Tổng thống tạm quyền Han Duk Soo tổ chức cuộc họp nội các đầu tiên vào ngày 14-12 - Ảnh: REUTERS
Tổng thống tạm quyền Hàn Quốc cam kết sớm ổn định đất nước
Ông Han Duk Soo, người được chỉ định làm tổng thống tạm quyền Hàn Quốc sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol bị đình chỉ và đối mặt với luận tội, đã tuyên bố sẽ nhanh chóng giải quyết bất ổn chính trị.
Sau khi nắm quyền, ông Han đã nhanh chóng triệu tập cuộc họp với Hội đồng an ninh quốc gia, trong đó ông yêu cầu duy trì trạng thái sẵn sàng để đảm bảo Triều Tiên không thể lên kế hoạch khiêu khích nào. "Không được để bất kỳ khoảng trống nào trong an ninh", Hãng tin Yonhap dẫn lời ông Han.
Ông Han cũng kêu gọi bảo vệ lợi ích của đất nước thông qua ngoại giao chủ động, đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu duy trì vững chắc liên minh Hàn Quốc - Mỹ và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.
"Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình đáng tiếc mà người dân đang phải đối mặt. Tôi thành thật xin lỗi người dân. Vào thời điểm này, nhiệm vụ quan trọng nhất là nhanh chóng ổn định tình hình hỗn loạn trong các vấn đề nhà nước và khôi phục lại cuộc sống hằng ngày của người dân", ông nói trong cuộc họp nội các trước đó.
Mỹ, đồng minh quan trọng của Hàn Quốc, đã lên tiếng khẳng định sẵn sàng làm việc với ông Han. "Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là Hàn Quốc đã chứng minh được khả năng phục hồi dân chủ của mình. Chúng ta đã thấy họ tuân thủ một cách hòa bình tiến trình được nêu trong hiến pháp của mình", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói.
Trong khi đó, ông Yoon nói rằng ông sẽ cố gắng hết sức "đến phút cuối" dù đã bị đình chỉ. "Mặc dù tôi đang tạm dừng, nhưng hành trình của tôi hướng tới tương lai cùng người dân trong suốt hai năm rưỡi qua không nên dừng lại.
Tôi sẽ mang theo tất cả những lời chỉ trích, động viên và ủng hộ mà tôi đã nhận được, và tôi sẽ cố gắng hết sức vì đất nước cho đến cùng", ông Yoon tuyên bố.
Mỹ liên lạc với bên nắm quyền mới ở Syria
Ngày 14-12, giờ Mỹ, Washington cho biết đã liên lạc trực tiếp với nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đã lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.
"Chúng tôi đã liên lạc với HTS và các bên khác", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với các phóng viên nhưng không nêu rõ cách thức liên lạc. Washington từng xác định HTS là nhóm khủng bố vào năm 2018.
Ông Blinken cho biết nếu quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ, Mỹ sẽ xem xét lại các lệnh trừng phạt với Syria.
Đến nay, các quốc gia phương Tây và Ả Rập cùng với Thổ Nhĩ Kỳ đều lên tiếng ủng hộ một Syria thống nhất và hòa bình. Sau cuộc họp tại Jordan, các nước đã ra tuyên bố chung "khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn đối với người dân Syria tại thời điểm quan trọng này trong lịch sử của họ để xây dựng một tương lai hy vọng, an toàn và hòa bình hơn". "Syria cuối cùng cũng có cơ hội chấm dứt nhiều thập kỷ cô lập", nhóm này cho biết.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở lại đại sứ quán tại Damascus sau 12 năm. Ankara là một bên quan trọng trong cuộc xung đột ở Syria, nắm giữ ảnh hưởng đáng kể ở phía tây bắc nước này, tài trợ cho các nhóm vũ trang tại đây và duy trì mối quan hệ với HTS, theo Hãng tin AFP.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan (trái) trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp với các nước về vấn đề Syria ở Jordan ngày 14-12 - Ảnh: REUTERS
Israel không kích hơn 60 lượt vào Syria chỉ trong vòng chưa đầy 5 giờ
Theo một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Anh, Israel đã thực hiện hơn 60 vụ không kích tại Syria chỉ trong vòng chưa đầy 5 giờ vào tối 14-12, qua đó nâng tổng số vụ không kích của Israel trong lãnh thổ Syria lên tới gần 500 vụ kể từ khi chính quyền Syria sụp đổ. Cũng theo thông báo, các hoạt động quân sự của Israel đã được ghi nhận tại 13 tỉnh ở Syria.
Theo Israel, những hoạt động này là nhằm ngăn chặn vũ khí của Chính phủ Syria "rơi vào tay các phần tử khủng bố". Trong tuyên bố mới nhất, Tổng tư lệnh quân đội Israel Herzi Halevi ngày 14-12 khẳng định không có ý định can thiệp vào Syria nhưng Israel vẫn tập trung vào việc ngăn chặn "các phần tử khủng bố" tạo lập được chỗ đứng ở cao nguyên Golan, khu vực thuộc lãnh thổ Syria đã bị Israel sáp nhập trước đó.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia trong khu vực đã chỉ trích hành động của Israel và kêu gọi tôn trọng chủ quyền của Syria.
Ukraine nói lính Triều Tiên đã tham chiến ở Kursk
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ngày 14-12, khẳng định rằng Nga đã bắt đầu triển khai lính Triều Tiên để tấn công các vị trí của Ukraine ở khu vực Kursk thuộc Nga.
Ông phát biểu sau khi chính quyền Nga cho biết lính cứu hỏa của họ đang dập tắt đám cháy ở khu vực Oryol phía tây do một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gây ra, trong khi Ukraine cho biết họ đã tấn công một cảng dầu lớn.
"Hôm nay, chúng tôi đã có dữ liệu sơ bộ cho thấy Nga đã bắt đầu sử dụng binh sĩ Triều Tiên trong các cuộc tấn công của họ. Một số lượng đáng kể. Người Nga đưa họ vào các đơn vị kết hợp và sử dụng họ trong các hoạt động ở khu vực Kursk", Hãng tin Ukrinform dẫn lời ông Zelensky.
Lãnh đạo Ukraine cho biết binh lính Triều Tiên cũng có thể được điều đến các khu vực khác của tiền tuyến.
Trong khi đó, tình báo Ukraine ước tính đơn vị hỗn hợp lính Nga và Triều Tiên đã tổn thất 200 lính ở Kursk tính đến 14-12, cho rằng rào cản ngôn ngữ vẫn là khó khăn chính của lực lượng Triều Tiên gây ra các vụ "bắn nhầm" lẫn nhau.
Mỹ và Ukraine đã cáo buộc Bình Nhưỡng cử hơn 11.000 binh lính đến giúp Nga trong cuộc chiến với Kiev.
Sau khi Ukraine bất ngờ tấn công Kursk, Nga đến nay đã liên tục giành lại lãnh thổ, ngăn chặn bước tiến của Ukraine và nhanh chóng tăng viện trợ cho khu vực. Một nguồn tin quân đội Ukraine nói với Hãng tin AFP rằng Kiev kiểm soát 800km2 ở khu vực Kursk, giảm so với tuyên bố trước đó rằng họ kiểm soát gần 1.400km2 trước đó.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói lính Triều Tiên đã bắt đầu tham gia tấn công ở vùng Kursk của Nga - Ảnh: REUTERS
ABC News trả 15 triệu USD dàn xếp kiện tụng với ông Trump
Đài ABC News chấp nhận trả 15 triệu USD để giải quyết vụ Tổng thống đắc cử Donald Trump đệ đơn kiện đài này phỉ báng.
Vụ kiện bắt nguồn từ những bình luận trên sóng của người dẫn chương trình George Stephanopoulos, người nói rằng ông Trump "có tội hiếp dâm" trong một cuộc phỏng vấn với nghị sĩ Nancy Mace được phát sóng vào tháng 3-2024.
Theo các điều khoản thỏa thuận được Hãng tin AFP dẫn lại, ABC News phải quyên góp 15 triệu USD cho "một quỹ tổng thống và bảo tàng" dành cho ông Trump và trả thêm 1 triệu USD phí luật sư. Đài này và ông Stephanopoulos cũng sẽ công khai xin lỗi.
Thỏa thuận giải quyết này đánh dấu chiến thắng mới nhất trong chuỗi vận may pháp lý của ông Trump kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 5-11.
Tháng trước, một tòa phúc thẩm Mỹ đã chấp thuận bác bỏ các cáo buộc về hành vi xử lý sai trái các tài liệu mật của ông Trump khi rời Nhà Trắng. Công tố viên đặc biệt Mỹ Jack Smith cũng đã tạm dừng một vụ án liên bang thứ hai liên quan đến cáo buộc ông Trump phá hoại kết quả bầu cử năm 2020.
Bão Chido gây thiệt hại nghiêm trọng tại vùng lãnh thổ thuộc Pháp
Ít nhất 2 người đã thiệt mạng và thiệt hại vật chất đáng kể đã được ghi nhận ở vùng Mayotte khi bão Chido quét qua vùng lãnh thổ thuộc Pháp ở Ấn Độ Dương này trong ngày 14-12.
Quyền Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bruno Retailleau nói rằng tình hình rất nghiêm trọng khi nhiều khu nhà bị san phẳng hoàn toàn. Theo ông Retailleau, sẽ mất nhiều ngày để thống kê thương vong nhưng e rằng con số sẽ rất lớn.
Theo truyền thông Pháp, cơn bão mạnh với sức gió hơn 220km/h này đã gây thương vong ở cụm đảo Petite-Terre, buộc chính quyền sở tại phải kích hoạt cảnh báo đỏ đối với khu vực.
Nhà chức trách cũng đã triển khai lực lượng bổ sung, gồm 140 binh sĩ và lính cứu hỏa, để hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ và phục hồi. Bão Chido cũng đã ảnh hưởng đến quần đảo Comoros gần đó, gây lũ lụt và hư hại nhà cửa.
Vương miện trở về
Vương miện Gai của Chúa Giêsu được bảo tồn và trưng bày ở vị trí cũ sau khi được đưa trở lại nhà thờ Đức Bà Paris hôm 13-12. Vương miện Gai được xem là thánh tích quý nhất của nhà thờ Đức Bà Paris mới được mở lại hôm 7-12 sau 5 năm rưỡi bị tàn phá bởi hỏa hoạn - Ảnh: REUTERS
TRẦN PHƯƠNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online