Có một cây cầu như thế ở vương quốc Anh, cầu Wearmouth Bridge, trên cầu không có những chiếc khóa tình yêu mà có những mẩu giấy nhiều màu.
Như bao cây cầu khác trên khắp thế giới, cầu Wearmouth Bridge đã phải chứng kiến rất nhiều những cái kết đau thương.
Nếu có thể trò chuyện, nếu có đôi mắt như con người, hẳn những cây cầu đã khóc rất nhiều. Không chỉ bởi những con người tìm đến đó đang mang nỗi đau quá lớn. Mà cũng bởi vì mạng sống của con người là quý giá nhất, nhưng không ai trong giờ phút sinh tử đó có thể nói với những người “muốn chết” ấy điều quan trọng này.
Cầu Wearmouth Bridge, Anh Quốc (Ảnh: Flickr)
Tuy nhiên, ở Wearmouth Bridge đã có một điều kỳ diệu xuất hiện. Trên các trang mạng xã hội của Anh, người ta đang truyền nhau một bài viết chan chứa tình người.
“Tôi muốn nói một lời cảm ơn chân thành nhất đến Paige Hunter không chỉ bởi cô ấy đã cứu được một mạng người, mà rất có thể cô ấy đã cứu được nhiều người hơn nữa. Vào lúc 18h, tôi đã bước lên cầu với ý định kết thục cuộc đời của mình, mà không hề để ý đến khoảng 40 những mảnh giấy nhỏ đầy màu sắc được treo bên mỗi thành cầu. Chỉ cho đến khi, tôi chuẩn bị trèo khỏi la can, một tấm biển nhỏ đập vào mắt tôi: “MẠNH MẼ lên, tất cả mọi thứ đều sẽ tốt lên. Bây giờ, trời có thể đang giông bão nhưng trời sẽ có lúc ngừng mưa” và rất nhiều lời nhắn khác như vậy. Nếu không phải vì Paige, tôi đã nằm dưới lòng sông lạnh còn gia đình tôi đang vỡ vụn vì đau khổ. Vậy nên xin chân thành cảm ơn! Bạn là một cô gái với trái tim bằng vàng, và bạn hoàn toàn xứng đáng được nhận sự biết ơn vì những điều mình đã làm”.
Một con người đã được cứu ra khỏi suy nghĩ “muốn chết” chỉ nhờ những mảnh giấy màu sắc. Vậy trên những mẩu giấy ấy là những thông điệp gì?
“Xin đừng bỏ cuộc, không phải bây giờ, không phải ngày mai, và sẽ không bao giờ”.
“Xin đừng bỏ cuộc, không phải bây giờ, không phải ngày mai, và sẽ không bao giờ” (Ảnh: lovewhatmatters)
“Bạn có đủ sức mạnh để nói rằng: “Đây không phải là cách mà cuộc đời tôi kết thúc””.
“Bạn có đủ sức mạnh để nói rằng: “Đây không phải là cách mà cuộc đời tôi kết thúc”” (Ảnh: lovewhatmatters)
“Mọi thứ sẽ ổn lên, xin hãy giữ lấy (cuộc sống) của bạn”.
“Mọi thứ sẽ ổn lên, xin hãy giữ lấy (cuộc sống) của bạn” (Ảnh: lovewhatmatters)
“Hãy dừng lại, thở một hơi sâu, mọi thứ sẽ tốt lên và còn rất nhiều người yêu quý bạn”.
Những mẩu tin nhắn ấm áp đó là của một cô gái trẻ có tên Paige Huntur, 18 tuổi. Paige đã làm điều đặc biệt này sau một lần tử tử bất thành. Trong mỗi tấm thiệp nhỏ được gắn trên cầu, cô gái này đã gửi vào đó tất cả sự tha thiết của mình đến những người sẽ đọc nó, trong giây phút khốn cùng nhất của cuộc đời họ. Bởi hơn ai hết, Paige hiểu rõ cảm giác muốn được kết thúc cuộc đời:
“Tôi tên là Paige Hunter, 18 tuổi. Tôi đã sống cùng chứng bênh trầm cảm, lo âu từ năm 14 tuổi.
Tôi đã trải qua một chấn thương tinh thần, nó đã hoàn toàn hủy hoại tôi. Tôi cũng đã từng đứng trên cây cầu này với những dòng suy nghĩ chạy loạn trong tâm trí. Tôi thực sự không muốn phải chết, nhưng tôi tha thiết thoát khỏi nỗi đau đang phải trải qua. Tôi không muốn nhìn lại một lần nào nữa chuỗi ngày trong quá khứ: Ở đó, tôi không thể nhấc mình ra khỏi chiếc giường vào mỗi sáng, cũng không thể đi gặp bạn bè vì sợ rằng những cơn “sợ hãi” sẽ bất thình lình kéo đến”. Cứ mỗi bước tiến lại thành cầu, những suy nghĩ tiêu cực ấy bắt đầu giảm xuống. Nhưng những điều cuối cùng tôi nghe thấy là tiếng còi xe cứu thương, xe cảnh sát đang tiến đến. Họ tới để giúp tôi thay đổi suy nghĩ của mình.
Tôi đã rất xấu hổ về mình. Tôi nghĩ rằng cuộc sống của mình không đáng sống. Nhưng, tôi đã nhầm. Sự sống của bạn đáng giá hơn bạn nghĩ rất nhiều lần. Giờ đây, tôi sẽ không để những ý nghĩ về quá khứ chi phối tương lai của mình. Thay vào đó tôi sẽ nắm bắt từng phút giây được sống.
Paige đã nảy ra một ý tưởng (Ảnh: lovewhatmatters)
Việc tự hỏi “cuộc đời mình có đáng sống không?” là một điều khủng khiếp và vô cùng cô đơn. Tôi không muốn bất kỳ ai rơi vào cảm giác “không ai giúp đỡ, không ai chia sẻ, không ai, không ai ở bên cạnh” để giúp họ thoát khỏi điều đáng sợ đó. Tôi muốn rằng những người đến cây cầu này (để kết thúc cuộc sống) biết rằng sự sống của họ đáng giá vô cùng. Tôi đã nhìn thấy những mẩu tin người ta để lại cho nhau trên thành cầu, và chúng đã cho tôi một lời gợi ý. Tôi quyết định làm một điều gì đó tương tự như vậy, ngay trên cây cầu mà suýt nữa tôi đã từ bỏ mạng sống của mình”.
Đó là những dòng tâm sự của Paige Hunter, trải lòng về những lý do cô tỉ mỉ làm những mẩu giấy nhỏ, ép plastic, rồi buộc chúng trên khắp thành cầu.
Hãy tưởng tượng bạn đang đi dạo trên cây cầu thơ mộng như thế này, bất chợt nhìn thấy những mảu giấy ấy. Bạn sẽ cảm thấy điều gì? Riêng tôi, cảm xúc đầu tiên có lẽ là giật mình. Giật mình bởi phát hiện: ở chính nơi tôi đang đứng đây, vào một thời điểm khác, có một con người nào đó đang trải qua những giây phút tột cùng đau đớn và cô đơn trong cuộc đời.
“Dũng cảm lên vì những gì bạn có, ngày mai nhất định sẽ tốt hơn” (Ảnh: lovewhatmatters)
Nhưng cảm xúc tiếp theo là xúc động và tràn đầy hy vọng: Bởi chính những mẩu giấy này, nó đang nói cho bạn, cho tôi và nhất là cho những người sắp tìm đến cái chết một điều vô cùng quan trọng: Có ai đó, dù là xa lạ với bạn, nhưng họ hiểu những cảm giác bạn đang phải trải qua, và họ đang cố gắng nói với bạn điều quan trọng nhất, sự sống này mới là điều đáng giá.
Những tấm thiệp nhỏ ấy không chỉ là sự quan tâm. Mà nó chứa trong mình chan chứa sự đồng cảm, và quan trọng nhất là sư trân quý. Chúng cho người đang đau khổ biết rằng dù không quen biết họ, nhưng vẫn có một người mong muốn họ sống, mong muốn họ mạnh mẽ vượt qua những “suy nghĩ ác độc” trong chính tâm trí mình. Để rồi, bỏ chúng lại phía sau và làm lại cuộc đời.
Bạn có muốn học cách gieo “lòng nhân ái” trong tim mình? (Ảnh: Xã luận)
Còn những tấm thiệp và câu chuyện của Paige còn cho tôi thêm rất nhiều cảm nhận về “lòng nhân ái”. Ba từ này thực ra không hề xa vời, cũng chẳng cao siêu. Nó không chỉ xuất hiện khi ta làm từ thiện. Mà nó hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người.
Khi bạn nghĩ đến những khổ đau của ai đó, cố gắng đặt mình vào vị trí của họ, để có thể cảm thông, không trách móc, không định kiến, đó chính là khi lòng nhân ái đã ở trong trái tim bạn.
Khi bạn vì hiểu được nỗi khổ của họ, mà làm một điều gì đó để trợ giúp, để nâng đỡ, để giúp họ nhận ra sức mạnh bên trong của mình, khi ấy lòng nhân ái trong bạn đã nở hoa.
Bạn nghĩ sao, nếu mỗi ngày, chúng ta cố gắng nhìn vào chính tâm mình, nhổ đi những cái nhìn định kiến về người khác, tập cách đặt mình vào vị trí của họ, tập cách quan sát họ mà không để những thiên kiến xen vào. Biết đâu, chúng ta lại tìm thấy những điều mới mẻ trong chính những con người mà ta vốn “không ưa”. Để rồi quan trọng nhất, ta biết được mình phải làm gì để trợ giúp người ấy, cũng là trợ giúp chính mình.
Nguồn: Hy Văn
DKN.tv