Triều Tiên tuyên bố khôi phục mọi biện pháp quân sự nước này từng tạm dừng theo thỏa thuận năm 2018 với Hàn Quốc, đồng thời cam kết đưa lực lượng mạnh hơn và vũ khí mới tới biên giới.

1 Trieu Tien Huy Hiep Uoc Voi Han Quoc The Dat Vu Khi Moi O Bien Gioi

Binh sĩ Hàn Quốc đứng gác tại Khu vực an ninh chung thuộc Khu phi quân sự ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc vào năm 2022 (Ảnh: AFP/Getty).

"Kể từ bây giờ, quân đội của chúng ta sẽ không bao giờ còn bị ràng buộc bởi Thỏa thuận quân sự Bắc - Nam 19/9", tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Triều Tiên nêu rõ.

Hiệp ước Bắc - Nam được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh năm 2018 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Moon Jae In, bao gồm vùng cấm bay và lệnh cấm tập trận bắn đạn thật gần biên giới.

Trong những năm gần đây, Triều Tiên và Hàn Quốc đã cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.

"Chúng tôi sẽ rút lại các biện pháp quân sự từng được thực hiện để ngăn chặn căng thẳng quân sự và xung đột trên mọi môi trường gồm trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời triển khai các lực lượng vũ trang mạnh hơn và khí tài quân sự loại mới trong khu vực dọc Đường giới tuyến quân sự", tuyên bố viết.

Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc hủy bỏ thỏa thuận và khẳng định Seoul sẽ "hoàn toàn chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra cuộc đụng độ không thể khắc phục" giữa hai miền.

Bộ Quốc phòng Triều Tiên đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi Hàn Quốc đình chỉ một phần thỏa thuận liên Triều để đáp trả việc Bình Nhưỡng phóng vệ tinh do thám. Hàn Quốc cũng cho biết sẽ lập tức tăng cường giám sát dọc đường giới tuyến với Triều Tiên.

Trước khi đưa ra tuyên bố trên, Triều Tiên đã bắn tên lửa đạn đạo về vùng biển nằm về phía đông bán đảo vào cuối ngày 22/11. Quân đội Hàn Quốc cho biết vụ phóng dường như đã thất bại.

Triều Tiên ngày 21/11 tuyên bố đã phóng thành công vệ tinh do thám đầu tiên vào quỹ đạo. Động thái này được cho là vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc cấm Triều Tiên dùng công nghệ áp dụng cho các chương trình tên lửa đạn đạo.

Hàn Quốc xác nhận vệ tinh của Triều Tiên đã đi vào quỹ đạo nhưng sẽ mất thời gian để đánh giá xem vệ tinh này có hoạt động bình thường hay không.

Theo Reuters

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC