Tân Thủ tướng Pháp Francois Bayrou - Ảnh: REUTERS
Ông Francois Bayrou, nhà chính trị kỳ cựu 73 tuổi và biểu tượng của chủ nghĩa trung dung tại Pháp, được bổ nhiệm làm thủ tướng ngày 13-12, thay thế ông Michel Barnier.
Đây là lần đầu tiên trong hơn sáu thập kỷ, Quốc hội Pháp bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong hệ thống chính trị hiện nay.
Thách thức cũ trong bối cảnh mới
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Thủ tướng Pháp Bayrou là thành lập chính phủ mới, nhưng giống như người tiền nhiệm Barnier, ông Bayrou chỉ có sự ủng hộ thiểu số trong Quốc hội.
Ông Barnier rời ghế cũng chính vì không thể đạt được sự đồng thuận đối với dự luật ngân sách năm 2025.
Dù hiện tại, các phe phái trong Quốc hội đồng ý thông qua luật khẩn cấp để đảm bảo ngân sách tạm thời, nhưng việc xây dựng ngân sách lâu dài sẽ không hề dễ dàng.
Các đảng cánh tả đã tuyên bố có thể tiếp tục gây áp lực hoặc thậm chí lật đổ ông Bayrou nếu ông sử dụng các quyền đặc biệt trong hiến pháp để thông qua ngân sách mà không cần sự đồng thuận.
Ngân hàng JP Morgan nhận định rằng việc thỏa hiệp với các đảng đối lập có thể khiến ngân sách bị đội chi phí, làm hạn chế khả năng tái cân đối tài khóa vào năm tới.
Cùng quan điểm, Moody's đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Pháp, với lý do triển vọng cải thiện tài chính công bị suy giảm sau khi chính phủ ông Barnier sụp đổ.
Ông Bayrou, người từng ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Emmanuel Macron trong chiến dịch tái định hình chính trị Pháp năm 2017, được kỳ vọng là một nhân vật mang tính hòa giải.
Ông Macron chọn ông Bayrou làm thủ tướng với hy vọng thúc đẩy sự đồng thuận và duy trì các cải cách kinh tế, trong đó có cải cách lương hưu gây tranh cãi năm 2023.
Tuy nhiên, ông Bayrou phải đối mặt với sức ép lớn từ cả các đảng đối lập và công chúng. Lãnh đạo cánh hữu cực đoan Jordan Bardella tuyên bố "các lằn ranh đỏ" của họ vẫn không thay đổi, bao gồm việc điều chỉnh lương hưu theo lạm phát trong năm 2025.
Ngoài ra, chính phủ mới sẽ phải giảm thâm hụt ngân sách từ mức dự kiến 6,1% GDP trong năm 2024, tăng chi tiêu quốc phòng hỗ trợ Ukraine, đồng thời tìm cách cứu vãn ngành công nghiệp đang gặp khó khăn.
Những biện pháp tăng thuế đối với người giàu và doanh nghiệp lớn, cùng với việc kiểm soát chi tiêu lương hưu do ông Barnier đề xuất, đã bị bỏ qua khi chính phủ của ông bị phế truất.
Do đó, tân Thủ tướng Bayrou sẽ cần tìm cách tiếp cận mới để tái cân đối ngân sách mà không khiến các công đoàn hoặc phe đối lập nổi giận.
Thách thức dài hạn
Theo giáo sư Arnaud Benedetti của Đại học Sorbonne, "những khó khăn mà ông Bayrou đối mặt không khác gì so với ông Barnier". Tuy nhiên, giáo sư Arnaud Benedetti cũng lạc quan rằng nguy cơ xảy ra một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mới trong ngắn hạn là không cao.
Ông Bayrou tự nhận mình là người "hàn gắn", ưu tiên giữ hòa bình với các công đoàn, nghị sĩ và các nhóm lợi ích lớn. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên trên tờ La Tribune Dimanche, ông nhấn mạnh: "Tôi thích sửa chữa những gì đã hỏng".
Tuy nhiên, việc duy trì hòa bình trong một quốc hội đầy mâu thuẫn sẽ gần như bất khả thi. Ông Bruno Le Maire, cựu bộ trưởng Tài chính, từng chỉ trích gay gắt Quốc hội hiện tại: "Họ chỉ biết đánh thuế, tiêu xài và kiểm duyệt. Quốc hội đã mất hoàn toàn nhận thức về thực tế kinh tế và ngân sách".
Ông Bayrou không chỉ phải đối mặt với áp lực ngắn hạn mà còn phải chuẩn bị cho những thách thức chính trị lớn hơn trong tương lai.
Một khảo sát mới đây cho thấy 35 - 38% cử tri có ý định ủng hộ bà Marine Le Pen, lãnh đạo cánh hữu cực đoan, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2027.
Đây là mức ủng hộ chưa từng có, đưa bà Le Pen trở thành ứng viên sáng giá nhất cho vị trí lãnh đạo đất nước.
MINH KHÔI
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online