Thủ tướng Nhật Bản phát biểu họp báo tại trụ sở Đảng LDP ngày 27-10 - Ảnh: REUTERS
Đảng LDP thua đau hơn dự kiến
Theo Đài NHK, tính đến sáng 28-10, công tác kiểm phiếu bầu quốc hội tại Nhật Bản đã gần như hoàn tất khi chỉ còn 20 trên tổng số 465 ghế Hạ viện chưa xác định chủ.
Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền và đồng minh truyền thống là Đảng Komeito mới chỉ giành được 209 ghế nghị sĩ, khiến số ghế tối đa mà liên minh này có thể giành được chỉ là 229 ghế.
Con số này kém xa 279 ghế mà Đảng LDP và đồng minh nắm giữ trước bầu cử, đồng thời là kết quả bết bát nhất của liên đảng này từ năm 2009.
Trong khi đó, đảng đối lập lớn nhất - Đảng Dân chủ lập hiến (CDPJ) lại thắng lợi khi giành thêm ít nhất 45 ghế. Đảng này hiện đã giành được 143 ghế và con số này vẫn có thể tăng. Trước bầu cử, CDPJ chỉ nắm 98 ghế.
Kết quả trên đồng nghĩa đảng nào cũng sẽ phải tham gia các thỏa thuận chia sẻ quyền lực phức tạp để có thể cầm quyền. Điều này có thể đẩy Nhật Bản vào giai đoạn bất ổn về chính trị giữa bối cảnh kinh tế khó khăn và tình hình an ninh căng thẳng ở Đông Á.
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru, chủ tịch Đảng LDP, chia sẻ ngắn gọn: "Cuộc bầu cử không suôn sẻ với chúng tôi". Ông Ishiba khẳng định sẽ đợi đến khi có kết quả cuối cùng mới cân nhắc những đối tác liên minh hoặc thỏa thuận chia sẻ quyền lực tiềm năng.
Trong khi đó, lãnh đạo Đảng CDPJ Noda Yoshihiko tự tin tuyên bố cuộc bầu cử không phải sự kết thúc một thời kỳ, mà là sự bắt đầu. Ông nhấn mạnh Đảng CDPJ sẽ phối hợp với các đảng đối lập khác giành quyền thành lập chính phủ.
Ông Sakai Saisuke, nhà phân tích kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu và công nghệ Mizuho, nhận định: "Phán quyết của cử tri dành cho khối cầm quyền khắc nghiệt hơn dự đoán. Sự không chắc chắn về khả năng tiếp tục cầm quyền của chính quyền hiện tại đã tăng. Thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ phản ứng với thông tin này bằng một đợt bán tháo, đặc biệt từ các nhà đầu tư nước ngoài".
Iran thừa nhận đã được báo sắp bị tấn công
Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi - Ảnh: AFP
Ngày 27-10, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi thừa nhận "đã nhận được các gợi ý" về việc Israel sắp tấn công từ vài giờ trước khi Tel Aviv khai hỏa.
Ông Araghchi chia sẻ với báo chí: "Chúng tôi đã nhận được nhiều gợi ý từ tối (25-10) về khả năng có một cuộc tấn công trong đêm".
Ngoại trưởng Iran khẳng định Tehran đã thực hiện "những biện pháp cần thiết" khi cuộc tấn công diễn ra. Ông cũng nhấn mạnh bản thân đã liên hệ với các quan chức quân đội, đồng thời cho biết "các thông điệp đã được trao đổi với những bên khác".
Tuy nhiên, ông Araghchi không nêu rõ đã nhận được "những gợi ý" trên như thế nào và từ nguồn nào. Ông cũng từ chối chỉ ra "những bên khác" được đề cập là ai.
Những tiết lộ trên của ngoại trưởng Iran xác nhận thông tin được truyền thông Israel khẳng định trước đó.
Chiều 26-10, chỉ vài giờ sau khi cuộc tấn công của Israel kết thúc, một loạt cơ quan truyền thông của nước này đăng bài khẳng định Tel Aviv đã báo trước cho Tehran việc mình sắp tấn công qua nhiều kênh thứ ba, trong đó có Bộ Ngoại giao Hà Lan.
Tổng thống Iran tuyên bố không muốn chiến tranh với Israel
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 24-9 - Ảnh: REUTERS
Ngày 27-10, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian có nhiều phát biểu quan trọng về Israel trong cuộc họp nội các Tehran.
Ông Pezeshkian khẳng định: "Chúng ta không muốn chiến tranh nhưng chúng ta sẽ bảo vệ những quyền của đất nước. Iran sẽ đưa ra phản ứng phù hợp cho sự hung hăng của chế độ Zionist (ám chỉ Israel)".
Tổng thống Iran cũng cho rằng căng thẳng lên cao của khu vực xuất phát từ "động thái hung hăng" của Israel và sự dung túng của Mỹ.
"Nếu các động thái hung hăng và những tội ác của chế độ Zionist vẫn tiếp diễn, căng thẳng sẽ lây lan. Mỹ đã hứa sẽ kết thúc cuộc chiến để đổi lại sự kiềm chế của chúng ta, nhưng họ không giữ lời hứa", ông Pezeshkian chỉ trích.
Tuyên bố của ông Pezeshkian củng cố những khẳng định trước đó của giới chức Iran về việc đáp trả đòn tấn công của Israel. Nó cũng đi ngược lại những lời cảnh báo không trả đũa của Tel Aviv và phương Tây.
Ông Netanyahu tuyên bố giáng đòn mạnh vào Iran
Ngày 27-10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu về cuộc tấn công ngày 26-10 của nước này vào lãnh thổ Iran.
Ông khẳng định: "Không quân (Israel) đã cày xới khắp Iran. Chúng tôi giáng một đòn mạnh vào năng lực phòng thủ của Iran và khả năng chế tạo tên lửa của họ. Cuộc tấn công chính xác và mạnh mẽ đã hoàn thành tất cả những mục tiêu của mình".
Tham mưu trưởng quân đội Israel Herzi Halevi cũng khẳng định Tel Aviv đã cho Iran thấy nước này sẽ đáp trả kẻ thù như thế nào.
Ông khẳng định: "Chúng tôi tấn công những hệ thống chiến lược của Iran. Điều này có ý nghĩa lớn và chúng tôi sẽ theo dõi tình hình phát triển như thế nào. Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả viễn cảnh cho tất cả đấu trường".
Đáp trả những tuyên bố trên, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei tuyên bố những tính toán của Israel "phải bị bẻ gãy". Lãnh tụ tối cao Iran nhấn mạnh cuộc tấn công trên "không được phép coi thường nhưng cũng không được thổi phồng".
Bà Harris tuyên bố "không sợ ông Trump trò chuyện với ông Netanyahu"
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris - Ảnh: REUTERS
Ngày 27-10, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris khẳng định bản thân không lo lắng việc cựu tổng thống Donald Trump có những trao đổi với Thủ tướng Israel Netanyahu trong thời gian qua.
Khi được hỏi liệu những thảo luận giữa ông Trump và ông Netanyahu có ảnh hưởng tiêu cực đến những nỗ lực về Trung Đông của Chính phủ Mỹ hiện tại, bà Harris khẳng định: "Không".
Bà giải thích thêm: "Tôi thực sự tin rằng việc Mỹ đóng vai trò tích cực trong những vấn đề sau cực kỳ quan trọng: chấm dứt cuộc chiến này; giải cứu các con tin (Israel); có một cam kết thực sự giữa các nước về việc thực hiện 'giải pháp hai nhà nước' và kế hoạch tại Gaza sau khi chiến sự tại đây kết thúc".
Không chốn dung thân
Những gia đình người Palestine lánh nạn ở trại tị nạn Jabalia (Gaza) một lần nữa phải sơ tán theo khuyến cáo của quân đội Israel ngày 22-10 - Ảnh: REUTERS
NGỌC ĐỨC
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online