Chính sách xã hội dành cho những người nước ngoài từng tham gia quân đội Đức Quốc Xã trong Đệ Nhị Thế Chiến đang làm dấy lên một cuộc tranh luận tại nhiều nước châu Âu, nhất là ở Bỉ.

Chính quyền những nước có công dân được hưởng khoản phụ cấp yêu cầu Berlin ngưng chính sách này và cung cấp danh sách những người có liên quan. Một đòi hỏi khó thực hiện. Cuộc tranh cãi có nguy cơ kéo dài và chìm vào quên lãng.

42 1 Tro Cap Cua Hitler  Nuoc Duc Bi Chi Trich

130 000 người Pháp vùng Alsace và Moselle bị nhập ngũ Lực lượng vũ trang Waffen-SS. Photo by Apic/Getty Images

Tưởng thưởng lòng trung thành

Mọi việc bắt đầu từ Bỉ. Người dân nước này ngày 12/03/2019 ngỡ ngàng nhận được thông tin do nhật báo De Morgen, nói tiếng Flamand tiết lộ nhiều công dân Bỉ trong vòng 75 năm qua vẫn nhận được một khoản tiền trợ cấp cho sự « tận tụy, trung thành và tận tâm » mà lãnh đạo Đức Quốc Xã, Adolf Hitler hứa ban thưởng.

Theo giải thích của thông tín viên Joana Hostein, đài RFI thường trú tại Bruxelles, hiện tại Bỉ còn có khoảng 30 người vẫn tiếp tục được hưởng khoản phụ cấp trên từ Đức.

« Thông tư ban hành năm 1941 do Adolf Hitler ký và vẫn còn có hiệu lực cho đến tận ngày nay. Văn bản này dự kiến đồng ý trả một khoản phụ cấp cho những ai hợp tác với quân đội chế độ Đức Quốc Xã trong trường hợp bị thương tật tùy theo từng mức độ sau khi chiến tranh kết thúc. Khoản hỗ trợ này dao động tùy theo số năm trải qua trong các trại giam của Bỉ do việc hợp tác, những năm tháng được xem như là quãng thời gian làm việc cho nước Đức.

Tại Bỉ, trong số 80.000 người bị kết án vì hợp tác với Đức Quốc Xã, có 38.000 người được hưởng khoản phụ cấp chiến tranh này. Ngày nay, khoảng chừng 30 người là cựu binh sĩ SS, hay những người được quyền hưởng là có liên quan. »

Ngược dòng lịch sử, năm 1939, tổ chức vũ trang Schutzstaffel (viết tắt là SS – hay còn gọi là ʺđội cận vệʺ » của Đảng Quốc Xã bị chia thành hai đơn vị : Quân đội Đức Wehrmacht và Lực lượng vũ trang SS (Waffen-SS).

Nhưng khi chiến tranh nổ ra, Waffen-SS do thống chế SS Heinrich Himmler lãnh đạo, trên thực tế chiến đấu dưới sự chỉ huy của quân đội Đức Wehrmacht.

Trong suốt cuộc chiến, quân đội Đức hay Waffen-SS đã tuyển dụng nhiều cộng sự nước ngoài là công dân ở những nước Đức chiếm đóng. Năm 1941, chế độ Đức Quốc Xã ký một sắc lệnh thuận cấp quốc tịch Đức cho những công dân nước ngoài nào tình nguyện tham gia quân đội Wehrmacht hay Lực lượng vũ trang Waffen-SS.

Hơn nữa, nhiều người còn bị ép nhập ngũ trong các lực lượng vũ trang Đức tại những vùng bị Đệ Tam Đế Chế sáp nhập như vùng Alsace-Lorraine (Pháp), Luxembourg hay những tổng nói tiếng Đức tại Bỉ. Tại những vùng lãnh thổ được xem như là thuộc Đức này, lệnh gọi tòng quân cũng được áp dụng như tại Đức.

Sự tiếp nối

Chính sách trên của Hitler sau đó vẫn được chính quyền Berlin tiếp nối sau khi chiến tranh kết thúc. Một đạo luật ban hành năm 1951, hai năm sau khi Cộng hòa Liên bang Đức được thành lập, là để giải quyết vấn đề bồi thường và lương hưu cho những người là nạn nhân của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Để được hưởng chính sách này, người xin trợ cấp phải chứng minh được là đã bị thương ở mặt trận trong giai đoạn đó, từng bị bắt làm tù binh hay bị ép nhập ngũ. Hiện nay, có khoảng 66.000 người được hưởng chế độ phụ cấp từ Berlin, phần đông sống tại Đức. Trong số này có khoảng hơn 2.000 người nước ngoài hay là người Đức (chiếm khoảng ¼) đang sinh sống tại 50 nước khác nhau. Tại Pháp có khoảng hơn 50 người như giải thích của phóng viên Laurent Desbonnets kênh truyền hình France 2.

« Cụ thể hơn là tại Pháp có 54 người. Những người này nhận tiền trợ cấp hàng tháng từ chính phủ Đức dưới danh nghĩa có tham gia quân đội Đức Quốc Xã trong Đệ Nhị Thế Chiến. Tổng cộng trên thế giới có 2033 người thuộc diện này và có khi được nhận đến gần 1300 euro mỗi tháng.

Đây là những cộng tác viên mà nhiều người trong số này người ta vẫn chưa biết được vai trò đích thực của họ trong chiến tranh là gì nhưng ắt hẳn là quan trọng cho một giai đoạn mà ông Adolf Hitler hứa sẽ tưởng thưởng họ bằng một mức lương hưu suốt đời ».

Tranh luận về « đạo đức »

Thế nhưng, chính sách này của Đức đã làm dấy lên tranh cãi. Do chỉ dựa trên những tiêu chí pháp lý, các quy định trên không xem xét đến quá trình hoạt động của từng cá nhân của những người bị xem là tội phạm chiến tranh hay chống nhân loại.

Đây chính là những điểm gây bất bình cho các nghị sĩ Bỉ. Vài ngày sau tiết lộ của tờ nhật báo vùng Flamand, Nghị Viện Bỉ đã thông qua một văn bản yêu cầu chính phủ Đức phải hủy bỏ chính sách đó. Với các nghị sĩ Bỉ, chế độ xã hội này là « vô đạo đức ».

Họ đề nghị chính phủ Đức phải mở hồ sơ và cung cấp danh tính những người thụ hưởng, theo như giải thích của nghị sĩ Olivier Maingain, chủ tịch đảng « Thách thức » với phóng viên kênh truyền hình France 2.

« Điều luôn luôn hữu ích là không nên giấu diếm sự thật lịch sử và cho phép tiến hành tìm kiếm sự thật đó, đồng thời cũng nhắc nhở với những người, nhất là đối với những ai luôn viện dẫn rằng họ đã cao tuổi, rằng không thể tha thứ cho sự ghê rợn, đê tiện, cho dù họ đã cao tuổi. Và đến một lúc nào đó, chúng ta phải có quyết tâm để nói rằng cần phải chấm dứt cái chế độ đó, nhất là khi chế độ này lại không có cơ sở pháp lý. »

Một đề nghị mà từ nhiều năm qua chính quyền Berlin luôn từ chối đáp ứng. Năm 2017, ông Rudiger Ludeking, đại sứ Đức tại Bruxelles trước Nghị Viện Bỉ khẳng định rằng Đức luôn giám sát chặt chẽ khía cạnh « đạo đức » trong hồ sơ này. « Chúng tôi đã xem xét kỹ tất cả các trường hợp người Bỉ nhằm tránh việc có những người thụ hưởng từng phạm tội ác chiến tranh ».

Ông Pieter Paul Baeten, cố chủ tịch hội Ký Ức, tập hợp những người còn sống sót từ Holocaust - các vụ thảm sát người Do Thái trong Đệ Nhị Thế Chiến, năm 2018 từng lên án chính sách kế thừa này của Berlin từ Đức Quốc Xã.

« Đối với chúng tôi, những người bị giam ở các trại tập trung, đây không chỉ là một vấn đề trả phụ cấp. Đây là một vấn đề liên quan đến những người đến tham chiến cùng với Wafffen-SS (Đức Quốc Xã), họ phải bị trừng phạt. »

Theo lời thuật của thông tín viên Pascal Thibaut tại Berlin, trong những năm 1950, các khoản trợ cấp được trả cho vợ góa của nhiều sĩ quan Đức Quốc Xã như Heinrich Himmler đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi.

Cách nay 25 năm, một bộ phim tài liệu về 128 người Latvia, thành viên của Waffen-SS và có tham gia vào các hành quyết tập thể người Do Thái tại nước họ, đã làm dấy lên một cuộc thảo luận chính trị gay gắt. Trường hợp Heinz Barth, người có tham gia vào cuộc thảm sát Oradour-sur-Glane ở Pháp và cũng được hưởng lương hưu trở thành câu chuyện bàn tán sôi nổi.

Năm 1998, nước Đức cho sửa đổi điều luật, quy định những ai vì những hành động của họ, bị quy kết là tội phạm chiến tranh hay chống nhân loại không được hưởng các chính sách trợ cấp như thế nữa. Theo bộ Xã hội Đức, gần 100 người đã bị tước quyền. Một con số mang tính biểu tượng, theo như chỉ trích của những người sống sót từ các vụ thảm sát Holocaust !

Nguồn: Minh Anh/ RFI




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC