Ảnh minh họ
Trung Quốc đang phải đối mặt với một vấn đề còn quan trọng hơn cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, Giám đốc Viện Nghiên cứu Gia đình ở Mỹ Wendy Wang nhận định trong một bài viết đăng tải trên tờ South China Morning Post ngày 3/10.
Theo đó, kể từ giữa những năm 1990, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã ở mức thấp trên thế giới, trung bình chỉ 1,6 ca sinh/1 phụ nữ và ước tính dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ giảm hơn 100 triệu người trong giai đoạn từ năm 2015-2040.
Tỉ lệ sinh giảm mạnh tại Trung Quốc đang trở thành rào cản lớn cho "Giấc mộng Trung hoa" mà Chủ tịch Tập Cận Bình từng đề cập với tham vọng thúc đẩy cơ hội phát triển kinh tế cho người dân bình thường vào giữa thế kỷ này. Điều này là bởi, việc thiếu hụt lao động thường được coi là nguyên nhân dẫn đến sụt giảm tăng trưởng và sự năng động trong kinh tế.
Khuyến khích sinh con ngoài giá thú có phải là giải pháp?
Để tăng tỷ lệ sinh, một số nhóm dân sự, học giả và nhà lập pháp ở Trung Quốc đang kêu gọi một cách tiếp cận cởi mở hơn đối với các ca sinh con ngoài giá thú. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đi ngược lại chuẩn mực lâu đời của Trung Quốc, chống lại việc phụ nữ sinh con mà không kết hôn.
Tuy nhiên, cách làm được cho là khả thi hơn đó là thay vì khuyến khích phụ nữ sinh con ngoài giá thú, Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa để khiến cho người dân cảm thấy cuộc sống hôn nhân và gia đình hấp dẫn.
Khi nói đến việc "làm mới" cuộc sống gia đình cho tương lai, tốt hơn hết là Trung Quốc nên tôn vinh di sản Nho giáo, bảo vệ giá trị cốt lõi truyền thống của gia đình: gắn kết và ổn định.
Có nhiều lý do tốt cho việc này. Đầu tiên, phải mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để nuôi dạy con cái trong xã hội ngày nay, đương nhiên việc nuôi dạy con tốt khi chỉ có 1 phụ huynh sẽ khó khăn hơn nhiều.
Nghiên cứu do nhà kinh tế học Raj Chetty của Đại học Harvard tiến hành cho thấy, ở Mỹ, ngoài các yếu tố như phân biệt chủng tộc thì trẻ sinh ra và lớn lên trong các gia đình có cha, mẹ đơn thân thường có tỷ lệ vươn lên về mặt kinh tế thấp trong khi tỷ lệ phạm tội lại cao hơn.
Thứ hai, ngay cả ở Mỹ - đất nước có tư tưởng cởi mở về hôn nhân thì tỷ lệ phụ nữ đã kết hôn luôn có nhiều con hơn so với những phụ nữ chưa lập gia đình.
Cụ thể, trung bình ở Mỹ, phụ nữ có chồng mong muốn sẽ có nhiều hơn 2 con còn phụ nữ chưa từng kết hôn chỉ dự định có 1 con. Do đó, nếu tăng tỷ lệ sinh là mục tiêu của các chính sách thì có vẻ như thúc đẩy hôn nhân là một chiến lược tốt hơn so với việc thúc đẩy sinh con ở những phụ nữ độc thân.
Cuối cùng, việc có con ngoài giá thú nhiều khả năng sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực về kinh tế cho những người trẻ. Điều này là bởi, nó sẽ làm gia tăng những trường hợp nam, nữ thanh niên tìm kiếm quan hệ ngoài vợ chồng, có con riêng và sau đó quyết định sống một mình để nuôi con. Sự bất ổn trong gia đình - từ chi phí chuyển nhà đến việc nuôi con một mình mà không có sự hỗ trợ của đối tác - là rất tốn kém.
Khi nhìn vào thực tế ở nước Mỹ, nghiên cứu của Wendy Wang và nhà xã hội học W. Bradford Wilcox cho thấy, kết hôn trước khi có con giúp giảm tỷ lệ nghèo của người lớn tới 60% và tăng gấp đôi cơ hội để các gia đình tiến lên tầng lớn trung lưu hoặc thậm chí cao hơn.
Người Mỹ gốc Á cũng chính là những người có trình độ học vấn cao nhất và thu nhập cao nhất. Điều này phần lớn được cho là bắt nguồn từ các giá trị mà người Mỹ gốc Á theo đuổi về hôn nhân, gia đình và công việc. Truyền thống này rất đáng để lưu giữ.
Hình ảnh một gia đình ở Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã.
Trung Quốc phải làm gì?
Vì vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào Trung Quốc có thể tăng tỷ lệ sinh trong khi vẫn giữ được những yếu tố tốt nhất trong văn hóa hôn nhân và gia đình lấy cảm hứng từ Nho giáo?
Đầu tiên, để giúp những cặp cha mẹ mới sinh con chăm sóc con cái được thuận lợi hơn, Trung Quốc nên mở rộng thời gian nghỉ phép có lương của cha mẹ và trợ cấp cho trẻ em. Cha mẹ có thể sử dụng khoản trợ cấp này để chi trả cho việc thuê người chăm sóc con cái, phân công một phụ huynh ở nhà chăm sóc con cái hoặc nhờ ông bà nội, ngoại giúp đỡ.
Thứ hai, Trung Quốc nên cải cách chính sách nhà ở để các cặp vợ chồng có thể có các lựa chọn nhà ở đô thị rẻ hơn.
Thanh niên Trung Quốc thường có kế hoạch mua nhà trước khi kết hôn và điều này khó đạt được hơn ở các thành phố lớn hiện nay. Chi phí nhà ở tăng đang đẩy tỷ lệ kết hôn xuống thấp, từ đó cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh. Thứ ba, Trung Quốc nên bắt đầu một chiến dịch toàn xã hội để giảm chi phí nuôi con.
Ngay cả khi nước này kết thúc chính sách một con, hơn một nửa số cặp vợ chồng ở Trung Quốc không muốn sinh con thứ hai, chủ yếu là vì họ không thể chi trả các chi phí. Một vấn đề lớn ở đây là chi phí giáo dục đã tăng vọt. Chính phủ Trung Quốc cần phải có các biện pháp để kiềm chế những chi phí này cho phụ huynh.
Cuối cùng, Trung Quốc nên khuyến khích những ông bố đầu tư nhiều hơn vào việc nuôi dạy con cái. Một trong những lý do khiến phụ nữ không muốn có nhiều hơn 1 đứa con là họ cảm thấy dường như đàn ông không thực sự tham gia vào việc giáo dục con cái, xây dựng gia đình.
Khi phụ nữ Trung Quốc ngày càng có nhiều bước tiến trong công việc và địa vị xã hội, họ mong đợi những người chồng, người cha có trách nhiệm hơn với việc gia đình. Nếu không có các biện pháp như vậy, tương lai của các gia đình Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng và tỷ lệ sinh cũng vì thế mà tiếp tục theo xu hướng giảm. Tỷ lệ sinh giảm sẽ làm xáo trộn kế hoạch của ông Tập để hồi sinh "Giấc mộng Trung Hoa".
Chỉ có khẳng định tầm quan trọng của hôn nhân đồng thời thúc đẩy các chính sách và chuẩn mực mới để hỗ trợ các gia đình thì Trung Quốc mới có thể đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng dân số và duy trì sự thịnh vượng lâu dài./.
Hùng Cường
Nguồn: vov.vn