Biến động chính trị, dư chấn và cơ sở hạ tầng bị phá hủy là những thách thức đang cản trở nỗ lực tìm kiếm cứu nạn sau động đất ở Myanamar.

Trận động đất mạnh 7,7 độ ngày 28/3 đã làm rung chuyển Myanmar và Thái Lan. Giới chức Myanmar cho biết hơn 1.000 người thiệt mạng và khoảng 2.400 người bị thương. Tại Thái Lan, các quan chức cho hay ít nhất 10 người chết ở Bangkok, hầu hết là do vụ sập tòa nhà 34 tầng đang xây dựng. Con số thương vong dự kiến còn tăng.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đã ban bố cảnh báo đỏ về thương vong do động đất, ước tính số người chết ở Myanmar có thể lên tới 100.000 trong kịch bản xấu nhất.

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn ở cả hai quốc gia đang chạy đua với thời gian để cứu những người mắc kẹt trong các đống đổ nát, cũng như khắc phục hậu quả thảm họa. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết đây là trận động đất lớn nhất ở Myanmar trong hơn một thế kỷ qua.

Sanj Srikanthan, giám đốc ShelterBox, tổ chức từ thiện cứu trợ thiên tai và cung cấp nơi trú ẩn cho những người mất nhà cửa do xung đột từng hoạt động ở Myanmar cảnh báo 6 triệu người dân nước này có thể bị ảnh hưởng bởi thảm họa.

Với quốc gia nghèo đã trải qua nhiều năm biến động chính trị như Myanmar, việc tiến hành chiến dịch cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo quy mô lớn như vậy đang đối diện với rất nhiều thách thức.

1 Thach Thuc Chong Chat Voi No Luc Cuu Nan Sau Dong Dat O Myanmar

Một tòa nhà bị đổ sập vì động đất ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, hôm 28/2. Ảnh: AFP

Dư chấn

Dư chấn thường là những trận động đất nhỏ xảy ra sau một trận động đất lớn hơn trong cùng một khu vực. Chúng có thể xảy ra vài ngày hoặc vài tuần sau trận động đất đầu tiên, tiếp tục ảnh hưởng đến những địa điểm đã bị thiệt hại.

Theo USGS, một trận động đất mạnh 6,4 độ đã xảy ra chỉ 11 phút sau trận động đất chính vào hôm qua. Cục Khí tượng Thái Lan cho biết đây là một trong hàng chục cơn dư chấn xảy ra ở khu vực. Myanmar đến nay đã ghi nhận 14 dư chấn, dao động từ 3 đến 5 độ.

"Dư chấn xảy ra khá thường xuyên và gây ra nỗi kinh hoàng khủng khiếp cho những người trên mặt đất", Sanj nói. "Điều đáng sợ nhất là chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo".

Dư chấn của các trận động đất mạnh thường có cường độ lớn, đe dọa làm sụp đổ các công trình đã bị hư hại nặng, có thể gây nguy hiểm cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn.

"Dư chấn lớn nhất thường có cường độ nhỏ hơn một bậc so với rung chấn chính", tiến sĩ Brian Baptie, nhà địa chấn học tại Cục Khảo sát Địa chất Anh, giải thích. "Vì vậy, sau trận động đất mạnh 7,7 độ thế này, chúng tôi ước tính dư chấn sẽ có cường độ cao nhất là 6,7 độ. Đây vẫn là một trận động đất lớn theo đúng nghĩa của nó và chắc chắn có thể gây ra thiệt hại".

2 Thach Thuc Chong Chat Voi No Luc Cuu Nan Sau Dong Dat O Myanmar

Vị trí tâm chấn động đất và đường đứt gãy Sagaing. Đồ họa: Quỹ Mô hình Động đất Toàn cầu

Một trở ngại khác với nỗ lực tìm kiếm cứu nạn là nguy cơ xảy ra lở đất. Một trận lở đất lớn tại khu khai thác ngọc bích Wai Khar ở bang Kachin, phía bắc Myanmar năm 2020 đã khiến gần 200 thợ mỏ thiệt mạng.

Hồi tháng một, một trận lở đất khác cũng xảy ra tại địa điểm trên, khiến ít nhất 12 người chết, 50 ngôi nhà bị chôn vùi.

"Động đất có thể gây ra thêm nhiều trận lở đất gây hư hại cho các tòa nhà và cơ sở hạ tầng cũng như ảnh hưởng đến nỗ lực cứu trợ", tiến sĩ Bapite cảnh báo.

Biến động chính trị

Myanmar, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á, những năm gần đây chìm trong bất ổn chính trị và thường gặp khó khăn khi ứng phó các thảm họa nghiêm trọng.

Hơn 4 năm qua, giao tranh giữa quân đội chính phủ Myanmar và các nhóm nổi dậy thường xuyên xảy ra, khiến nền kinh tế bị tàn phá nặng nề. Bất ổn và xung đột khiến hạ tầng y tế vốn đã lạc hậu của đất nước không thể phát triển, khiến Myanmar bị động khi đối phó các tình huống khẩn cấp.

Ngay cả trước trận động đất, hệ thống y tế của Myanmar đã bị đẩy đến giới hạn. Sau khi quân đội tiến hành đảo chính năm 2021, hàng nghìn bác sĩ Myanmar đã tham gia phong trào phản đối.

Bệnh viện đa khoa Mandalay, nơi nằm gần tâm chấn, đang rơi vào tình trạng quá tải, khi hàng trăm bệnh nhân phải nằm chờ bên ngoài để được điều trị.

"Nguy cơ đối với những người sống trong các tòa nhà bị hư hại là rất lớn", tiến sĩ Baptie nói. "Ngoài ra còn có những tác động về vấn đề vệ sinh, nguồn nước, nguồn cung cấp thực phẩm, nơi trú ẩn. Tôi nghĩ tất cả những tác động tới sức khỏe đó đều là những mối quan ngại lớn".

Nỗ lực khắc phục hậu quả động đất sẽ gặp khó khăn ở những vùng nằm ngoài tầm kiểm soát của quân đội chính phủ. Những nơi này được điều hành bởi các nhóm phiến quân và dân quân, khiến việc thu thập thông tin trở nên cực kỳ khó khăn.

3 Thach Thuc Chong Chat Voi No Luc Cuu Nan Sau Dong Dat O Myanmar

Nhân viên y tế di chuyển nạn nhân động đất bên trong một bệnh viện ở Naypyidaw ngày 28/3. Ảnh: AFP

Những biến động về chính trị và thiếu thốn về y tế chắc chắn sẽ tạo ra thách thức không nhỏ cho nỗ lực phục hồi sau động đất của Myanmar, giới chuyên gia cảnh báo.

Trận động đất giống như "thảm họa chồng lên thảm họa", Tom Andrews, giám sát viên về Myanmar tại Hội đồng Nhân quyền thuộc Liên Hợp Quốc, nói. Với hơn 20 triệu người cần viện trợ nhân đạo do bất ổn những năm qua, "tôi rùng mình khi nghĩ đến những gì sẽ xảy ra vài ngày tới khi các hoạt động cứu hộ diễn ra", ông cho hay.

"Bất kỳ quốc gia nào phải đối mặt với trận động đất có cường độ 7,7 độ đều cần phải huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là tại những nơi gần các trung tâm dân cư", Sanj nói. "Tôi hy vọng cộng đồng quốc tế và các tổ chức cứu trợ có thể hỗ trợ chính phủ Myanmar cũng như chính quyền địa phương thực hiện tốt nhất nỗ lực ứng phó".

Vũ Hoàng (Theo AP, Reuters, Washington Post, ITV)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC