tuổi.
Tình trạng bệnh của người trẻ thường được kiểm soát. Nếu họ phục hồi tôi, chúng tôi sẽ đưa họ về nhà. Nếu tình trạng của họ biến động, họ sẽ tiếp tục được giữ lại để theo dõi. Nếu họ suy hô hấp nghiêm trọng, chúng tôi sẽ đưa họ đến phòng ICU càng sớm càng tốt.
Thứ hai là dành cho những người cao tuổi nhất.
Đối với họ, ICU không phải là một lựa chọn, ngay cả trong mơ. Người cao tuổi quá yếu, không thể chịu đựng hoặc chịu đựng rất khó khăn mà chúng tôi cũng không tìm được giường bệnh. Vì vậy, họ cần phải được thăm khám trong phòng chờ, cố gắng phục hồi những người có thể phục hồi. Khi không còn hy vọng, mới bắt đầu để họ ra đi trong an nhiên. Rõ ràng, điều này là không thể khi họ phải cô độc rời xa người thân.
Họ có thể không đau đớn về thể xác, nhưng chắc chắn rằng họ sẽ giằng xé về tinh thần.
Thứ ba là dành cho những người chưa thực sự cải thiện, nhưng tình trạng hô hấp không bị suy giảm đến mức phải chuyển sang ICU. Chúng tôi thường sẽ đưa họ vào khoa hô hấp.
Tất cả bệnh nhân đều đã ở bệnh viện trong một thời gian dài. Bởi vì bệnh tiến triển chậm và đôi khi không thể đoán trước. Và làm thế nào chúng tôi có thể đưa một bệnh nhân về nhà khi nơi đó có cha mẹ 80 tuổi của họ? Trong những trường hợp như vậy, chúng tôi tìm kiếm các giải pháp khác, nhưng không phải lúc nào cũng tìm được.
Trong trường hợp bình thường, khi một bệnh nhân nhập viện, họ cần được theo dõi thường xuyên, vì tình trạng bệnh thay đổi liên tục. Cần phải điều chỉnh chăm sóc theo tình trạng và phản ứng của họ với các phác đồ điều trị, cần luôn luôn thận trọng. Nhưng rõ ràng, tình hình hiện tại là rất khác....Tùy thuộc vào lưu lượng bệnh nhân, chúng tôi sẽ ở trong phòng cấp cứu hoặc phòng chờ.
Nhiều bác sĩ cảm thấy chóng mặt vì sự thay đổi này. Ngày hôm nay của Victor là như vậy, còn tôi vẫn ổn.
"Trên thực tế, anh rất lo lắng", Victor nói. "Anh cảm thấy vô dụng khi không có gì đặc biệt xảy ra. Rõ ràng là anh có thể thở phào nhẹ nhõm, nhưng anh vẫn không di chuyển, anh cảm thấy bất lực. Anh biết chúng ta nên hành động một cách nhịp nhàng và có tổ chức. Thay đổi nơi làm việc dựa trên số lượng bệnh nhân có thể là không thể thực hiện được và sẽ đến hỗn loạn. Khi đôi chân nghỉ ngơi quá nhiều, trái tim sẽ đập nhanh hơn".
Theo Tổ Quốc