Rạng sáng 7-11 (giờ Việt Nam), Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris ngậm ngùi thừa nhận đã thua cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 - Ảnh: REUTERS
Bà Harris tuyên bố thua cử, hứa chuyển giao quyền lực hòa bình
Đúng 4h15 sáng 7-11 (giờ Việt Nam), Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris bắt đầu bài phát biểu trước công chúng đầu tiên sau khi cục diện cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 ngã ngũ.
Phát biểu tại ĐH Howard (Washington D.C), bà Harris thừa nhận đã để thua ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Bà khẳng định: "Kết quả của cuộc bầu cử này không phải là kết quả chúng tôi mong muốn, không phải kết quả chúng tôi đã đấu tranh. Tôi biết mọi người đang trải qua rất nhiều cảm xúc khác nhau. Tôi hiểu điều đó. Nhưng chúng ta phải chấp nhận kết quả bầu cử.
Lúc nãy tôi đã gọi cho Tổng thống đắc cử (Donald) Trump và chúc mừng ông ấy chiến thắng. Tôi cũng đã nói là chúng tôi sẽ giúp ông ấy và đội ngũ của ông trong việc tiếp quản. Chúng tôi sẽ tiến hành chuyển giao quyền lực hòa bình.
Một nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ Mỹ là khi chúng ta thua một cuộc bầu cử, chúng ta phải chấp nhận kết quả".
Không lâu trước khi bà Harris bắt đầu phát biểu, ông Steven Cheung - lãnh đạo chiến dịch tranh cử của ông Trump - xác nhận phó tổng thống Mỹ đã gọi điện để chúc mừng tân tổng thống đắc cử.
Ông Cheung cho biết cuộc gọi trên diễn ra trong không khí ấm áp, thân thiện. "Tổng thống Trump công nhận sự mạnh mẽ, chuyên nghiệp và quyết liệt của bà Harris xuyên suốt chiến dịch tranh cử. Hai nhà lãnh đạo thống nhất về tầm quan trọng của việc đoàn kết đất nước", ông Cheung khẳng định.
Ông Biden gọi chúc mừng ông Trump, động viên bà Harris
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng đã đến lúc ngừng bắn ở Lebanon - Ảnh: REUTERS
Theo báo New York Times, chiều 6-11 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lần lượt gọi điện cho Phó tổng thống Kamala Harris và tân Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Nhà Trắng cho biết ông Biden đã chúc mừng bà Harris vì đã hoàn thành "chiến dịch tranh cử lịch sử". Trong khi đó, ông chúc mừng ông Trump vì đã chiến thắng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.
"Tổng thống Biden bày tỏ cam kết sẽ chuyển giao quyền lực nhịp nhàng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đoàn kết đất nước", Nhà Trắng phát thông báo.
Bên cạnh đó, ông Biden cũng gửi lời mời ông Trump đến gặp mình tại Nhà Trắng và đội ngũ của hai bên đang lên kế hoạch cho cuộc gặp này. Đây là thông lệ của các đời tổng thống Mỹ trước đây (trừ ông Trump) trước khi rời nhiệm sở.
Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ phát biểu trước công chúng ngày 7-11 để nói về kết quả bầu cử và quá trình chuyển giao quyền lực.
Cục diện Hạ viện Mỹ vẫn chưa phân định
Lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ Hakeem Jeffries bày tỏ hy vọng đảng này vẫn có thể giành quyền kiểm soát cơ quan này - Ảnh: NEW YORK TIMES
Theo New York Times, tính đến 5h30 sáng 7-11 (giờ Việt Nam), vẫn chưa có đảng nào giành được đa số ghế tại Hạ viện Mỹ. Đảng Cộng hòa đang tạm có lợi thế dẫn trước với 204 ghế, trong khi Đảng Dân chủ vẫn nuôi hy vọng lật ngược tình thế với 186 ghế.
Hiện vẫn còn 45 ghế dân biểu chưa có chủ. Đảng nào giành được ít nhất 218 ghế sẽ kiểm soát Hạ viện, vốn đang do Đảng Cộng hòa kiểm soát.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson bày tỏ sự tự tin rằng Đảng Cộng hòa "sẽ giữ vững đa số" tại Hạ viện khi công tác kiểm phiếu hoàn tất.
Kết quả cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 đang nghiêng hẳn về phía Đảng Cộng hòa. Ông Trump giành chiến thắng vang dội trong cuộc đua vào Nhà Trắng, trong khi đảng này cũng sớm giành được đa số phiếu tại Thượng viện.
Nếu giữ lại được Hạ viện, Đảng Cộng hòa sẽ một lần nữa lập được thế trifecta - khi đảng này vừa nắm Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Điều này giúp ông Trump và Đảng Cộng hòa có thể dễ dàng thông qua chương trình nghị sự của mình hơn.
Đối diện viễn cảnh đó, lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries tuyên bố cuộc đua tại Hạ viện "vẫn còn nhiều diễn biến".
Ông Jeffries khẳng định: "Trong bối cảnh bầu cử đầy thử thách, các thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện đang một lần nữa chống lại những cản trở chính trị.
Con đường để giành lại thế đa số giờ đây phụ thuộc vào các 'khe cửa hẹp' tại Arizona, Oregon và Iowa - cùng một số khu vực nghiêng về Đảng Dân chủ ở phía nam California và khu Thung lũng Trung phần".
Phố Wall ngập sắc xanh chào đón ông Trump
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6-11, Phố Wall ngập tràn sắc xanh trước thông tin ông Trump thắng cử tổng thống. Chỉ số Dow Jones có mức tăng trong ngày cao nhất trong hai năm qua, lên đến 1.500 điểm (hơn 3,5%). Con số này phản ánh tâm thế hào hứng, đặt cược của nhà đầu tư vào những mảng có thể hưởng lợi khi ông Trump quay lại Nhà Trắng.
Sàn S&P 500 cũng tăng 2,6%, trong khi sàn Nasdaq tăng 3%. Sàn Russell 2000 cũng tăng hơn 4%.
Mỹ nói lính Triều Tiên lần đầu ra quân tại Kursk
Nhân viên cứu hộ kiểm tra hiện trường một tòa nhà dân cư bị phá hủy do bị không kích ở thành phố Kharkov, Ukraine ngày 1-11 - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Reuters, ngày 6-11, hai quan chức Mỹ cho biết binh sĩ Triều Tiên đã lần đầu trực tiếp giao chiến tại vùng Kursk (Nga) trong vài ngày qua.
Một trong hai quan chức trên cho biết binh lính Bình Nhưỡng đã tham chiến ngày 4-11. Cả hai quan chức này đều không nêu cụ thể liệu phía Triều Tiên có gặp thương vong nào, cũng như không cung cấp thông tin chi tiết về việc giao chiến này.
Trước đó, ngày 5-11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố những cuộc giao tranh đầu tiên giữa binh sĩ Ukraine và Triều Tiên "mở ra trang mới trong sự bất ổn của thế giới".
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã cho rằng có ít nhất 10.000 binh lính Triều Tiên đang ở vùng Kursk, hỗ trợ khoảng 12.000 lính Nga đang đóng ở đây.
Liên Hiệp Quốc yêu cầu Israel chịu trách nhiệm với việc cấm UNRWA
UNRWA đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ nhân đạo người Palestine tại các khu vực xung đột - Ảnh: AFP
Ngày 7-11 (giờ Việt Nam), Hãng tin Reuters cho biết Liên Hiệp Quốc vừa gửi thư cho Israel. Trong đó Liên Hiệp Quốc khẳng định việc thành lập một cơ quan phụ trách vấn đề nhân đạo cho người Palestine ở Dải Gaza và Bờ Tây thay cho Cơ quan Liên Hiệp Quốc về hỗ trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine (UNRWA) không phải là trách nhiệm của tổ chức này.
Lá thư trên nhằm chính thức phản hồi việc Tel Aviv vừa quyết định sẽ chấm dứt thỏa thuận hợp tác với UNRWA. Thỏa thuận này được ký kết năm 1967, trong đó Israel cam kết việc bảo vệ, tạo điều kiện đi lại và quyền miễn trừ ngoại giao đối với UNRWA. Ngoài ra, Israel cũng cấm UNRWA hoạt động trong lãnh thổ nước này từ cuối tháng 1-2025.
Với quyết định trên, hoạt động của UNRWA tại Dải Gaza và Bờ Tây sẽ không còn an toàn và nhiều khả năng tổ chức này sẽ không thể tiếp tục nhiệm vụ của mình.
Người phát ngôn Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric cho biết trách nhiệm thay thế UNRWA giờ đây nằm trong tay Israel.
"Nếu UNRWA không thể hoạt động, Chính phủ Israel sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc thay thế các dịch vụ mà tổ chức này cung cấp cho dân thường, bao gồm giáo dục, y tế và nhiều lĩnh vực khác", ông Dujarric tuyên bố.
Chống bão ở Cuba
Ngư dân di dời tàu thuyền ở thủ đô Havana (Cuba) ngày 5-11, trước khi bão Rafael dự kiến đổ bộ vào đảo quốc này ngày 6-11 - Ảnh: AFP
NGỌC ĐỨC
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online