Việc Thủ tướng Barnier bị quốc hội phế truất sau ba tháng nắm quyền khiến chính trường Pháp thêm bế tắc, tăng thách thức chính trị với Tổng thống Macron.

Hạ viện Pháp ngày 4/12 bỏ phiếu bãi nhiệm Thủ tướng Michel Barnier chỉ ba tháng sau khi ông lên nắm quyền. Ông Barnier, 73 tuổi, dự kiến nộp đơn từ chức lên Tổng thống Emmanuel Macron ngày 5/12, trở thành thủ tướng Pháp có nhiệm kỳ ngắn nhất kể từ năm 1958.

Diễn biến đẩy chính trường Pháp chìm sâu vào khủng hoảng, phần nào bắt nguồn từ quyết định tổ chức bầu cử quốc hội sớm của ông Marcon hồi tháng 6, tạo thành thế "chân vạc" trong cơ quan lập pháp nước này.

Sau cuộc bầu cử sớm, cả liên minh trung dung cầm quyền, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) và đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) đều không hội đủ số ghế để lập chính phủ đa số, tạo thành "quốc hội treo", gồm ba khối đối lập với những cương lĩnh khác biệt và không có truyền thống làm việc cùng nhau.

"Rất khó để tìm được một lộ trình ổn định trong tình thế như vậy", thượng nghị sĩ Francois Patriat, đồng minh lâu năm của ông Marcon, nói với FT.

1 Thach Thuc Chong Chat Voi Ong Macron Khi Thu Tuong Bi Phe Truat

Thủ tướng Pháp Michel Barnier phát biểu tại quốc hội trước khi bị bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 4/12. Ảnh: AFP

Hiến pháp Pháp quy định tổng thống là người chỉ định thủ tướng. Ông Macron từng mất 7 tuần cân nhắc để tìm ứng viên được đa số nghị sĩ chấp thuận, ký quyết định bổ nhiệm ông Barnier vào ngày 5/9.

Tân Thủ tướng Barnier đối mặt thách thức đầu tiên sau khi nhậm chức là dự thảo ngân sách 2025 không nhận được đủ sự ủng hộ từ quốc hội để được thông qua. Những người soạn thảo dự luật ngân sách muốn cắt giảm chi tiêu 60 tỷ euro (hơn 63 tỷ USD) nhằm hạn chế thâm hụt.

Thủ tướng Barnier đã quyết định sử dụng quyền lực đặc biệt trong hiến pháp để thông qua một phần dự thảo luật ngân sách. Phe cực tả và cực hữu lập tức quyết định trừng phạt ông bằng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, khiến ông bị phế truất.

Ông Marcon giờ đây đối mặt áp lực phải hành động nhanh chóng về ngân sách. Trì hoãn sẽ khiến Tổng thống Pháp bị đánh giá yếu kém, thị trường tài chính Pháp thêm bất ổn. Bế tắc kéo dài còn làm dấy lên lời kêu gọi ông Marcon từ chức trước khi mãn nhiệm năm 2027 để mở đường bầu cử tổng thống sớm.

Ba nguồn thạo tin nói với Reuters rằng ông Marcon muốn nhanh chóng bổ nhiệm tân thủ tướng, khả năng cao trước 7/12, ngày tổ chức lễ khánh thành Nhà thờ Đức Bà Paris. Truyền thông Pháp nêu một số ứng viên tiềm năng gồm Bộ trưởng Quốc phòng Sebastien Lecornu, Francois Bayrou, đồng minh thuộc phe trung dung của ông Marcon hoặc cựu thủ tướng cánh tả Bernard Cazeneuve.

Ông Marcon cũng có thể xem xét thiết lập một chính phủ kỹ trị, nội các gồm các chuyên gia như nhà kinh tế, công chức cấp cao, học giả, nhà ngoại giao, lãnh đạo doanh nghiệp hoặc công đoàn. Họ không liên kết với bất kỳ đảng phái hoặc liên minh chính trị nào.

Nhưng bất cứ ai kế nhiệm Thủ tướng Barnier cũng sẽ phải đối mặt những thách thức mà ông đang gặp phải với "quốc hội treo" khi muốn thông qua dự luật. Pháp không thể tổ chức bầu cử quốc hội lần nữa trước tháng 7/2025, đồng nghĩa cục diện này còn tiếp tục trong nhiều tháng tới.

Tổng thống Macron có thể đề nghị ông Barnier và nội các tiếp tục nắm quyền tạm thời trong thời gian tìm ứng viên phù hợp.

Là thành viên Liên minh châu Âu (EU), mức thâm hụt ngân sách hàng năm của Pháp không được vượt 3%, nhưng con số này ước tính trong năm nay là 6,1%. Dự thảo ngân sách của ông Barnier kỳ vọng đưa thâm hụt về 5,6% thông qua tăng thu giảm chi.

Nếu không thể thông qua dự thảo ngân sách trước ngày 20/12, chính phủ tạm quyền có thể chuyển các quy định về thuế và chi tiêu trong ngân sách năm 2024 cho năm 2025. Nhưng nếu giữ nguyên quy định đó, thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên 6,3%, theo các nhà phân tích tại ngân hàng Morgan Stanley.

Chính phủ tạm quyền còn có lựa chọn kích hoạt quyền lực đặc biệt để thông qua dự thảo ngân sách năm 2025. Giới chuyên gia cảnh báo đây là "vùng xám pháp lý" và cái giá chính trị phải trả nếu làm vậy sẽ rất đắt.

Laurent Wauquiez, lãnh đạo phe cánh hữu tại quốc hội, nói với AFP rằng phe cực tả và cực hữu phải chịu trách nhiệm vì tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm "đẩy đất nước vào bất ổn".

2 Thach Thuc Chong Chat Voi Ong Macron Khi Thu Tuong Bi Phe Truat

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Brussels, Bỉ, ngày 22/3. Ảnh: AFP

Tổng thống Marcon đã đối mặt một số lời kêu gọi từ chức để phá thế bế tắc, nhưng ông bác bỏ, mô tả kịch bản như vậy là "ảo tưởng chính trị". Tuy nhiên, nghị sĩ cực tả Eric Coquerel cho rằng việc Thủ tướng Barnier bị phế truất đã "gióng lên hồi chuông kết thúc nhiệm kỳ của ông Macron".

"Kịch bản từ chức có thể xảy ra nhưng giờ không phải là lúc phù hợp. Nếu Tổng thống từ chức vào lúc này, tình hình sẽ càng thêm hỗn loạn và không thay đổi được tình thế mong manh tại quốc hội", Francois-Xavier Millet, nhà khoa học chính trị tại Đại học French West Indies, Pháp, nói.

Ông Marcon được cho là đang cố cứu vãn nhiệm kỳ của mình, đồng thời bảo vệ những thành quả trong thời gian nắm quyền, đặc biệt là về kinh tế với các cải cách có lợi cho doanh nghiệp và giảm thuế. Ông kêu gọi các đảng phái hợp tác để mang lại sự ổn định cho đất nước, ít nhất là thông qua được dự luật ngân sách.

Nỗ lực này gặp trở ngại đáng kể từ RN và NFP, với những toan tính khác nhau nhằm giành lợi thế khi bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra hai năm tới.

"Họ đều bị ám ảnh bởi cuộc bầu cử năm 2027, sự kiện đang tác động đến cách lãnh đạo hai phe này hành động", Jean Garrigues, sử gia chuyên về quốc hội và hiến pháp Pháp, nói, đề cập thủ lĩnh RN Marie Le Pen và lãnh đạo NFP Jean-Luc Melenchon. "Đó là lý do rất khó có sự nhượng bộ trong quốc hội".

Bà Le Pen suốt nhiều năm qua luôn nỗ lực mô tả RN là "một chính phủ đang chờ đợi". "Tôi không thúc đẩy ông Macron từ chức", bà nói với Reuters. "Áp lực lên Tổng thống sẽ ngày càng lớn hơn. Chỉ có ông ấy mới có thể đưa ra quyết định đó".

Như Tâm (Theo FT, France 24, Reuters)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC