Trong một động thái thể hiện lập trường cứng rắn, Italy đã kiên quyết không cho phép 67 người di cư đang ở trên tàu tuần duyên Diciotti được cập cảng và lên bờ nước này.

 

42 1 The Hien Lap Truong Cung Ran Italy Khong Cho Nguoi Di Cu Len Bo

Người di cư chờ cứu hộ trên biển Địa Trung hải, cách bờ biển Libya khoảng 30 hải lý. (Nguồn: AFP/TTXVN)

 

Trong một động thái thể hiện lập trường cứng rắn trong xử lý cuộc khủng hoảng di cư, Italy đã kiên quyết không cho phép 67 người di cư đang ở trên tàu tuần duyên Diciotti được cập cảng và lên bờ nước này.

Phát biểu ngày 12/7 bên lề cuộc họp bộ trưởng nội vụ các nước Liên minh châu Âu (EU) tại Áo, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini tuyên bố: "Tôi không cho phép bất cứ ai rời tàu Diciotti, nếu ai làm điều đó, họ sẽ phải chịu trách nhiệm."

Tàu tuần duyên Diciotti đã cập cảng ở Trapani mang theo 67 người di cư, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ. Ban đầu, tàu hậu cần Vos Thalassa đã cứu số người di cư này.

Tuy nhiên, do hai người di cư có điện thoại di động và thiết vị định vị phát hiện ra tàu Vos Thalassa đang di chuyển về phía Nam để trở về Libya, nên một số người di cư trên tàu đã phản ứng dữ dội.

Thủy thủ đoàn trên tàu Vos Thalassa đã buộc phải yêu cầu trợ giúp và những người di cư được chuyển sang tàu Diciotti.

Bộ trưởng Salvini nói thêm rằng: “Nếu có tình trạng bạo lực (trên tàu Vos Thalassa), những kẻ gây ra phải vào tù và nếu không có bạo lực, vì một ai đó đã nói dối, thì họ (những người nói dối) sẽ phải gánh chịu hậu quả." Ông nhấn mạnh tàu Diciotti sẽ bị phong tỏa để làm rõ tình hình.

Ông Salvini, người cũng có quyền quản lý các cảng ở Italy, đã cấm các tàu cứu hộ nhân đạo hoạt động ở Địa Trung Hải cập cảng Italy vì cho rằng chính các tàu này đã trợ giúp cho những kẻ buôn bán người đưa người di cư đến châu Âu.

Trước đó, quan chức Italy này từng nói rằng các cảng vẫn mở cửa cho các tàu hải quân và tuần duyên Italy chở người di cư.

Cũng liên quan đến vấn đề người di cư, ngày 12/7, bà Dionysia Papailiou - một quan chức cấp cao của Văn phòng Tị nạn quốc gia Hy Lạp - đã chỉ trích chính sách di cư của EU vì đã chia tách các trẻ em di cư khỏi bố mẹ.

Bà cho biết từ đầu năm đến nay, đã có 500 trong số 680 người tị nạn hoặc di cư trẻ tuổi đủ tiêu chuẩn đoàn tụ với gia đình nhưng đã bị các nước từ chối.

Theo thống kê đã có hơn 700.000 lượt người di cư đặt chân lên các bờ biển của Italy kể từ khi bùng nổ làn sóng di cư ồ ạt sang châu Âu vào năm 2013.

Căn cứ quy định của EU, người di cư phải xin cấp quy chế tị nạn tại quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân tới.

Tuy nhiên, quy định này đã tạo áp lực đối với Italy và Hy Lạp bởi đây là những điểm cửa ngõ mà hàng trăm nghìn người di cư tìm đến đầu tiên sau khi trốn chạy khỏi nội chiến và nghèo đói tại Trung Đông, Bắc Phi và nhiều khu vực khác./.

Nguồn: Vietnam+

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC