Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại sự kiện chuyển giao tên lửa đạn đạo chiến thuật mới cho quân đội nước này vào đầu tháng 8 - Ảnh: REUTERS
Hãng thông tấn KCNA dẫn tuyên bố của Triều Tiên ngày 24-8 nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ "tăng cường sức mạnh chiến lược theo mọi cách nhằm kiểm soát và loại bỏ mọi thách thức an ninh có thể xuất hiện từ kế hoạch sửa đổi của Washington".
Trước đó trong tuần, tờ New York Times đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã duyệt một kế hoạch chuẩn bị cho các cuộc đối đầu tiềm năng với Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.
Việc phê duyệt được cho đã thực hiện từ tháng 3, và kế hoạch tuyệt mật này là lần đầu tiên Washington tái định hướng chiến lược răn đe tập trung vào Trung Quốc. Phía Mỹ đánh giá đây là động thái cần thiết khi Bắc Kinh liên tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân.
Theo KCNA, Bộ Ngoại giao Triều Tiên "bày tỏ sự lo ngại sâu sắc, cực lực lên án và phản đối hành vi của Mỹ".
Phía Triều Tiên theo đó tuyên bố thúc đẩy việc xây dựng sức mạnh hạt nhân hiệu quả và đáng tin cậy để bảo vệ vững chắc chủ quyền.
Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên phát sinh thêm vấn đề từ sau khi Nga tổ chức "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
Phương Tây, vốn ủng hộ Ukraine, cho rằng việc Triều Tiên và Nga thắt chặt quan hệ song phương là minh chứng cho thấy Bình Nhưỡng đang đứng về phía Matxcơva.
Mỹ và Hàn Quốc đã cáo buộc Triều Tiên cung cấp đạn dược và tên lửa để dùng trong xung đột với Ukraine. Triều Tiên bác bỏ cáo buộc này, mô tả chuyện gửi vũ khí cho Nga là "vô lý".
Trong khi đó, Trung Quốc bày tỏ lập trường trung lập trong xung đột Ukraine - Nga, nhưng là đồng minh thân cận của Triều Tiên.
Bắc Kinh cũng thắt chặt quan hệ song phương với Nga, và được cho là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Matxcơva, là "chiếc phao cứu sinh" cho kinh tế Nga giữa bối cảnh bị phương Tây gia tăng sức ép.
NHẬT ĐĂNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online