"Không thể phủ nhận nguy cơ rõ ràng rằng các bộ phận F-35 xuất khẩu sẽ được sử dụng để vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế", tòa phúc thẩm ngày 12/2 cho biết.
Theo đó, chính phủ Hà Lan phải chấp hành lệnh trong vòng 7 ngày và tòa cũng bác bỏ yêu cầu từ các luật sư chính phủ về việc đình chỉ lệnh trong thời gian họ kháng cáo lên Tòa án Tối cao.
Phi cơ F-35 tại căn cứ không quân Hatzerim, miền nam Israel, tháng 6/2023. Ảnh: Reuters
Vụ kiện chống lại chính phủ Hà Lan được một số nhóm nhân quyền đưa ra vào tháng 12 năm ngoái.
Theo các cơ quan y tế do Hamas kiểm soát tại Dải Gaza, cuộc tấn công quy mô lớn trên không và trên bộ của Israel vào khu vực này đã khiến hơn 28.000 người Palestine thiệt mạng và khiến hầu hết trong 2,3 triệu dân tại đây phải rời bỏ nhà cửa.
Israel phủ nhận phạm tội ác chiến tranh trong các cuộc tấn công vào Gaza nhằm đáp trả cuộc đột kích xuyên biên giới của Hamas vào miền nam nước này hồi tháng 10 năm ngoái.
Trong phán quyết đầu tiên, tòa sơ thẩm đã không ra lệnh cho chính phủ Hà Lan ngừng xuất khẩu, mặc dù họ tin rằng các bộ phận F-35 được chuyển tới Israel có thể vi phạm luật giao tranh.
Tòa sơ thẩm phán quyết rằng chính phủ có quyền tự do cân nhắc các vấn đề chính trị và chính sách để quyết định xuất khẩu vũ khí. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm nhấn mạnh những lo ngại về chính trị và kinh tế không thể bác bỏ việc hành động trên tiềm ẩn nguy cơ vi phạm luật pháp quốc tế rõ ràng.
Tòa phúc thẩm cũng cho hay có khả năng các bộ phận F-35 đã được sử dụng trong những cuộc tấn công vào Gaza, dẫn đến thương vong dân sự không thể chấp nhận được. Tòa bác bỏ lập luận của chính phủ Hà Lan rằng họ không phải thực hiện kiểm tra lại đối với giấy phép xuất khẩu.
Hà Lan là một trong những quốc gia ở châu Âu mà Mỹ đặt kho chứa các bộ phận của tiêm kích F-35. Từ đây, chúng sẽ được phân phối cho những nước có nhu cầu.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET