Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông không chỉ nhất quán với luật pháp quốc tế mà là dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ hành động cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng khẳng định lập trường rõ ràng của Mỹ về "một vùng tranh chấp, có ý nghĩa sống còn tại khu vực - Biển Đông", tuyên bố rằng các yêu sách của Trung Quốc về hàng hải và chiến dịch bắt nạt các nước nhỏ hơn là "phi pháp".  

Động thái này đã cho thấy sự dịch chuyển quan trọng về lập trường của Mỹ, từ những phát ngôn ngoại giao cẩn trọng trong những năm qua chuyển thành lời cảnh báo đáp trả mạnh mẽ trước hành vi của Trung Quốc.

42 1 Tuyen Bo Danh Thep O Bien Dong My Se Ran Tay Trung Phat Trung Quoc

Chiến hạm Mỹ Ralph Johnson. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Lập trường mới này là một phần trong hướng tiếp cận ngày càng cứng rắn hơn của chính quyền Tổng thống Trump trước các hành vi coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong khu vực, cũng như nằm trong chiến lược chung của Washington với Bắc Kinh giữa bối cảnh căng thẳng 2 nước không ngừng leo thang trong nhiều lĩnh vực.

Mỹ vẫn không chuyển hướng hoàn toàn

Lập trường mới của Mỹ đã nhằm thẳng vào các tuyên bố yêu sách chủ quyền phi lý mà Trung Quốc đưa ra hòng độc chiếm Biển Đông.

“Chúng tôi tuyên bố: Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp pháp”, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố.

Ông Pompeo cũng cho rằng: "Thế giới sẽ không để Trung Quốc biến Biển Đông thành đế chế hàng hải của mình”.

Chính sách mới của Mỹ đã lần đầu tiên bác bỏ thẳng thừng cái mà Trung Quốc gọi là "đường 9 đoạn" bao trùm gần hết Biển Đông: "Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý rõ ràng nào cho yêu sách “đường 9 đoạn” ở Biển Đông kể từ họ khi chính thức công bố vào năm 2009".

Tuy nhiên, dù chính sách mới của Mỹ cho thấy Washington bày tỏ lập trường rõ ràng đứng về phía luật pháp quốc tế nhưng "đây không phải sự chuyển hướng hoàn toàn" so với lập trường của các chính quyền trước đó", Greg Poling - Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho hay. Chẳng hạn, ông Pompeo dù gọi những yêu sách của Trung Quốc là phi pháp những vấn giữ thái độ trung lập đối với các câu hỏi về chủ quyền lãnh thổ theo phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế ở The Hague năm 2016.

Dù vậy theo chuyên gia này, tuyên bố của ông Pompeo đã "làm rõ rất nhiều điều còn chưa được công khai trong các đời chính quyền trước đó".

David Stillwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề về Đông Á và Thái Bình Dương cũng cho rằng tuyên bố trên chỉ đơn giản là thực thi luật pháp hiện hữu.

Theo James Kraska, Chủ tịch Trung tâm luật pháp quốc tế Stockton, tuyên bố của ông Pompeo có tác động nhất định về mặt chính trị khi đảm bảo nguồn ngân sách từ Quốc hội dành cho các thiết bị radar và giám sát khác. Đối với thế giới, tuyên bố này còn là một dấu hiệu cho các nước khác thấy rằng Mỹ đang tăng cường chủ động tham gia vào các vấn đề ở Biển Đông.

Vì sao Mỹ đưa ra tuyên bố về Biển Đông vào thời điểm này?

Theo chuyên gia Kraska, động thái trên là một sự thúc đẩy các hành động của Mỹ trong khu vực. Chuyên gia này dẫn ra rằng việc tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải là một cách để Mỹ  thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc thông qua việc đưa tàu chiến hoặc chiến đấu cơ tới các vùng tranh chấp nhằm thể hiện quyền tự do đi lại đã diễn ra dưới thời chính quyền Tổng thống Obama và vẫn tiếp tục dưới thời chính quyền Tổng thống Trump.

Trên thực tế, Mỹ đã tăng cường các hoạt động này dưới thời chính quyền Tổng thống Trump khi chỉ riêng năm nay, Washington đã tiến hành 4 chiến dịch tự do hàng hải, trong đó gần đây nhất, hôm 14/7, Mỹ điều 1 tàu chiến tới gần khu vực quần đảo Trường Sa, ngay sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông. Trước đó, chính quyền Tổng thống Obama chỉ tiến hành 6 chiến dịch tự do hàng hải trong suốt 8 năm.

Theo ông Poling, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ xuất phát từ động cơ chính trị như một phần trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang dưới thời Tổng thống Trump, song mặt khác đã phản ánh sự thay đổi nhanh chóng của khu vực chiến lược này. Chuyên gia Poling cho rằng sức mạnh hàng hải của Trung Quốc với các lực lượng ngày càng lớn mạnh đã gia tăng khó khăn cho hoạt động của các quốc gia nhỏ hơn tại vùng biển khu vực.

"Chúng ta không hề ở xa viễn cảnh Biển Đông bị biến thành ao nhà của Trung Quốc. Vì thế, nếu không hành động ngay lúc này, chúng ta có lẽ sẽ không thể làm gì được nữa".

Tương lai quan hệ Mỹ - Trung: Chiến tranh hay trừng phạt?

Trong tương lai gần, sự thay đổi của Mỹ trong cách miêu tả hành vi của Trung Quốc, từ "làm mất ổn định" cho tới "bất hợp pháp" có khả năng mở ra cánh cửa trừng phạt, tương tự như các lệnh trừng phạt mà Washington thực hiện với các cá nhân Trung Quốc về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Khi được hỏi về khả năng thực thi các lệnh trừng phạt, ông Stillwell không trả lời cụ thể song khẳng định: "Không biện pháp nào là không được tính tới”.

Mặc dù việc Washington tăng cường các cuộc tuần tra tại Biển Đông làm dấy lên nguy cơ đối đầu Mỹ - Trung song theo ông Poling, viễn cảnh này là không thể xảy ra. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng nguy cơ lớn hơn là từ các cuộc xung đột giữa tàu thuyền Trung Quốc với các nước châu Á nhỏ hơn, từ đó có thể kích hoạt các thỏa thuận quốc phòng của Mỹ với các nước này và dẫn đến những cuộc đối đầu không lường trước được. Năm 2019, ông Pompeo đã đưa Bãi cạn Scarborough đang có tranh chấp vào hiệp định quốc phòng Mỹ - Philippines khiến khu vực này có nguy cơ trở thành một cái "bẫy" dẫn đến xung đột.

"Đây cũng là một khả năng không phải không thể xảy ra", ông Poling cho hay./.

 

Nguồn: VOV.VN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC