Tàu hải cảnh Trung Quốc (trái) đang chặn tàu Philippines trên đường đến một hòn đảo gần đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngày 23-3 - Ảnh: AFP
Ngày 22-3, tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp tục dùng vòi rồng tấn công tàu tiếp tế Philippines khi con tàu này đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho lực lượng Philippines đóng trên tàu chiến BRP Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây.
Trước đó, hôm 5-3, hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã phun vòi rồng dữ dội và gây hư hại cho tàu tiếp tế của Philippines cũng tại bãi Cỏ Mây.
Căng thẳng dâng cao
Liên quan vụ việc ngày 22-3, ông Trần Hiểu Đông (Chen Xiao Dong), thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Theresa Lazaro ngày 25-3.
Trong cuộc gọi, bà Lazaro truyền tải "lời phản đối mạnh mẽ nhất của Manila trước các hành động gây hấn của hải cảnh Trung Quốc chống lại sứ mệnh tiếp tế của Philippines ở Biển Đông".
Trước đó cùng ngày, Philippines đã triệu đại diện ngoại giao của Trung Quốc để phàn nàn về "những hành động hung hăng" của hải cảnh Trung Quốc ở gần bãi cạn Ayungin (tên Philippines gọi bãi Cỏ Mây).
Đáp lại, ông Trần Hiểu Đông "một lần nữa kêu gọi Philippines tôn trọng các cam kết và đồng thuận, chấm dứt hành vi lạm dụng và khiêu khích trên biển, chấm dứt mọi hành động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và quay lại con đường đúng đắn để giải quyết khác biệt thông qua đối thoại".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bác bỏ yêu sách của các nước khác (trong đó có Philippines) và phán quyết của Tòa trọng tài 2016 rằng yêu sách của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý.
Mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã nguội lạnh dưới thời Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos khi ông tìm cách tăng cường hợp tác với Mỹ và các nước láng giềng trong khu vực, đồng thời chống lại sự gây hấn của Trung Quốc đối với các tàu của Manila.
Trong một diễn biến khác ngày 25-3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro đã thách thức Bắc Kinh mang vụ việc ra tòa quốc tế, điều mà ông Teodoro nói là "cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp pháp lý một cách bền vững".
Manila nói rằng "các hành động hung hăng của Trung Quốc đặt ra câu hỏi về sự chân thành của nước này trong việc hạ nhiệt căng thẳng và thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Biển Đông".
Chuyện gì xảy ra ở bãi Cỏ Mây?
Vụ việc mới nhất xảy ra ngày 23-3 gần bãi Cỏ Mây, khi Philippines tố hải cảnh Trung Quốc chặn tàu tiếp tế của họ và phun vòi rồng làm hư tàu và khiến 3 binh sĩ bị thương.
Hải cảnh Trung Quốc tuyên bố họ đã thực hiện "các biện pháp kiểm soát theo luật pháp đối với các tàu Philippines đi vào vùng biển gần bãi Ren'ai (tên Trung Quốc gọi bãi Cỏ Mây).
Nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bãi Cỏ Mây nằm cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1.000km.
Theo phán quyết của Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016, bãi Cỏ Mây nằm trên thềm lục địa Philippines.
Philippines do đó khẳng định "Trung Quốc không có quyền có mặt ở bãi Cỏ Mây" và họ "yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi bãi Cỏ Mây và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ngay lập tức".
Theo Hãng tin Reuters, Manila đã cố tình cho tàu Sierra Madre mắc cạn ở bãi Cỏ Mây, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, vào năm 1999 và cho binh lính đồn trú trên xác tàu để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình.
Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã cáo buộc Philippines tìm cách chuyển vật liệu xây dựng đến khu vực tàu mắc cạn này, cho rằng đây là nguồn gốc của căng thẳng. Tuy nhiên, Manila khẳng định sẽ không từ bỏ bãi Cỏ Mây và tiếp tục tiếp tế cho con tàu bất chấp sự cản trở của Bắc Kinh.
Ngày 25-3, tờ China Daily cho rằng Manila đang cố gắng tiến hành sửa chữa tàu chiến trên quy mô lớn và tăng cường địa điểm này để thiết lập sự chiếm đóng lâu dài ở bãi Cỏ Mây.
Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế
Ngày 9-3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Philippines ở khu vực bãi Cỏ Mây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: "Việt Nam rất quan ngại về căng thẳng gần đây ở Biển Đông, có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông".
Bà Hằng nhấn mạnh mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia được xác lập phù hợp với UNCLOS, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
"Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông", bà Hằng nói.
MINH KHÔI
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online