Điều này càng khiến nhiều người tin rằng trời sắp sáng sau cơn mưa.
Theo Hãng tin Reuters, Tây Ban Nha đã vượt Ý trở thành vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới vào ngày 5-4, với 130.759 ca được xác nhận.
Đây là một tin buồn đối với Tây Ban Nha nhưng đã xuất hiện một ánh sáng tích cực.
Theo Bộ Y tế Tây Ban Nha, số ca tử vong mới được ghi nhận tại Tây Ban Nha tính đến hết ngày 4-4 là 674 người, giảm 135 người so với con số 809 của ngày 3-4.
Số ca nhiễm mới trong cùng thời gian là 6.023 người, giảm hơn 1.000 ca so với ngày 3-4, đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp số ca tử vong mới và số ca nhiễm mới cùng sụt giảm.
Bà Maria Jose Sierra, một quan chức y tế cấp cao của Tây Ban Nha, nhận xét các con số mới cho thấy dịch bệnh đang có chiều hướng chậm lại và giảm xuống ở nước này. Tuy nhiên, bà này cũng thừa nhận tổng số ca nhiễm thực tế sẽ cao hơn do Tây Ban Nha không tính các trường hợp nhẹ.
Một người dân ở Ronda, phía nam Tây Ban Nha, vỗ tay động viên các nhân viên y tế ngoài bancông - Ảnh: REUTERS
Trong khi đó tại Ý, quốc gia có số người chết vì COVID-19 cao nhất châu Âu, người đứng đầu Cơ quan bảo vệ dân sự Ý Angelo Borrelli cho biết số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt đã giảm 74 người trong ngày 4-4. Theo ông Borrelli, đây là lần đầu tiên con số này giảm kể từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở Ý.
Tính đến hết ngày 4-4, đã có 20.996 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh và cho xuất viện ở Ý. Cộng thêm 15.362 trường hợp đã tử vong, hiện chỉ còn 88.274 trường hợp dương tính ở Ý, trong đó có 3.994 trường hợp nghiêm trọng.
Chính quyền Tây Ban Nha tiếp tục thể hiện sự thận trọng bởi trước đó đã có giai đoạn 3 ngày liên tiếp số ca tử vong mới và số ca nhiễm mới cùng giảm nhưng sau đó tăng liên tục trong 2,3 ngày kế tiếp.
Theo Hãng tin Reuters, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 4-4 tuyên bố ông sẽ yêu cầu Quốc hội gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm 15 ngày nữa, đồng thời tiết lộ một số hạn chế sản xuất sẽ được dỡ bỏ sau ngày 12-4 tới.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ