Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Tass)
"Chúng ta đang cải thiện học thuyết hạt nhân, không phải thắt chặt nó. Về cơ bản, bây giờ, chúng ta cần cải thiện tên lửa Oreshnik chứ không phải học thuyết hạt nhân", ông Putin lưu ý. "Nếu suy xét kỹ hơn, chỉ cần có đủ số lượng tên lửa tiên tiến này, chúng ta sẽ không cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân nữa".
Đó là lý do vì sao Nga đang hành xử thận trọng và thậm chí kiềm chế ở mọi khu vực, lãnh đạo Nga nhấn mạnh.
Ông Putin cảnh báo việc sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp sẽ "thay đổi đáng kể bản chất" của cuộc xung đột Ukraine, và nhấn mạnh rằng các hệ thống vũ khí tinh vi như vậy không thể được vận hành mà không có sự tham gia trực tiếp của nhân viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hồi tháng 11, Nga đã chính thức sửa đổi học thuyết hạt nhân. Theo tài liệu này, Mátxcơva có quyền triển khai kho vũ khí hạt nhân để đối phó với một cuộc tấn công hạt nhân hoặc thông thường gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền và/hoặc toàn vẹn lãnh thổ của nước này".
Tuần trước, sau khi ký một hiệp ước an ninh với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Nga cho biết các hệ thống Oreshnik có thể được triển khai tại Belarus sớm nhất là vào nửa cuối năm sau, tùy thuộc vào thời điểm chúng được đưa vào sử dụng thường xuyên với các lực lượng chiến lược của Nga.
Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Belarus Sergey Lagodyuk sau đó tuyên bố, quyết định triển khai tên lửa Oreshnik ở Belarus là phản ứng trực tiếp trước kế hoạch của Mỹ về việc bố trí tên lửa tầm trung ở Đức.
Nguồn: Báo Tiền Phong Online