Với cơ chế kích thích miễn dịch tương tự tiêm vắc-xin, các nhà khoa học Mỹ đã loại bỏ được cả khối u chính lẫn các điểm di căn xa xôi trong cơ thể những con chuột thí nghiệm mang bệnh ung thư.

Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y khoa Stanford (Mỹ) kêu gọi những người tình nguyện đang mắc ung thư hạch lymphoma – loại ung thư tử thần hàng đầu – tham gia thử nghiệm trên con người, sau khi thử nghiệm động vật thành công mỹ mãn.

Thử nghiệm thành công vắc xin trị ung thư di căn - 0

Giáo sư Ronald Levy tại phòng thí nghiệm - Ảnh: TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y KHOA STANDFORD

Theo giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Ronald Levy, thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu, liệu pháp mới không chỉ đã loại bỏ hoàn toàn các dấu vết ung thư ở những điểm di căn xa xôi, mà còn là phương pháp tương đối rẻ tiền, không gây tác dụng phụ thường thấy trong các liệu pháp kích thích miễn dịch khác.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng hai chất kích thích miễn dịch để kích hoạt tế bào miễn dịch T trong các khối u khiến hệ miễn dịch của cơ thể tự động tiêu diệt khối u. Do đây là cuộc chiến của hệ miễn dịch cho nên không chỉ các khối u trung tâm mà những điểm di căn xa xôi cũng bị tiêu diệt.

Theo giáo sư Levy, thông thường các tế bào miễn dịch như tế bào T có tự nhận thấy các protein bất thường xuất hiện trong bệnh ung thư. Tuy nhiên khi khối u phát triển, nó thường tìm ra cách để ngăn chặn hoạt động của tế bào T.

Vì vậy nhiệm vụ của các nhà khoa học là kích thích các tế bào T trỗi dậy và hoạt động mạnh mẽ.

Hiện nay, một trong hai loại chất kích thích miễn dịch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cho phép sử dụng trên con người.

Các nhà khoa học chỉ chờ đợi chất thứ hai được duyệt và đủ số người tình nguyện cho bước tiếp theo. Nếu thí nghiệm tiếp tục thành công ở các bệnh nhân ung thư hạch lymphoma vô phương cứu chữa, đó sẽ là đột phá lớn trong ngành ung thư.

 

Nguồn: A. Thư

Người Lao Động/ Stanford Medicine/ Telegraph




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC