Thủ tướng Pháp Michel Barnier ngậm ngùi quan sát kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm mình ngày 4-12 - Ảnh: REUTERS
Chính phủ Pháp sụp đổ sau ba tháng
Theo Hãng tin Reuters, ngày 4-12 (giờ địa phương), Hạ viện Pháp đã thông qua kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ nước này.
Đảng Mặt trận quốc gia (RN) cực hữu và liên minh các đảng cánh tả đã cùng nhau lật đổ chính phủ do Thủ tướng Michel Barnier lãnh đạo với tổng cộng 331 phiếu bất tín nhiệm trên tổng số 577 ghế Hạ viện.
Điều này đồng nghĩa ông Barnier sẽ mất chức thủ tướng sau chỉ ba tháng cầm quyền. Ông được kỳ vọng nộp đơn từ chức ngay trong sáng 5-12.
Chính phủ Pháp sụp đổ
Qua đó, ông Barnier sẽ trở thành thủ tướng có thời gian tại vị ngắn ngủi nhất trong thời kỳ Đệ ngũ Cộng hòa của Pháp (từ năm 1958), đồng thời là thủ tướng Pháp đầu tiên thua trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm từ năm 1962.
Việc ông Barnier mất ghế xuất phát từ nỗ lực vượt mặt Quốc hội trong việc thông qua dự luật ngân sách chính phủ năm 2025.
Đề xuất ngân sách do chính phủ của ông Barnier đề xuất không được Quốc hội ủng hộ, song ông đã cố tình sử dụng quyền lực hiến định cho thủ tướng để ép thông qua dự luật này mà không cần Quốc hội. Điều này dẫn đến sự phẫn nộ của không ít nghị sĩ.
Việc Chính phủ Pháp sụp đổ mở ra một chương mới bất định cho chính trị nước này. Sau cuộc bầu cử lập pháp bất ngờ hồi tháng 7, không phe phái chính trị nào ở nước này giành được ưu thế rõ rệt trong Quốc hội.
Trước khi ông Barnier được bổ nhiệm làm thủ tướng, nước này đã phải trải qua ba tháng rưỡi không thể chọn người đứng đầu chính phủ vì sự chia rẽ trong nội bộ Quốc hội. Với việc ông Barnier "bật bãi", tình cảnh này hoàn toàn có thể tái diễn.
Lãnh đạo cực hữu Pháp yêu cầu ông Macron từ chức
Lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Pháp Marine Le Pen phát biểu ngày 9-6 - Ảnh: AFP
Bà Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng RN, đặc biệt hả hê trước cái kết của ông Barnier. Trong nhiều năm qua, bà Le Pen đã cố gắng thuyết phục người dân rằng Đảng RN của bà rồi cũng sẽ lên nắm chính quyền.
Bà tuyên bố: "Tôi kêu gọi (Tổng thống Pháp Emmanuel) Macron từ chức. Áp lực lên tổng thống sẽ ngày càng lớn hơn. Chỉ ông ta mới có thể đưa ra quyết định đó".
Vị thế của ông Macron đã lao dốc không phanh trong nhiều tháng qua. Sự trỗi dậy của tư tưởng chính trị cánh hữu, cũng như thất bại lớn của phe trung dung do ông lãnh đạo trong cuộc bầu cử lập pháp bất ngờ hồi tháng 7 khiến sự ủng hộ của ông ngày một tụt giảm.
Bất chấp những chỉ trích và kêu gọi từ chức, đến nay ông Macron vẫn nêu rõ quyết tâm phục vụ hết nhiệm kỳ của mình vào năm 2027. Hiện tổng thống Pháp chưa phản hồi tuyên bố trên của bà Le Pen. Truyền thông Pháp khẳng định ông Macron sẽ phát biểu trước cả nước vào tối 5-12.
Hiệp ước Nga - Triều chính thức có hiệu lực
Sáng 5-12, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Triều Tiên đã chính thức có hiệu lực vào ngày 4-12, sau khi hai bên trao đổi "văn kiện phê chuẩn" tại Matxcơva.
Hiệp ước trên được Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ký kết hồi tháng 6 trong khuôn khổ chuyến công du của ông Putin đến Bình Nhưỡng.
Văn bản này bao gồm nhiều thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, trong đó có điều khoản phòng thủ chung, hỗ trợ quân sự ngay lập tức nếu một bên bị tấn công.
KCNA khẳng định hiệp ước "sẽ đóng vai trò động lực đẩy mạnh sự hình thành trật tự thế giới đa cực độc lập và công bằng, không có sự chi phối, áp bức hay bá quyền".
Mỹ tố Trung Quốc đánh cắp thông tin người dùng quy mô lớn
Washington vừa tố Bắc Kinh đứng sau vụ tấn công mạng hàng loạt nhằm đánh cắp thông tin cá nhân người dân nước này - Ảnh: AP
Ngày 4-12, một quan chức cấp cao Mỹ khẳng định với báo chí Trung Quốc đang thực hiện một chiến dịch gián điệp mạng quy mô lớn nhằm đánh cắp thông tin cuộc gọi của số lượng lớn người Mỹ.
Chiến dịch trên được thực hiện bởi nhóm tin tặc tên "Bão Muối", nhắm vào hàng chục công ty ty trên thế giới. Trong số doanh nghiệp bị tấn công có "ít nhất" tám nhà mạng và công ty cung cấp hạ tầng viễn thông lớn của Mỹ.
Ngoài ra, vị quan chức này không đưa ra những con số cụ thể khác. Vị này chỉ nhấn mạnh Trung Quốc hiện có khả năng tiếp cận cực kỳ lớn vào hạ tầng viễn thông Mỹ và các vụ tấn công mạng vẫn đang tiếp tục.
Nữ quan chức này tuyên bố: "Chúng tôi tin rằng một lượng lớn dữ liệu của người Mỹ đã bị lấy cắp... Chúng tôi không tin rằng tất cả điện thoại di động trong cả nước đã bị tấn công, nhưng chúng tôi cho rằng khả năng cao là Chính phủ Trung Quốc tập trung vào một số lượng lớn cá nhân".
Về cơ bản, những dữ liệu mà Washington khẳng định phía Bắc Kinh đánh cắp được gọi là siêu dữ liệu cuộc gọi (call record metadata). Nó bao gồm những thông tin như ai gọi ai, vào khi nào, gọi từ đâu... Tuy nhiên, nó không bao gồm nội dung cuộc gọi.
Dù không có nội dung trao đổi nhưng dựa trên tần suất gọi, đối tượng gọi, giờ giấc gọi..., phía tin tặc vẫn có thể "vẽ" được chân dung khá rõ ràng về nạn nhân.
Vị quan chức trên tuyên bố Nhà Trắng đã theo dõi vấn đề này một thời gian và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần nhận báo cáo về vụ việc này. Hiện Washington xem việc xử lý "Bão Muối" là một ưu tiên của chính phủ liên bang.
Ngoại trưởng Anh thừa nhận ông Trump đúng về NATO
Ngoại trưởng Anh David Lammy (phải) - Ảnh: REUTERS
Ngày 4-12, Ngoại trưởng Anh David Lammy khẳng định Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đúng khi chỉ trích ngân sách quốc phòng của một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
NATO quy định mỗi nước thành viên dành ít nhất 2% GDP nước mình cho ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, đến nay nhiều nước vẫn không đáp ứng cam kết này, dẫn đến việc bị ông Trump chỉ trích trong nhiều năm qua. Gần đây, ông còn kêu gọi nâng tỉ lệ trên lên 3% GDP.
Ông Lammy chia sẻ trong thời gian dự hội nghị ngoại trưởng các nước NATO: "Tôi nghĩ là ông Donald Trump đã đúng khi nói rằng con số 2% được đề ra vào một giai đoạn ít thách thức hơn. Những đồng minh trong gia đình (NATO) cần nhìn xa hơn con số 2% đó.
Như nước Anh chúng tôi đang hướng đến 2,5%. Ông ấy đúng khi thách liên minh đoàn kết lại và vượt qua con số (2%) trên".
Vẫn chưa bắt được kẻ ám sát CEO United Health
Hiện trường vụ ám sát CEO United Health ngày 4-12 - Ảnh: REUTERS
Ngày 4-12, thành phố New York rúng động khi ông Brian Thompson, giám đốc điều hành (CEO) một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất nước này, bị ám sát ngay trước cửa một ngân hàng ở khu Manhattan sầm uất.
Tính đến sáng 5-12 (giờ Việt Nam), cảnh sát cho biết vẫn chưa bắt được thủ phạm. Căn cứ vào camera an ninh, cảnh sát cho biết thủ phạm đã kiên nhẫn chờ nạn nhân nhiều phút đồng hồ trước khi tiếp cận ông Thompson và ra tay.
"Nhiều người đi qua nghi phạm, nhưng ông ta có vẻ như kiên nhẫn đợi mục tiêu đã định trước. Vụ giết người này không giống một hành động bạo lực bộc phát", ủy viên Cảnh sát thành phố New York Jessica Tisch cho biết.
Phía cảnh sát cho biết người nổ súng mặc áo khoác, bịt mặt và đeo ba lô lớn. Sau khi ám sát ông Thompson, thủ phạm đã chạy về phía trung tâm thành phố. Sau đó, người này dùng xe đạp công cộng chạy vào trong Công viên Trung tâm.
Hiện cảnh sát New York đã triển khai máy bay không người lái (drone), trực thăng và cảnh khuyển để truy lùng thủ phạm.
Sau lụt
Gần một tháng sau trận lụt nghiêm trọng khiến ít nhất 224 người thiệt mạng, những chiếc xe hơi hư hỏng trong thiên tai vẫn còn chất chồng ngổn ngang như thế này ở thị trấn Paiporta thuộc vùng ngoại ô phía nam thành phố Valencia, Tây Ban Nha. (Eva Manez/Reuters)
NGỌC ĐỨC
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online