Như Machiavelli (chính trị gia, sử gia người Ý thời kỳ Phục Hưng) đã giải thích trong tác phẩm The Prince, khi phải đối mặt với một mối đe dọa tấn công, nhà lãnh đạo khôn ngoan tìm cách “biến nước mình là quốc gia dẫn đầu và bảo vệ cho những người hàng xóm yếu thế hơn” – đó là một liên minh phòng thủ. Và tất nhiên, nếu liên minh này trở nên đủ mạnh, nó có thể làm nhiều hơn việc tự vệ – nó thực sự có thể đánh bại mối đe dọa.
Ở phương Tây, nghiên cứu điển hình đầu tiên về các liên minh quyền lực do sử gia Hy lạp Thucydides thực hiện, ghi chép lại Chiến tranh Peloponnesian ở thế kỷ V trước Công Nguyên. Ngay từ đầu cuộc xung đột đó, Athens đã có lợi thế, nhưng Sparta đã tạo được một liên minh kháng cự hiệu quả, trong đó thậm chí có cả Ba Tư – kẻ thù truyền kiếp của Hy Lạp. Và vì vậy người Athens cuối cùng đã thất bại thảm khốc.
Nếu chúng ta tìm hiểu sâu hơn về điều đó, hầu như mọi cuộc chiến tranh từ sau thế kỷ V trước Công Nguyên, dù cuộc chiến xảy ra ở đâu, đều là biến thể của chủ điểm này: Bên nào có thể tập hợp được lực lượng mạnh hơn, lợi thế thuộc về bên đó? Chính xác là như thế. Trưởng soái có kỹ năng và binh lính dũng cảm có thể vượt qua những khó khăn, nhưng ngay cả khi có điều đó, chiến thắng thường đến với bên nào có thể nhắm mục tiêu sức mạnh chiến đấu của mình vào điểm yếu của kẻ địch – đó là điều mà Clausewitz (nhà lý thuyết quân sự, tướng lĩnh của nước Phổ thế kỷ XVIII) gọi là Punkt entscheidender (điểm quyết định).
Tổng thống Trump và phu nhân được phía Trung Quốc tiếp đón trọng thị trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 11/2017. (Ảnh qua Getty Images)
Đối chiếu bài học đó với lịch sử hiện đại, chúng ta đã thấy rằng Tổng thống Franklin D. Roosevelt của Hoa Kỳ đã đánh cược vào mối quan hệ tốt của ông với nước Nga vì ông muốn giúp Hồng Quân đánh bại quân đội của Hitler trong Thế chiến II và ông đã thành công.
Thực tế, liên minh mà Hoa Kỳ tập hợp được, bao gồm cả Liên bang Xô viết, có dân số hơn 1 tỷ người, ngược lại phe Trục (Đức, Ý, Nhật) có số dân chỉ bằng 1/4 Đồng Minh. Tất nhiên, chắc chắn rằng chiến thắng của Đồng Minh không dễ dàng và rẻ tiền, nhưng chính ưu thế về quân số, bao gồm các lợi thế về trang thiết bị chiến tranh, đã đảm bảo chiến thắng cho họ.
Vì vậy, bây giờ, chúng ta có thể xem xét các bài học về những thành công trong quá khứ soi sáng con đường cho nước Mỹ ngày nay như thế nào khi phải đối mặt với thách thức địa chính trị tiếp theo: mối đe dọa từ Trung Quốc.
Hiện tại, rõ ràng Trung Quốc là đối thủ chính của Hoa Kỳ. Nga, Iran hay IS có thể thu hút nhiều sự chú ý hơn, nhưng những người am hiểu địa chính trị quốc tế biết rằng Trung Quốc, với dân số gấp bốn lần nước Mỹ và nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh hơn, chính là mối đe dọa cuối cùng.
Học giả Michael Lind, hiện đang công tác tại Trường Đại học Texas, từ lâu đã viết nhiều bài về chiến lược Mỹ, gần đây, ông Lind lập luận rằng khi Mỹ đối mặt với Trung Quốc, cả hai coi như đã ở trong cuộc Chiến tranh Lạnh lần II rồi. Và trong cuộc Chiến tranh Lạnh lần II này, học giả Michael Lind nhấn mạnh: “Hoa Kỳ phải chơi với những thế mạnh của mình, đó là công nghệ và kinh tế. Trong khi tránh nguy cơ bị mắc bẫy vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm lâu dài và tốn kém, Hoa Kỳ cũng phải tránh lãng phí những đồng đô la quý giá chi cho trang thiết bị quân sự nhắm tới các cuộc chiến tranh tưởng tượng về hải quân thông thường với Trung Quốc hoặc các cuộc chiến tranh trên đất liền với Nga, những cuộc chiến sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Trong Chiến tranh Lạnh lần II, các công cụ kinh tế sẽ làm mờ tầm quan trọng của các công cụ quân sự, nhưng không thay thế chúng hoàn toàn”.
Nói cách khác, ông Lind muốn nói rằng nước Mỹ không có thời gian cho những màn trình diễn xuẩn ngốc, các kịch bản bao gồm các cuộc chiến tranh trên đất liền “tưởng tượng” với Nga.
Thay vào đó, Mỹ phải tập trung vào vấn đề công nghệ tiên tiến, và khí tài quân sự phù hợp với công nghệ cao. Qua lăng kính chiến lược này, chúng ta có thể nhanh chóng nhận thấy rằng sự chuyển giao công nghệ từ Mỹ tới Trung Quốc – có những sự chuyển giao người Mỹ biết, có những cái họ không biết – đã gây tổn hại cho địa vị của Washington trên trường quốc quốc. Và chúng ta cũng có thể thấy những lựa chọn của chính phủ tại Washington D.C trong hai thập kỷ qua là cực kỳ ngờ nghệch: Nước Mỹ đã không đạt được điều gì trong việc “giải phóng” Iraq thời kỳ Tổng tống Bush và cũng chẳng có gì khi Tổng thống Obama tập trung vào “biến đổi khí hậu”.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của tổng thống mới, hiện nay có tín hiệu tốt để nước Mỹ có thể khôi phục lại sự ưu việt của mình. Nhờ Tổng thống Donald Trump, nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng nhanh, và rõ ràng vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ chẳng thấy điều gì tích cực trong các cuộc nổi dậy phản kháng bất tận tại Trung Đông. Hơn nữa, ông Trump cũng đã rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris; chúng ta có thể nhớ lại rằng ngay từ năm 2012, tỷ phú địa ốc Donald Trump đã mỉa mai “biến đổi khí hậu” không là gì khác hơn một kế hoạch của Trung Quốc nhằm phi công nghiệp hóa nước Mỹ.
Thực tế, chúng ta có thể thấy những dấu hiệu đáng khích lệ rằng những tiếng nói công chúng đang bắt đầu theo kịp với thực tế của mối đe dọa Trung Quốc. Chẳng hạn, một bài báo gần đây trên AP có tựa: “CIA: Trung Quốc đang tiến hành ‘một cuộc chiến tranh lạnh thầm lặng’ chống Mỹ”. Và tất nhiên, ẩn tàng trong chiến tranh lạnh là sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh nóng tiềm năng. Có thông tin cho rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang có tần suất thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa cao hơn 20 lần so với Bộ Quốc phòng Mỹ.
Cần phải nói lại rằng, biến số chính trong sức mạnh quốc gia là công nghệ. Và đó là lý do tại sao nhiều người Mỹ thấy đau đớn khi phải chứng kiến điều mà người Trung Quốc đã làm với nước Mỹ trong những thập kỷ gần đây.
Ông Rob Atkinson, Chủ tịch của Quỹ Công nghệ Thông tin và Sáng tạo lý giải: “Trung Quốc đã triển khai một lượng lớn các thực hành ‘thương mại đổi mới’ nhằm tìm kiếm lợi thế cho các nhà sản xuất Trung Quốc một cách không công bằng. Những điều này bao gồm: yêu cầu công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ của họ cho các công ty Trung Quốc để được tiếp cận thị trường Trung Quốc; đánh cắp sở hữu trí tuệ nước ngoài; thao túng công nghệ”.
Và theo như lời của sử gia Adam Tooze của Đại học Columbia, Trung Quốc đang tập hợp công nghệ của họ cùng với những mục tiêu quân sự thành “một đội ngũ kinh tế quốc gia tích hợp… đó là một viễn cảnh đáng sợ”.
Chúng ta nên nhớ rằng những gì sử gia Tooze viết là trước khi có tiết lộ về việc gián điệp Trung Quốc bị cáo buộc thâm nhập vào đội ngũ nhân viên của Thượng nghị sĩ Dân chủ Dianne Feinstein thời điểm bà này là Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện. Trong một sự thất bại phản gián đáng sợ, nghi phạm đã không bị bắt hoặc bỏ tù, thậm chí được phép từ chức và trở về Trung Quốc mà theo Fox News, người này “có thể đã nhận huân chương” tại Bắc Kinh.
Như vậy có thể thấy Trung Quốc, theo nhiều cách, là một “viễn cảnh đáng sợ” và nước Mỹ chắc chắn không muốn một mình đối mặt với họ, cũng giống như việc Tổng thống Franklin D. Roosevelt không muốn một mình đối mặt với Đức Quốc xã vào năm 1941.
Các liên minh có thể là quan trọng. Chúng ta đã chứng kiến tại Thế chiến II rồi, và chúng ta có thể nhìn xa hơn về Thế chiến I, nhớ rằng chúng ta đã chiến đấu với Đức nhờ sự giúp đỡ của Anh, Pháp, Ý và Nga. Và chúng ta có thể nhìn xa hơn nữa vào thời điểm Cách mạng Mỹ, khi đó sự nổi dậy của chúng ta có lợi ích cùng liên minh bao gồm Pháp, Hà Lan và Tây Ban Nha. Ngoài việc nhờ vào những binh lính Mỹ can đảm và dũng cảm, chúng ta cũng cần sự giúp đỡ của những nhà ngoại giao có kỹ năng để xây dựng các liên minh.
Mặc dù không rõ liệu ông Trump có thông thạo lịch sử cổ đại hay không, nhưng rõ ràng rằng ông ta đã nhận được ý tưởng rằng vị hoàng tử khôn ngoan luôn đảm bảo rằng liên minh của mình sẽ lớn hơn liên minh của đối thủ.
Thật thú vị, một số nhà quan sát nổi tiếng đang chú ý đến điều ông Trump làm. Ví như, ông Mark Leonard, Giám đốc của Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, gần đây đã viết trên Thời báo Tài chính (Financial Times) về các cuộc đối thoại của ông với các lãnh đạo và trí thức Trung Quốc: “nhiều người trong số họ đã thấy sợ về kỹ năng của ông Trump như một chiến lược gia và chiến thuật gia thực thụ”.
Ông Leonard nói thêm rằng người Trung Quốc sợ ông Trump sẽ “phá hủy có hệ thống” những thể chế quốc tế hiện tại, như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Khối Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và đó chỉ là “bước đầu tiên hướng tới đàm phán lại trật tự thế giới với các điều khoản có lợi hơn cho Washington”. Ông Trump cho rằng những thể chế quốc tế hiện tại đã thổi bay quyền lực Mỹ. Về phần mình, tất nhiên, Trung Quốc đã hạnh phúc khi thấy nước Mỹ bị tổn thương và vì vậy dễ hiểu khi họ thấy tiếc khi ông Trung đang áp dụng biện pháp ngăn chặn thiệt hại cho Mỹ.
Ông Trump luôn mong muốn cải thiện quan hệ với Tổng thống Nga Putin. (Ảnh qua Getty Images)
Thật vậy, ông Leonard nói tiếp rằng, khi Trung Quốc quan sát ông Trump giao thiệp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, “họ nhìn thấy điều đó giống như Henry Kissinger, nhưng ở thế ngược lại”. Vào năm 1972, ông Kissinger khi đó là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã ve vãn Trung Quốc để kéo nước này tách khỏi Liên Xô. Như mọi khi, vị hoàng tử khôn ngoan luôn tìm cách phá vỡ liên minh của đối thủ.
Ngày nay, Trung Quốc sợ rằng người Mỹ đang thực hiện động thái ve vản mới, thu hút Nga tách xa khỏi chế độ Bắc Kinh. Như ông Leonard đã nói, “ông Trump đang tiếp cận Nga để cô lập Trung Quốc”.
Không nghi ngờ gì nữa, tiến trình hành động của ông Trump hiện nay và ông Kissinger trước đây đã gây nhầm lẫn cho hầu hết các nhà khai thác truyền thông, cũng như nhiều cơ sở chính sách đối ngoại; những “chuyên gia” này đang tập trung nhiều vào luận điểm cho rằng ông Trump không là gì khác hơn là một kẻ vọng ngôn.
Nhưng ngay cả ở điểm đó, cũng đã có dấu hiệu cho thấy bức tường chống Trump đang rạn nứt. Chẳng hạn như, Seth Ackerman người hay viết cho tạp chí cánh tả Jacobin gần đây đã có suy nghĩ khác hơn về ông Trump. Seth Ackerman đã viết rằng sự tôn trọng của Trung Quốc đối với ông Trump đang làm ông hết sức ngạc nhiên; điều đó gợi nhắc ông nhớ về cách ngưỡng mộ bất ngờ mà nước Pháp dành cho danh hài người Mỹ Jerry Lewis. Không giống như hầu hết những cây bút khác, Ackerman đang sẵn sàng cho phép giả thuyết có thể nhận định của ông về ông Trump là sai lầm: “Ai biết được, có thể lịch sử sẽ chứng minh người Trung Quốc đúng” khi tôn trọng ông Trump.
Thật thú vị, một người quan sát khác cũng xem ông Trump đang ngày càng nhận được sự tôn trọng là Edward Luce – một nhà bình luận của tờ Thời báo Tài chính. Trong bài viết có tựa “Trung Quốc nên thực sự bắt đầu lo lắng về Trump”, nhà báo Luce loan tin rằng Tổng thống Mỹ đang thực sự thành công trong nỗ lực tập hợp các nước Châu Âu, cũng như doanh nghiệp Mỹ để đối đầu với ‘Mối de dọa Trung Quốc’.
Điều đó cho thấy ông Trump đang xây dựng một liên minh lớn cho thế kỷ XXI. Và trong bất kỳ thế kỷ nào, đó là cách mọi người có thể chiến thắng đối thủ.
Theo BreitBart News,
Hùng Cường biên dịch
Nguồn: Tri thức trẻ