Đài Bắc – Những nhà cung cấp của Apple, Nvidia và các thương hiệu công nghệ lớn đang choáng váng trước loạt thuế quan mới nhất do chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố, trong đó áp mức thuế rất cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, Đài Loan, Thái Lan và các nền kinh tế châu Á khác – những nước vốn giữ vai trò chủ lực trong chiến lược giảm phụ thuộc vào Trung Quốc của Mỹ.
Các mức thuế quan này được thông báo vào ngày 4/7 – trùng với "Ngày Độc lập" của Mỹ – với lý do nhằm đối phó với những gì chính quyền Trump coi là rào cản thương mại không công bằng. Thuế suất dao động từ 10% đến gần 50%, nhắm vào những quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ.
"Chúng tôi thực sự bị sốc khi thấy thông báo. Ban đầu còn đùa rằng có lẽ phải chuyển nhà máy tới không gian vũ trụ hoặc Nam Cực mới an toàn", một giám đốc chuỗi cung ứng chuyên cung cấp cho Apple, Nvidia và Samsung chia sẻ với Nikkei Asia.
Theo kế hoạch, từ ngày 9/4, Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế lên đến 46%, Thái Lan 36%, Đài Loan 32% và Ấn Độ khoảng 26% đối với các sản phẩm xuất sang Mỹ. Trung Quốc vẫn bị áp thuế 34% – chưa tính mức tăng thêm 20% đã áp dụng trước đó.
Trớ trêu thay, chính những nền kinh tế này lại từng được xem là điểm tựa giúp Mỹ "chuyển trục" chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại nổ ra từ năm 2018. Nhưng cũng chính sự dịch chuyển đó đã khiến thâm hụt thương mại giữa họ với Mỹ tăng lên, dẫn đến việc bị Mỹ "phản pháo" bằng thuế quan.
Apple đặt cược lớn vào Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất MacBook, iPad, AirPods và Apple Watch lớn nhất ngoài Trung Quốc. Trong khi đó, Dell hiện sản xuất khoảng 25% máy tính xách tay của mình tại Việt Nam và đang mở rộng hoạt động sang Thái Lan. HP cũng đẩy mạnh sản xuất tại Thái Lan và vận động các nhà cung cấp thiết lập chuỗi cung ứng địa phương. Nvidia mở rộng sản xuất tại Đài Loan, Malaysia và Mexico.
Tuy nhiên, với mức thuế cao kỷ lục, chiến lược đầu tư vào Đông Nam Á đứng trước nguy cơ bị đảo ngược. Một lãnh đạo nhà cung cấp cho Google, HP và Dell nhận định: "Nếu Mỹ không giảm thuế cho Việt Nam, tôi không nghĩ còn công ty nào muốn tiếp tục đầu tư vào đây. Chính trị đang vượt lên trên kinh tế".
Một số doanh nghiệp công nghệ đã cố gắng đẩy nhanh vận chuyển hàng sang Mỹ như một giải pháp ngắn hạn trước khi mức thuế mới có hiệu lực. Nhưng điều đó chỉ áp dụng được với một số ngành có khả năng tồn kho lớn – như thiết bị máy chủ – còn các sản phẩm điện tử tiêu dùng lại chịu tác động nặng do nhu cầu tiêu dùng chưa phục hồi.
Không ít doanh nghiệp cho biết họ đang cân nhắc quay lại sản xuất tại Trung Quốc – nơi vốn bị áp thuế từ trước – thay vì tiếp tục dàn trải đầu tư tại các quốc gia mới, nơi chi phí sản xuất không thấp như kỳ vọng và nay lại bị áp thuế cao.
Theo phân tích của Morgan Stanley, thuế quan mới sẽ khiến nhu cầu các sản phẩm công nghệ tiêu dùng – như điện thoại thông minh, máy tính cá nhân – tại thị trường Mỹ sụt giảm đáng kể. Các sản phẩm như chip nhớ (DRAM, NAND Flash) hay linh kiện rời có thể bị ảnh hưởng nặng nề dù chưa nằm trong danh sách đánh thuế trực tiếp.
Báo cáo từ SinoPac Investment Services cũng nhận định ngành sản xuất máy tính xách tay và thiết bị mạng sẽ chịu thiệt hại lớn nhất, do không dễ dàng chuyển chi phí thuế sang cho người tiêu dùng. "Ngay cả khi các nhà cung cấp chuyển được 5%-30% chi phí, lợi nhuận vẫn sẽ sụt giảm đáng kể", báo cáo nêu rõ.
Những công ty như Acer đã xác nhận sẽ tăng giá 10% cho các sản phẩm bán sang Mỹ để bù đắp chi phí. Tuy vậy, việc tăng giá có thể kéo theo rủi ro mất thị phần nếu người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Mặc dù các nền kinh tế như Philippines, Malaysia và Mexico đang được hưởng mức thuế thấp hơn, nhưng việc di dời nhà máy là một quá trình lâu dài và phức tạp.
Craig Singleton, chuyên gia tại tổ chức Foundation for Defense of Democracies, cho rằng Trung Quốc vẫn là mục tiêu chính của chiến lược thương mại Mỹ, bất chấp tác động lan rộng ra nhiều quốc gia khác. “Bắc Kinh chắc chắn đã lường trước, nhưng áp lực đang tăng. Họ có thể sẽ đáp trả mang tính biểu tượng, tránh gây đứt gãy toàn diện quan hệ thương mại”, ông Singleton nhận định.
Thành Lộc - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC
Theo Nikkei
TIN TỨC: THỜI SỰ THẾ GIỚI
-
Trump và làn sóng "thu hồi quyết định" đầy bẽ bàng: Áp lực từ công chúng buộc phải thay đổi chính sách 21/03/2025
-
Hillary Clinton cảnh báo: "sự ngu ngốc" của Trump sẽ khiến Mỹ trở nên yếu đuối và cô lập 29/03/2025
-
Elon Musk và Tesla lao đao: Áp lực từ thị trường và quyết định cứng rắn của nhà đầu tư 16/03/2025
-
Đàm phán giữa Ukraine và Mỹ tại Ả Rập Xê Út kết thúc: Những kết quả quan trọng đầu tiên 11/03/2025