Ngoài việc tuyên truyền yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc, tấm bản đồ in trong sách giáo khoa còn được đánh giá là 'siêu dị' khi có tới 23 đoạn thay vì 9 đoạn như thường thấy, có những đoạn ăn vào sát đất liền Việt Nam.

 

42 1 Uc Thu Hoi Sach Day Tieng Trung Co Duong Luoi Bo 23 Doan An Vao Sat Dat Lien Viet Nam

Tấm bản đồ có đường lưỡi bò "siêu dị" trong sách giáo khoa dạy tiếng Trung được xuất bản ở Úc - Ảnh chụp màn hình

Yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc đã bị nhiều nước, trong đó có Úc, bác bỏ vì không có cơ sở pháp lý và vô lý khi chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông.

Trước khi bị thu hồi, quyển sách dạy tiếng Trung này đã được sử dụng tại ít nhất 11 trường ở bang Victoria (Úc), bao gồm cả các trường tư thục danh tiếng. 

Nhà xuất bản Cengage Learning Asia thừa nhận "sai sót trong khâu biên tập" và cam kết thu hồi những quyển chưa kịp bán, theo báo Guardian của Anh.

Cengage xác nhận 633 bản đã được bán ở Úc và 100 bản bên ngoài Úc. Nhà xuất bản này phân trần rằng có một bản thảo khác sử dụng bản đồ không có đường lưỡi bò. 

Tuy nhiên, do "không xác định được chủ sở hữu bản đồ này là ai", biên tập viên đã đổi sang một bản đồ Trung Quốc khác và "không để ý đến những đường đứt đoạn trên Biển Đông". Bên dưới được ghi chú thích "bản đồ Trung Quốc", thậm chí giữ nguyên cách gọi "Tứ Sa" của Trung Quốc.

Điều đáng nói là tấm bản đồ này "siêu dị" khi có tới 23 đoạn thay vì 9 đoạn như thường thấy, trong đó có có những đoạn ăn sát vào đất liền Việt Nam và bao trùm đảo Đài Loan.

Gregory B. Poling - giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (Mỹ), cảm thán: "Tôi đã từng thấy rất nhiều dị bản yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông nhưng nói thật bản đồ 23 đoạn này là lần đầu tiên thấy".

Xu Jixing và Ha Wei - hai tác giả của quyển sách giáo khoa nói trên, phủ nhận đã đưa bản đồ vào trong sách.

Cả hai khẳng định chưa bao giờ có ý định biến sách giáo khoa "thành công cụ tuyên truyền", hay thể hiện "quan điểm chính trị" trong chương trình dạy tiếng Trung. "Mục đích của khóa học là để giúp học sinh Úc hiểu hơn về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc", Xu và Ha giãi bày.

"Chúng tôi thành thật xin lỗi các độc giả vì sự bất cẩn này. Chúng tôi đã yêu cầu thu hồi và chỉ định người xem xét lại các tiêu đề, quy trình khắc phục", nhà xuất bản Cengage nhận lỗi trong một thông cáo. Cengage dự kiến ​​sẽ thu hồi khoảng 750 bản từ Úc và Singapore.

Giáo sư Rory Medcalf - người đứng đầu trường Cao đẳng an ninh quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Úc - nhận định: "Rất dễ gây hiểu lầm khi miêu tả đường 9 đoạn như một bản đồ hợp pháp của Trung Quốc và khu vực".

Theo ông Medcalf, việc để tấm bản đồ như vậy xuất hiện trong sách giáo khoa Úc không chỉ đi ngược lại luật pháp quốc tế mà còn trái với quan điểm của chính phủ Úc về đường lưỡi bò phi lý.

Nguồn: Tuổi trẻ

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC