Theo tờ Washington Post, cuộc chạy đua bắt đầu lúc khoảng 21 giờ tối 28/1 khi giới chức tại Dịch vụ Y tế Thụy Điển và Trung tâm Y khoa UW biết tin tủ lạnh tại công ty Kaiser Permanente gặp vấn đề và đang làm cho các liều vaccine rã đông.
Jenny Brackett, trợ lý quản lý tại Trung tâm Y khoa UW đang nghỉ ở nhà thì hay tin xấu trên. Bà và mọi người đã phải tìm mọi cách để huy động người tới tiêm. Họ đã gọi điện cho những người từ 65 tuổi trở lên và giục họ tới tiêm. Họ đã huy động được hàng trăm người xếp hàng bên ngoài.
Hàng người chờ tiêm bên ngoài tổ chức Y khoa UW ở Seattle ngày 29/1. Ảnh: AP
Còn nhân viên tại Dịch vụ Y tế Thụy Điển cũng phải thức trắng đêm. Họ gửi tin nhắn khẩn: “Chúng tôi có 588 liều 1 vaccine Moderna phải tiêm từ 23 giờ 28/1 tới 2 giờ 29/1”.
Ở các địa điểm nói trên, họ gọi điện cho lãnh đạo các nghiệp đoàn, cảnh sát, lính cứu hỏa, thậm chí cả chủ các cửa hàng tạp hóa để mời họ tiêm vaccine COVID-19. Nếu họ không thể tới các địa điểm trên, họ sẽ được nhờ thông báo cho những người tiếp theo.
Ông Kevin Brooks, giám đốc điều hành của Dịch vụ Y tế thụy Điển, kể rằng mọi người bắt đầu nhắn tin và gọi điện cho bất kỳ ai muốn tiêm vaccine COVID-19. Khi còn những liều cuối cùng, nhân viên và tình nguyện viên lao ra đường giữa đêm lạnh để tìm người tiêm. Có lúc, họ tiêm cho một người qua cánh cửa ô tô.
Sau nhiều nỗ lực, họ cũng kịp tiêm hết vài trăm liều vaccine cuối cùng khi chúng sẽ hết hạn vào sáng sớm hôm đó. Cuối cùng, họ chỉ còn vài chục liều và có 15 phút để tiêm cho mọi người. Những liều vaccine cuối cùng được tiêm lúc khoảng 3 giờ 45 sáng 30/1 trên đường phố.
Sau khi nỗ lực thâu đêm, các cơ sở y tế này đã tiêm hết 1.600 liều vaccine ở Seattle. Không liều vaccine nào bị lãng phí.
Nhân viên y tế tại Trung tâm Y khoa UW tiêm cho một người dân ở Seattle vào sáng sớm. Ảnh: AP
Dịch vụ Y tế Thụy Điển và Trung tâm Y khoa UW sử dụng vaccine 2 liều của Moderna. Tất cả những người nhận mũi tiêm trong đêm sẽ được tiêm mũi thứ hai cho dù họ có thuộc diện ưu tiên hay không.
Câu chuyện ở Seattle nói trên cũng tương tự như ở một số nơi tại Mỹ.
Khi vaccine sắp hết hạn, nhân viên y tế phải phân phối vaccine với tốc độ thần tốc, đôi khi là tiêm cho bất kỳ ai họ tìm thấy. Tình trạng tiêm vội kiểu này đã gây tranh cãi ở Mỹ. Giới chức Mỹ đang đặt ra kế hoạch nghiêm ngặt để ưu tiên tiêm cho những người dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh phải tiêm cho càng nhiều người càng nhanh càng tốt.
Tuy nhiên, chương trình tiêm chủng trên toàn quốc đã gặp nhiều trục trặc và bất đồng về việc ai được tiêm trước.
Với một số nhà quan sát, việc tiêm thành công 1.600 liều chỉ trong đêm ở Seattle cho thấy tiến trình tiêm chủng ở Mỹ có thể diễn ra nhanh hơn.
Nguồn: Báo Tin Tức