Najat Vallaud-Belkacem sinh năm 1977 trong một gia đình Hồi giáo nghèo ở phía bắc Morocco, và là con thứ hai trong gia đình có bảy anh chị em. Lên 5 tuổi, cô cùng gia đình dọn đến vùng ngoại ô Amiens ở Pháp để sống cùng bố đang là công nhân xây dựng lúc bấy giờ. Ảnh: AFP.
Chuyển đến ngôi nhà mới, đất nước mới, gia đình cô vừa phải học cách thích nghi, vừa phải làm việc, chắt chiu từng đồng để có cuộc sống ổn định. Mặc dù cuộc sống khó khăn, đức tính siêng năng, tháo vác của bố đã thấm nhuần vào tư tưởng Vallaud-Belkacem, khiến cô càng nỗ lực hơn trong mọi việc.
Thời điểm đó, Vallaud-Belkacem không biết nói một từ tiếng Pháp nào. Thế nhưng, nhờ vào nỗ lực của bản thân, cô đã tìm tòi đọc thật nhiều tiểu thuyết và sách bằng tiếng Pháp, bởi cô tin rằng ngôn ngữ này sẽ là thứ giúp mình có một tương lai tốt hơn. Bên cạnh đó, ông Ahmed, bố của cô, cũng đặt ra những quy tắc nghiêm ngặt dành cho cô con gái: không yêu quá sớm, không đi đến các quán bar trước 18 tuổi. Nhờ vậy, con gái ông đều dồn hết sức lực vào việc đọc viết thông thạo ngôn ngữ thứ hai này. Ảnh: Sébastien Micke.
Vallaud-Belkacem được nhận xét là một học sinh nổi bật ở trường. Năm 18 tuổi, cô nhập quốc tịch Pháp trước khi đăng ký vào khoa Luật, trường Đại học Picardie Jules Verne ở Amiens. Trong những năm học thạc sĩ, cô phải làm hai công việc làm thêm cùng lúc để giảm áp lực kinh tế cho gia đình. Ảnh: Getty Images.
Sau đó, cô tiếp tục nhận được học bổng của Viện Nghiên cứu Chính trị Paris và tốt nghiệp vào năm 2002. Vừa ra trường, Vallaud-Belkacem tham gia vào Đảng Xã hội và bắt đầu các cuộc đấu tranh về quyền công dân, chống phân biệt đối xử. Ảnh: Labmedia.
Năm 2005, Vallaud-Belkacem kết hôn cùng Boris Vallaud, người sau đó cùng cô tham gia các hoạt động chính trị nổi bật của nước Pháp. Ảnh: AFP.
Vì lý lịch và tôn giáo của mình, Vallaud-Belkacem đã trở thành mục tiêu mà các chính trị gia bảo thủ mong muốn loại trừ. Họ tấn công cô bằng những bình luận phân biệt giới tính, chủng tộc, thậm chí còn là những lời châm chọc, xỉ vả, phản đối cả về cách ăn mặc của cô. Ảnh: Twimg.
Thế nhưng, tất cả thách thức trên cũng không khiến cô bỏ cuộc. Năm 2012, Vallaud-Belkacem được bổ nhiệm làm người phát ngôn của Chính phủ dưới thời tổng thống Hollande. Tháng 8/2014, cô chính thức được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp, cũng chính là người phụ nữ đầu tiên, người Hồi giáo đầu tiên trong lịch sử chính trị Pháp giữ cương vị này. Ảnh: Labmedia.
Từ một cô gái nhập cư được gắn mác như những kẻ lang thang, Najat Vallaud-Belkacem đã tự đương đầu với những khó khăn, vượt qua khuôn khổ của chính mình và đạt được thành công như hiện tại. Nữ Bộ trưởng Bộ Giáo dục này được báo chí quốc tế gọi là “gương mặt mới của nước Pháp”, đại diện cho tinh thần của một đất nước đang có nhiều đổi mới. Ảnh: Bénédicte Kurzen.
Nguồn: newszing.vn