Ô tô, xe buýt và xe máy ngập nước trong trận lụt lớn ở Sihanoukville, Campuchia, vào đầu tháng trước.
Maggie Eno và những đồng nghiệp người Campuchia của cô phải lội qua dòng nước đục cao đến đùi đến dọn dẹp công ty sau trận lụt lớn chưa từng thấy khiến thành phố ven biển của tỉnh Sihanoukville, Campuchia chìm trong nước.
"Tòa nhà mà chúng tôi đã ở đây được 11 năm, chưa bao giờ chứng kiến lũ lụt lớn như thế này" - Eno, đồng giám đốc của M'lop Tapang, một tổ chức phi lợi nhuận cứu trợ trẻ em và những người vô gia cư trong tỉnh nói. "Người dân ở đây đang rất lo lắng và tuyệt vọng. Đây thực sự là một tình huống rất nguy hiểm", cô nói
Trận lụt tràn vào bờ biển phía Nam của Campuchia hồi tháng trước đã khiến một phần trụ sở của M'lop Tapang bị nhấn chìm trong hai mét nước. Hàng ngàn ngôi nhà và tài sản đã bị phá hủy bởi những cơn mưa lớn, những con đường thành những dòng sông chảy xiết.
Tổng cộng có 1.736 gia đình bị ảnh hưởng, 937 ngôi nhà bị ngập úng và 456 người phải sơ tán, theo các quan chức tỉnh Sihanoukville, Campuchia.
Nước ngập cao đến hơn 2 mét tại Sihanoukville
Sihanoukville trước đây không lạ gì với lũ quét – nhưng người dân ở đây nói rằng họ chưa bao giờ chứng kiến mực nước dâng cao như thế.
Tha Sok Lay, 38 tuổi, một chủ nhà hàng tại bãi biển Otres, cho biết trong vòng một giờ nước đã dâng cao hơn một mét. Tha Sok Lay và nhân viên của cô phải chạy trốn khỏi nhà hàng để đến vùng đất cao hơn, chứng kiến toàn bộ sản nghiệp kinh doanh bị tàn phá bởi những dòng nước dâng cao nhanh chóng.
Theo ông Thon Ratha, thuộc tổ chức phi chính phủ của Campuchia, phần lớn lỗi nằm ở những khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào Sihanoukville.
Là cảng nước sâu duy nhất tại Campuchia - là một phần tuyến đường thương mại quan trọng nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – thành phố đã trở thành tâm điểm đầu tư của siêu cường châu Á này.
Những năm gần đây, Sihanoukville đã phát triển với tốc độ theo cấp số nhân khi nguồn đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc đổ vào. Ngày nay, đường chân trời của thành phố là những sòng bạc cao chót vót, chung cư cao tầng và khách sạn xa hoa.
Ngược lại, quan trọng không kém, sự phát triển cơ sở hạ tầng quản lý nước tại đây đã không theo kịp, gây áp lực cho hệ thống nước thải, quản lý lưu lượng nước và việc xử lý chất thải.
Nhiều hệ thống lọc nước tự nhiên cũng đã bị lấp, bao gồm các khu vực rộng lớn của đầm lầy và hồ nước từng là nơi hấp thụ những cơn mưa lớn.
Những cơn mưa lớn đã trút xuống thành phố ven biển Sihanoukville vào tháng trước.
"Kể từ khi Trung Quốc đầu tư vào, nhiều tòa nhà đã được xây lên và nhiều hồ nước đã bị lấp nhưng không có điều gì được thực hiện để cải thiện cơ sở hạ tầng cần thiết", cô nói thêm.
Để giảm thiểu những tác động lớn hơn trong tương lai, Thống đốc của thành phố, ông Kuoch Chamroeun đã cho sửa chữa và mở rộng kênh đào thành phố.
Thiệt hại do lũ lụt là hiện mối quan tâm mới nhất của người dân địa phương vì tốc độ phát triển nhanh chóng ở Sihanoukville.
Hiện tại có gần 200 dự án xây dựng đang được tiến hành trong thành phố, chủ yếu là đầu tư từ Trung Quốc.
Một báo cáo của chính quyền tỉnh cho biết, hơn 90% doanh nghiệp ở Sihanoukville của người Trung Quốc. Báo cáo cũng lưu ý rằng trong số 156 khách sạn và nhà khách của tỉnh thì có 150 khách sạn thuộc sở hữu của Trung Quốc; 48/62 sòng bạc đã được phát triển với sự đầu tư của Trung Quốc; 95% trong số 436 nhà hàng do người Trung Quốc quản lý. Dự kiến, vào cuối năm nay, thành phố sẽ có hơn 70 sòng bạc.
Ở trung tâm thành phố, rất nhiều quán ăn địa phương, quán mì và quán cà phê đã đã được thay thế bằng các doanh nghiệp mang biển hiệu Trung Quốc. Sản phẩm địa phương bán tại các chợ đã biến mất và giá đất tăng vọt đã đẩy nhiều gia đình địa phương ra ngoại ô thành phố.
Eno nói rằng điều này đã ảnh hưởng lớn đến ý thức cộng đồng ở Sihanoukville.
"Sự phát triển đã nhanh đến mức không có thời gian để hội nhập giữa cộng đồng người Hoa và cộng đồng địa phương, đồng thời không có sự hiểu biết về văn hóa và ngôn ngữ của nhau. Đối với tôi, sự hòa hợp là rất quan trọng trong việc xây dựng một cộng đồng vững mạnh và theo quan điểm của chúng tôi, sự phát triển nhanh chóng này cực kỳ có hại", cô nói
Thon Ratha cũng đang kêu gọi kiểm tra và giám sát tốt hơn các dự án xây dựng. "Đây là một mối quan tâm lớn đối với những cư dân sống ở thành phố và tỉnh Sihanoukville", ông nói.
Sau trận lũ lụt kinh hoàng, việc dọn dẹp ở Sihanoukville vẫn tiếp tục khi người dân và doanh nghiệp tính toán các chi phí thiệt hại. Tuy nhiên, những lo ngại vẫn còn đó khi những cơn mưa lớn chắc chắn ập đến tiếp theo, thành phố sẽ một lần nữa chìm xuống nước.
"Có một nỗi sợ hãi thực sự về những gì sẽ xảy ra khi những cơn mưa lớn tiếp theo đến", Eno nói.
Thùy Dung Theo SCMP
Nguồn: Dantri.com.vn