Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thống nhất được về việc nối lại đàm phán sau cuộc gặp giữa ông Trump và Tập Cận Bình bên lề G20.
Tin xấu lịch sử với Trung Quốc
Cục Thống kê Trung Quốc vừa công bố dữ liệu GDP quý 2/2019 với những con số khá thất vọng nhưng trùng khớp với dự báo của nhiều chuyên gia phương Tây. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ còn 6,2% so với mức 6,4% trong quý 1.
Đây là mức tăng trưởng kinh tế thấp lịch sử của Trung Quốc kể từ đầu năm 1992 - thời điểm lần đầu tiên dữ liệu kinh tế hàng quý được ghi nhận. Kết quả này được cho là do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong khoảng 1 năm qua.
Tính chung trong 6 tháng, GDP Trung Quốc đạt gần 6,6 ngàn tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 50 điểm phần trăm so với nửa đầu năm 2018. Tăng trưởng khu vực sản xuất công nghiệp cũng chỉ đạt 6%. Đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Mặc dù thấp nhưng GDP vẫn nằm trong dự tính của Bắc Kinh, với tăng trưởng cả năm 2019 đạt từ 6-6,5%, thấp hơn mức tăng trưởng 6,6% trong năm 2018.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể còn giảm tốc trong các năm tiếp theo bởi nền kinh tế số 2 thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng những lợi thế sẵn có trước đây như chi phí nhân công thấp và thị trường lớn... không còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng cao. Trong khi đó, động lực tăng trưởng mới như công nghệ đang bị đe dọa bởi chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cơ quan thống kê Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo về "những sức ép mới đè nặng" và những bất trắc càng lớn từ bên ngoài trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa nước này với Hoa Kỳ vẫn chưa dừng lại. Sự hoài nghi về khả năng 2 nước đạt được một thỏa thuận thương mại là rất lớn.
Trong khi phải đối mặt với nhiều áp lực mới, Bắc Kinh vẫn phải cố gắng đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở mức ổn định để tránh những hệ lụy về xã hội.
Làn sóng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tháo chạy khỏi Trung Quốc trong thời gian gần đây cùng với nguy cơ sụp đổ của hàng loạt các nhà máy Trung Quốc khi mà các nhà bán lẻ trên thế giới đang đẩy nhanh quá trình chuyển sản xuất ra khỏi nước này... có thể khiến số lượng việc làm tại Trung Quốc giảm mạnh.
Theo tờ USA Today, có tới 41% công ty Mỹ đang xem xét chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc hoặc đã làm như vậy. Các công ty này có thể lựa chọn những địa điểm thay thế như Đông Nam Á và Mexico.
USA Today trích dẫn một số ví dụ cho thấy, nhà sản xuất giày và quần áo chạy bộ nổi tiếng của Mỹ là Brooks Running sẽ chuyển 8.000 việc làm từ Trung Quốc sang Việt Nam vào cuối năm nay. Còn đại gia bán lẻ quần áo và phụ kiện GAP đã bắt đầu xây dựng các nhà máy mới ở Indonesia, Việt Nam và Bangladesh.
Trong 6 tháng đầu năm, nhà sản xuất nội thất Lovesac giảm 15% các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc và đang đẩy nhanh việc chuyển sản xuất sang Việt Nam đồng thời sẽ dừng sản xuất tại Trung Quốc vào trước cuối năm 2020.
Mỹ tính thúc đẩy công nghệ 5G.
Donald Trump tính thêm áp lực
Theo nhiều chuyên gia, việc các doanh nghiệp FDI đồng loạt rút khỏi Trung Quốc là dễ hiểu sau lệnh nâng thuế từ 10% lên tới 25% của Mỹ hồi tháng 5 vừa qua. Mức thuế cao cũng có thể áp lên thêm nhiều loại mặt hàng Trung Quốc khác khi mà các đại diện Mỹ và Trung gần đây không đưa ra một cam kết nào về việc nối lại đàm phán thương mại cho dù cả ông Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có thống nhất tại Nhật hồi cuối tháng 6.
Một điều cũng được nhiều người đề cập tới là khả năng một khi các doanh nghiệp chuyển đi, rút khỏi Trung Quốc thì sẽ không trở lại hoặc nếu có thì cũng sẽ rất rất lâu sau đó.
Có một thực tế rằng, lợi thế về lao động giá rẻ của Trung Quốc đã không còn. Theo USA Today, khoảng cách lương giữa các nhà máy Mỹ và Trung Quốc đã thu hẹp trong những năm gần đây.
Theo Trading Economics, lương trung bình tháng ngành sản xuất tại các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc đạt gần 900 USD. Trong khi đó lao động tại các nước ĐNA và Mexico rẻ hơn với trung bình lương tháng khoảng 237 USD ở Việt Nam, 188 USD ở Indonesia, 425 USD ở Thái Lan và 400 USD ở Mexico.
Trong tương lai, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ còn phải chứng kiến nhiều trường hợp nhà máy đóng cửa khi mà nhà bán lẻ hàng đầu thế giới, điển hình như Walmart... đang thôi thúc các doanh nghiệp chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Áp lực lớn nhất có lẽ đến từ ông Donald Trump. Vị tổng thống Mỹ này cho biết người Mỹ tạo ra một nền kinh tế nếu là số 2 thì không ai số 1. Cú tấn công vào các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc khiến Bắc Kinh gần đây đã phải tính toán lại một chiến lược đầy tham vọng "Made in China 2025", với mục tiêu thống trị thế giới về công nghệ.
Các nước lo ngại các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc.
Mặc dù Chính phủ Mỹ có thể cấp phép cho các công ty Mỹ nối lại việc cung cấp linh kiện và công nghệ cho Huawei của Trung Quốc (nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới) nhưng Bộ Thương mại Mỹ vẫn chưa đưa Huawei ra khỏi "danh sách đen".
Hơn thế, cũng chưa rõ Chính phủ Mỹ sẽ cấp phép cho việc bán những công nghệ và linh kiện nào cho Huawei bởi các tuyên bố đưa ra vẫn còn rất chung chung.
Trong một động thái mới nhất, chính quyền ông Trump cũng đã khẩn cấp vạch kế hoạch để vượt mặt Trung Quốc về công nghệ viễn thông 5G với việc chuyển sang sử dụng "đòn bẩy" là nguồn vốn tư nhân để thúc đẩy lĩnh vực này.
Trước đó, theo một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, nhiều công ty Mỹ cho biết họ đã bị Trung Quốc dụ dỗ với lời hứa được quyền tiếp cận thị trường khổng lồ 1,4 tỷ người tiêu dùng với điều kiện chỉ cần chuyển giao công nghệ. Đây cũng là lý do khiến Mỹ bị cạnh tranh gay gắt trong chính lĩnh vực này và mất ưu thế vị trí số 1.
Nguồn: V. Hà/ Vietnament.vn