Ông McCain qua đời hôm thứ Bảy bên cạnh người nhà, theo thông cáo do văn phòng của ông phát đi.
Ông được chẩn đoán có một khối u não ác tính hồi tháng 7/2017 và đã trải qua một thời gian chữa trị.
Gia đình ông thông báo ông McCain, người rời Washington vào tháng 12/2017, đã quyết định ngừng điều trị vào thứ Sáu.
Trước đó, gia đình ông John McCain nói ông đã "thôi mong đợi mình sẽ bình phục".
Thượng nghị sĩ John McCain và TBT Nguyễn Phú Trọng tại văn phòng ông McCain ở Washington, Mỹ, năm 2015
Ông McCain, 81 tuổi, được chẩn đoán bị u não vào tháng 7/2017.
Ông rời Washington nhưng vẫn là một nhân vật chính trị có ảnh hưởng.
Gia đình ông nói trong một thông cáo gửi tới giới truyền thông Hoa Kỳ hôm 24/8: "Năm ngoái, Thượng nghị sĩ John McCain đã chia sẻ về việc ông được chẩn đoán u não và tiên lượng xấu."
"Tiến triển của bệnh và tuổi tác ngày càng cao đã đưa ông tới quyết định này."
"Với ý chí mạnh mẽ vốn có, ông đã chọn ngừng điều trị y tế."
Ông McCain từng là Thượng nghị sỹ suốt sáu nhiệm kỳ, và là ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2008.
Ông được chẩn đoán ung thư não sau khi các bác sĩ phát hiện ra khối u trong quá trình phẫu thuật loại bỏ cục máu đông trên mắt trái của ông hồi tháng Bảy năm ngoái.
Có cha và ông đều là đô đốc Hải quân Hoa Kỳ, ông McCain là một phi công chiến đấu trong Chiến tranh Việt Nam. Khi máy bay của ông bị bắn hạ, ông trở thành tù nhân chiến tranh ở Việt Nam trong năm năm.
Khi ở trong tù, ông đã chịu những trận tra tấn khiến ông bị tàn tật.
Mối quan hệ với Việt Nam
Thượng nghị sĩ John McCain (phải) trong chuyến thăm nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, năm 2009
Năm 2009, Thượng nghị sỹ John McCain từng trở lại thăm di tích nhà tù Hỏa Lò nơi giam giữ ông suốt năm năm trong thời gian chiến tranh Việt Nam.
Ông xem những vật dụng trưng bày, trong đó có cả bộ quân phục ông mặc năm 1967 khi máy bay của ông rớt tại Hồ Trúc Bạch.
Trong chuyến thăm này, ông John McCain kêu gọi bước tiến mới trong quan hệ Mỹ-Việt và đề cập vấn đề nhân quyền.
"Chúng tôi muốn thấy sự gia tăng quan hệ quân sự giữa hai đất nước và khi trả lời các câu hỏi, tôi nhấn mạnh cùng với phát triển kinh tế phải có tiến triển chính trị và tăng cường tôn trọng nhân quyền."
Ông cũng nhắc đến vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh Hoa Kỳ "có mối quan tâm và lợi ích trong tự do hàng hải trong khu vực và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các nơi khác."
Tiểu sử trên trang web của ông McCain nói thời gian trong tù, ông bị quản giáo đánh đập, bị biệt giam - các cáo buộc mà Việt Nam luôn bác bỏ.
Nhắc nhở Việt Nam về dân chủ
Đoàn của ông McCain đã tiếp xúc với bốn nhà hoạt động xã hội dân sự ở trong nước
Năm 2014, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain từng nhắc nhở Việt Nam về dân chủ trong bài phát biểu trước báo giới tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam của ông và người đồng nhiệm Sheldon Whitehouse.
Ông đề cập đến khả năng Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nhưng nhấn mạnh rằng việc này tùy thuộc rất lớn vào thành tích nhân quyền của Chính phủ Việt Nam.
Ông cũng nhắc lại thông điệp Năm Mới của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng 'dân chủ là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển' và rằng 'Đảng phải giương cao ngọn cờ dân chủ'.
"Chúng tôi mong là Việt Nam sẽ đưa những lời nói ấn tượng này thành hành động táo bạo chẳng hạn như thả tù nhân lương tâm, tạo không gian cho xã hội dân sự và cuối cùng là ghi rõ vào luật và chính sách rằng quyền lực nhà nước là giới hạn và những quyền con người phổ quát - quyền tự do phát biểu, hội họp, tín ngưỡng, xuất bản và tiếp cận thông tin - cần phải được đảm bảo cho mọi công dân."
Năm 2015, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain cũng có chuyến thăm hai ngày 27/5-28/5 tới Việt Nam, nơi ông hội kiến Tổng bí thư ̣Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.
Luật sư Nguyễn Văn Đài trong một cuộc gặp với thượng nghị sĩ Mỹ John McCain tại Hà Nội
Điều đáng chú ý là ông có cuộc tiếp xúc với đại diện phong trào dân sự của Việt Nam, gồm nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Chí Tuyến và Luật sư Trần Thu Nam.
Ông Nguyễn Chí Tuyến thời điểm đó nói với BBC rằng đoàn thượng nghị sỹ Hoa Kỳ đã đặt nhiều câu hỏi về tình hình phát triển dân chủ, nhân quyền ở trong nước.
"Ông McCain bày tỏ cảm kích về công việc của chúng tôi và hỏi nước Mỹ có thể giúp được điều gì?"
Ông Tuyến nói ông và những nhà đấu tranh có mặt đã bày tỏ mong muốn làm sao để chính quyền Hà Nội phải tôn trọng luật pháp và công ước quốc tế.
Mối hiềm khích McCain-Trump
Ông McCain từng, đôi khi, chỉ trích gay gắt Tổng thống Donald Trump.
Mối quan hệ căng thẳng của họ bắt đầu vào năm 2015, khi ông McCain nói ông Trump - người sau đó thành ứng cử viên chức Tổng thống Mỹ - đã "kích động những kẻ điên cuồng" bằng những phát biểu gây tranh cãi về nhập cư.
Ông Trump đã phản pháo bằng cách nói rằng ông McCain chỉ được coi là một anh hùng vì ông là một tù nhân chiến tranh.
Mùa hè năm ngoái, ông McCain đã gây ấn tượng sâu sắc khi, dù vừa trải qua phẫu thuật, đã đi bỏ phiếu làm tiêu tan một dự luật của Trump nhằm bỏ quỹ Obamacare.
Ông McCain rời Capitol Hill tháng 12 năm ngoái để bắt đầu điều trị tại bệnh viện Mayo ở Phoenix, Arizona. Vào tháng Tư, ông lại trải qua phẫu thuật nhiễm trùng đường ruột.
Ông McCain hồi phục sau khi điều trị và thực hiện liệu pháp vật lý trị liệu tại nhà, gần Sedona, kể từ khi rời Washington.
Ông bước sang tuổi 82 vào ngày 29/8.
Nguồn: BBC