Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21/4 nói rằng họ vừa “giao thiệp nghiêm khắc” để đáp trả điều mà họ gọi là “Việt Nam tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp ở biển Hoa Nam [tức Biển Đông]”, theo hãng tin Reuters.
Phát ngôn viên Trung Quốc, Cảnh Sảng, đưa ra tuyên bố mang tính đe dọa về cái gọi là "chủ quyền trên biển Đông".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nhấn mạnh rằng bất kỳ nỗ lực nào phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc chắc chắn đều sẽ bị thất bại.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra qua lời phát biểu của Người phát ngôn Cảnh Sảng tại cuộc họp báo hàng ngày hôm thứ Ba 21/4. Nội dung bằng tiếng Anh có tại trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trong những ngày gần đây, Việt Nam đã phản đối những nỗ lực bành trướng của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp, bao gồm cả việc gửi tuyên bố chủ quyền đến Liên Hiệp Quốc.
Trong cuộc họp báo hôm nay (21/4), phát ngôn viên Cảnh Sảng nói rằng Trung Quốc sẽ "thực thi mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ chủ quyền và quyền lợi tại Biển Đông."
Hôm 17/4, trong một tài liệu đệ trình lên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã cáo buộc Việt Nam "đưa quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp các đảo, đá thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc hòng tạo ra tranh chấp".
Văn bản đó còn nhấn mạnh Trung Quốc đã liên tục "phản đối sự xâm lược và chiếm đóng trái phép của Việt Nam", và "yêu cầu Việt Nam rút tất cả người và phương tiện, thiết bị ra khỏi các đảo, đá đã xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp".
Đặt tên cho 80 đảo và thực thể trên Biển Đông
Ngày 19/4, tờThời báo Hoàn cầuđưa tin về các "danh xưng tiêu chuẩn" mà Bộ Dân chính và Bộ Tài nguyên Trung Quốc công bố, áp dụng cho "25 đảo, rạn san hô và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông".
Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc còn công bố thêm kinh độ, vĩ độ của 80 vị trí này.
Đặc biệt, trong những thực thể này, có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.
Lập 2 quận quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Trong khi đó, Bộ Nội vụ Trung Quốc hôm 18/4 ra thông báo Quốc vụ viện đãphê chuẩn thành lậpcái gọi là "quận Tây Sa" có trụ sở đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trụ sở của cái gọi là "quận Nam Sa" đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chính quyền Trung Quốc nói rằng "quận Tây Sa" sẽ quản lý quần đảo Hoàng Sa, Bãi Macclesfield và vùng biển xung quanh, trong khi "quận Nam Sa" quản lý quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh.
Ngày 19/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam đãyêu cầu Trung Quốchủy bỏ quyết định sai trái thành lập chính quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa.
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai," Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.