Theo trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 5/3, Wall Street Journal đưa tin, Nhóm điều tra Nguồn gốc SARS-CoV-2 của WHO đã có kế hoạch hủy bản báo cáo tóm tắt về cuộc điều tra ở Vũ Hán, Trung Quốc, chủ yếu là do hai nước Trung Quốc và Mỹ có những bất đồng lớn về vấn đề này; đồng thời một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra mới.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom ngày 12/2 từng cho biết Nhóm điều tra sẽ công bố một báo cáo tóm tắt trong vài tuần nữa, tóm tắt ngắn gọn tình hình của phái đoàn ở Vũ Hán và sau đó sẽ công bố một báo cáo đầy đủ.
Tuy nhiên, bây giờ không những không có bản báo cáo tóm tắt mà còn có thông tin cho rằng WHO đã hủy bỏ kế hoạch phát hành báo cáo đầy đủ. Tờ Wall Street Journal đưa tin ông Peter Ben Embarek, một nhà khoa học về an toàn thực phẩm, người dẫn đầu Nhóm nghiên cứu, đã “đổi giọng”, nói rằng WHO có kế hoạch công bố một bản tóm tắt cùng lúc với bản báo cáo hoàn chỉnh cuối cùng.
Ông nhấn mạnh rằng bản báo cáo tóm tắt không bao gồm tất cả các chi tiết: “Vì tất cả mọi người đều rất quan tâm đến báo cáo này, nên chỉ riêng phần tóm tắt sẽ không thể thỏa mãn sự tò mò của độc giả”.
Người phát ngôn của WHO, Tarik Jasarevic cũng nói rằng báo cáo cuối cùng “sẽ được công bố trong vài tuần tới và sẽ bao gồm những phát hiện chính của cuộc điều tra”.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom từng cam kết sẽ sớm đưa ra báo cáo tóm tắt trước khi có báo cáo đầy đủ về kết quả điều tra ở Vũ Hán (Ảnh: Reuters).
Các nhà khoa học đặt câu hỏi về tính minh bạch trong điều tra
Theo Wall Street Journal, một nhóm gồm 26 nhà khoa học các nước hôm 4/3 đã cùng nhau ký tên vào một bức thư ngỏ kêu gọi WHO tiến hành một cuộc điều tra quốc tế mới.
Họ nói rằng nhóm của WHO đã hoàn thành nhiệm vụ vào tháng trước không có đủ quyền hạn ở Vũ Hán để điều tra đầy đủ các nguồn có thể có của loại coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2), trong đó có việc liệu có khả năng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay không.
Theo bản thảo sơ bộ của bức thư ngỏ, nhóm này bao gồm 26 nhà khoa học đến từ Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Australia và các quốc gia khác.
Chuyên ngành của họ là các lĩnh vực virus học, động vật học và vi sinh vật học. Họ chỉ ra rằng đội ngũ của WHO đã “hoàn toàn không thể” tiến hành một cuộc điều tra toàn diện; loại bỏ quá sớm khả năng rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm, bất kỳ báo cáo nào cũng có thể liên quan đến thỏa hiệp chính trị, vì báo cáo cuối cùng cần phải được phía Trung Quốc phê chuẩn.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, các cuộc điều tra đáng tin cậy đòi hỏi công khai nội dung các cuộc phỏng vấn, được phép phỏng vấn bí mật, được truy cập đầy đủ vào hồ sơ bệnh án các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đã được xác nhận và nghi ngờ ở Trung Quốc vào cuối năm 2019. Các nhà điều tra cũng phải được phép xem tất cả các hồ sơ phòng thí nghiệm về công tác nghiên cứu coronavirus chủng mới, bao gồm các ghi chép về bảo trì, nhân sự, chăn nuôi và thực nghiệm.
Trưởng đoàn điều tra phía Trung Quốc bắt tay chuyên gia virus người Hà Lan trước cuộc họp báo về kết quả điều tra hôm 10/2 (Ảnh: Reuters). |
Họ nói: "Chúng tôi không thể chấp nhận bất kỳ cuộc điều tra không đầy đủ và đáng tin cậy nào về nguồn gốc của đại dịch này" và cho rằng cuộc điều tra ở Trung Quốc vừa qua chính xác là như vậy.
Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả bức thư ngỏ này là “sự suy đoán về tội lỗi của Trung Quốc, thiếu uy tín khoa học” và cho rằng kết luận của phái đoàn Vũ Hán về nguồn gốc virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "rất khó xảy ra", không đáng để nghiên cứu thêm.
Cách đây vài ngày, nước Mỹ, quốc gia đã quay trở lại WHO, cũng đã vận động hành lang khắp nơi rằng cuộc điều tra này là không đủ minh bạch, cần xem xét cẩn thận kết quả của báo cáo và thúc giục Trung Quốc công bố tất cả các dữ liệu liên quan, bao gồm cả dữ liệu của trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên đã được xác nhận vào tháng 12/2019 và các trường hợp lây nhiễm có khả năng sớm hơn.
Ông Dominic Dwyer, một trong những nhân viên điều tra của nhóm, vào tháng trước cho biết rằng việc Trung Quốc từ chối cung cấp các dữ liệu gốc về các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 giai đoạn đầu có thể khiến cuộc điều tra gặp khó khăn.
Trung Quốc đòi WHO cũng tiến hành điều tra ở Mỹ và các nước khác
Trước việc 26 nhà khoa học quốc tế đòi tiến hành điều tra lại về nguồn gốc SARS-CoV-2 ở Vũ Hán, chiều 5/3 Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng “danh sách của đoàn chuyên gia hoàn toàn do WHO đề xuất, Trung Quốc và WHO đã thực hiện một cuộc nghiên cứu truy xuất nguồn gốc chung, đây không phải là một cuộc điều tra”.
Tại cuộc họp báo chiều 5/3, ông Uông Văn Bân yêu cầu WHO cũng điều tra về nguồn gốc SARS-CoV-2 ở Mỹ và các nước khác (Ảnh: Creaders). |
Tại họp báo thường kỳ vào chiều 5/3, khi trả lời câu hỏi của báo chí nước ngoài, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trước tiên đã “đính chính” với phóng viên, nhấn mạnh: “Trung Quốc và WHO tiến hành nghiên cứu truy xuất nguồn gốc chung chứ không phải là điều tra. Cuộc nghiên cứu chung này là một phần của cuộc nghiên cứu truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 trên toàn cầu”.
Ông Uông Văn Bân đặt câu hỏi liệu “bức thư ngỏ của các nhà khoa học” có tuân theo thái độ khoa học và chuyên nghiệp để đưa ra lời khuyên và đề xuất cho việc nghiên cứu truy xuất nguồn gốc virus hay không, hay đó là một "suy luận về tội lỗi” và chính trị hóa, “họ ắt biết rõ điều này”.
Uông Văn Bân cho biết, danh sách các nhóm chuyên gia quốc tế của WHO hoàn toàn do WHO đề xuất và đến từ hơn 10 quốc gia và các tổ chức quốc tế như WHO, Tổ chức Thú y Thế giới, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc; vừa độc lập về mặt khoa học vừa có tính đại diện rộng rãi.
Ông nói, “chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ rất nhiều về mặt hành chính, kỹ thuật, hậu cần và ủng hộ việc truy xuất nguồn gốc chung này.
Để hỗ trợ, Trung Quốc đã tổ chức các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực liên quan tại Trung Quốc tham gia công tác truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của WHO và nhóm chuyên gia quốc tế, đồng thời huy động một số lượng lớn nhân viên kỹ thuật để hỗ trợ cần thiết cho nhóm chuyên gia chung, để thu thập dữ liệu và thông tin. Nhóm chuyên gia được đến địa điểm họ đề xuất, đối tượng phỏng vấn và nội dung phỏng vấn do nhóm chuyên gia xác định tại hiện trường, báo cáo do nhóm chuyên gia soạn thảo”.
Ông Uông Văn Bân cũng cho biết, hợp tác truy xuất nguồn gốc này là một nhiệm vụ khoa học do nhóm chuyên gia chung Trung Quốc - nước ngoài thực hiện trên cơ sở nghiên cứu khoa học và thực tế. Các chuyên gia của hai bên đã trao đổi đầy đủ, thẳng thắn và kết luận của họ thể hiện sự đồng thuận của các chuyên gia hai bên và chúng đều khách quan, khoa học và có thẩm quyền.
Ông nói: “Một số người bất chấp sự thật khoa học, chính trị hóa vấn đề truy xuất nguồn gốc, tự ý hiểu sai các kết luận khoa học của nhóm chuyên gia và chủ trương tiến hành điều tra các quốc gia cụ thể theo kiểu “định tội”. Hành vi này không có lợi cho hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại bệnh dịch”.
Cuối cùng, Uông Văn Bân nhắc lại rằng ngày càng có nhiều thông tin về dịch bệnh và SARS-CoV-2 xuất hiện ở nhiều nơi trong nửa cuối năm 2019; các cuộc khảo sát tương tự đối với các quốc gia và khu vực khác ngày càng trở nên cấp bách và cần thiết.
Nhiều nhà khoa học vẫn nghi ngờ SARS-CoV-2 rò rỉ từ Viện nghiên cứu virus Vũ Hán (Ảnh: AP). |
Trung Quốc khẳng định ngoài việc hợp tác đầy đủ với WHO, họ chủ trương một nhóm chuyên gia của WHO cũng cần tới Mỹ và các nước khác để điều tra xem liệu SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ bên ngoài Trung Quốc và lây lan đến Vũ Hán qua bao bì thực phẩm đông lạnh hay không. “Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các bên liên quan cũng có thái độ hợp tác và khoa học như Trung Quốc, hợp tác với WHO truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 3/3 cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình công cộng PBS: “Bất kể khi bắt đầu cuộc khủng hoảng dịch bệnh hay những nỗ lực hiện tại của các nhà điều tra để tìm ra gốc gác vấn đề, Trung Quốc đều không có được sự công khai, minh bạch một cách đầy đủ và hiệu quả”.
Nguồn: VnExpress