Quyết định đánh thuế mới đây của Tổng thống Trump khiến Trung Quốc bất ngờ và đang tìm cách cứu vãn thể diện, theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế.

Tổng thống Donald Trump cảnh báo về việc tiếp tục áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh tìm cách gây ảnh hưởng đến bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, theo Epoch Times.

Tổng thống Trump gửi 2 tin nhắn trên mạng Twitter hôm 18/9, khiển trách Trung Quốc khi 2 bên tuyên bố sẽ áp thuế mới lên hàng hóa của nhau.

“Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng họ đang tích cực tìm cách tác động và thay đổi cuộc bầu cử của chúng ta, bằng cách tấn công vào những người nông dân, những chủ trại gia súc và công nhân công nghiệp của chúng ta, chỉ vì lòng trung thành của họ đối với tôi”, ông Trump viết.

“Điều mà Trung Quốc không hiểu, rằng những người này là những người yêu nước tuyệt vời, họ hoàn toàn hiểu rằng Trung Quốc đã lợi dụng Mỹ về thương mại trong nhiều năm. Họ cũng biết rằng tôi là người biết cách ngăn chặn nó. Sẽ có sự trả đũa kinh tế to lớn và nhanh chóng đối với Trung Quốc nếu như nông dân, chủ trang trại gia súc và/hoặc công nhân công nghiệp của chúng ta bị nhắm tới”, ông Trump nhấn mạnh.

42 1 Trung Quoc Tim Cach Cuu Van The Dien Sau Lenh Ap Thue Cua Ong Trump

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang khi Tổng thống Trump công bố hôm 17/9 rằng chính quyền Mỹ sẽ tiến hành áp đặt thêm thuế quan lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Các mức thuế được thiết lập sẽ bắt đầu vào ngày 24/9, với thuế xuất 10%, trước khi tăng lên 25% vào ngày 1/1 năm tới.

Vòng thuế quan thứ hai được tiếp tục sau khi áp thuế xuất 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mà Washington công bố vào tháng 6/2018.

Tổng thống Trump cũng cảnh báo nếu Trung Quốc trả đũa, chống lại nông dân Mỹ và các ngành công nghiệp khác, ông ấy sẽ áp đặt thuế quan lên 267 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc.

Đáp lại, Bắc Kinh tuyên bố hôm 18/9 rằng họ có kế hoạch trả đũa thuế quan đối với các sản phẩm của Mỹ, trị giá 60 tỷ USD.

“Cứu vãn thể diện”

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin hôm 18/9 rằng các mức thuế mới của ông Trump đã gây bất ngờ cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những người đang lên kế hoạch cử một phái đoàn, do Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) dẫn đầu, tới Washington vào tuần tới, để tiến hành một cuộc đàm phán mới. Kết quả là, Trung Quốc có thể từ chối lời mời của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, và sẽ không cử một phái đoàn nào.

Theo ông Hạ Nghiệp Lương (Xia Yeliang), một học giả tự do và là cựu giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tìm cách “cứu vãn thể diện” bởi vì họ hết sức ngạc nhiên trước thông báo của ông Trump.

Ông Hạ cho rằng những bình luận của ông Trump về sự can thiệp bầu cử của Trung Quốc, là chính xác bởi vì “chính quyền Trung Quốc tìm cách khiến ông Trump gặp khó khăn, với việc trả đũa nhắm vào người nông dân Mỹ”.

Theo ông Hạ, Trung Quốc không hề có phương án B, ngoài việc kéo dài các cuộc đàm phán.

“Họ không có nhiều sự lựa chọn. Họ có kỳ vọng cao rằng ông Trump sẽ thất bại trong cuộc bầu cử. Họ hy vọng sẽ thay đổi tổng thống Mỹ”, ông Hạ lập luận.

Tuy nhiên, ông Hạ tin rằng chiến lược của Trung Quốc sẽ không mang lại hiệu quả.

Các mức thuế của Mỹ được đưa ra vào một thời điểm khó khăn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế trong nước đang chậm lại, chiến tranh thương mại đang diễn ra dự kiến sẽ gây áp lực lớn hơn đối với tăng trưởng. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc đang tăng lên. Điều này có thể sớm dẫn đến các cuộc biểu tình lao động và cựu chiến binh trên toàn quốc, ông Hạ nhận xét.

Trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại Văn phòng Bầu dục vào ngày 18/9, Tổng thống Trump cho rằng Mỹ có thể đạt được thỏa thuận tại một số điểm.

“Chúng ta đang có được nhiều tiến triển với Trung Quốc. Trung Quốc muốn đến và đàm phán. Chúng ta luôn sẵn sàng đàm phán. Nhưng chúng ta phải làm gì đó. Chúng ta có sự mất cân bằng thương mại to lớn với Trung Quốc”, ông Trump thông báo.

42 2 Trung Quoc Tim Cach Cuu Van The Dien Sau Lenh Ap Thue Cua Ong TrumpTổng thống Mỹ Donald Trump.

Quan điểm cứng rắn với Trung Quốc

Trong nhiều tháng, Trung Quốc đã từ chối yêu cầu của Mỹ về việc thay đổi hoạt động thương mại không công bằng của mình.

Chính quyền của Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc đánh cắp các công nghệ chủ chốt và sở hữu trí tuệ (IP) từ các công ty Mỹ, sử dụng các thủ đoạn bao gồm đánh cắp trên mạng và trực tiếp, bắt ép chuyển giao công nghệ, lẩn tránh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, và đầu tư vào các công ty công nghệ cao .

“Mỹ đã có 10 nghìn tỷ USD thâm hụt thương mại trong 20 năm qua. Điều đó có tác động rất lớn đến việc tạo ra việc làm ở đất nước này”, ông Patrick Mulloy, cựu thứ trưởng Bộ thương mại Mỹ, phụ trách Thương mại Quốc tế, nói với Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD), thuộc Tập đoàn Truyền thông Epoch.

Theo ông Mulloy, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nên phụ trách các cuộc đàm phán này, thay vì Bộ trưởng Tài chính Mnuchin. Ông Mullay cho rằng người Trung Quốc cũng bắt đầu nhận ra điều đó.

42 3 Trung Quoc Tim Cach Cuu Van The Dien Sau Lenh Ap Thue Cua Ong Trump

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. (Ảnh: Getty)

“Bạn cần một nỗ lực đa phương để đàm phán với người Trung Quốc về một số điều họ đang làm. Và tôi nghĩ đó là những gì mà ông Lighthizer có trong suy nghĩ. Nhưng ông Lighthizer cần phải đạt được thỏa thuận NAFTA trước khi ông ấy có thể chuyển sự chú ý với toàn bộ thời gian của mình, cho vấn đề đó”, ông Mulloy nhận xét.

Ngoài ra, ông Mulloy tin rằng có một sự ủng hộ mạnh mẽ của cả 2 đảng đối với thuế quan mà ông Trump áp đặt lên Trung Quốc.

“Đây không chỉ là vấn đề của ông Trump”, ông Mulloy nhận xét, và lưu ý rằng các nghị sỹ Dân chủ chủ chốt như Thượng nghị sỹ lãnh đạo phe thiểu số Chuck Schumer (tiểu bang New York) và Thượng nghị sỹ Sherrod Brown (tiểu bang Ohio) “rất ủng hộ quan điểm cứng rắng hơn với Trung Quốc”.

Ông Mulloy cho rằng ngay cả khi đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Nghị viện vào tháng 11 tới, thì các nhà lập pháp sẽ tiếp tục ủng hộ sự cần thiết phải giải quyết xung đột thương mại với Trung Quốc.

“Tôi nghĩ rằng cả hai đảng hiện đều quan tâm sâu sắc đến vấn đề này”, ông Mulloy nhận định.

 

Nguồn: Phạm Duy

ZING/ Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC