Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Getty).
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ủng hộ việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ 2 tại một quốc gia ở Nam bán cầu và đã đề nghị tổ chức tại Ấn Độ.
Trả lời truyền thông Ấn Độ, ông cho biết: "Tôi thực sự tin rằng Hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai nên được tổ chức tốt nhất tại một quốc gia ở Nam bán cầu. Và chúng tôi thực sự minh bạch. Có những quốc gia như Ả Rập Xê Út, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ (cũng như Thụy Sĩ, nhưng đây là một hướng khác) mà chúng tôi đang đàm phán về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai".
"Tôi hoàn toàn ủng hộ và đã chia sẻ ý tưởng này với Thủ tướng Modi, tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu tại Ấn Độ. Đây là một quốc gia tuyệt vời, một nền dân chủ tuyệt vời.
Nhưng tôi muốn nói rõ. Điều này không chỉ áp dụng cho Ấn Độ mà còn cho bất kỳ quốc gia nào đồng ý tổ chức Hội nghị thượng đỉnh: Chúng tôi không thể tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại một quốc gia chưa tham gia tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh (lần 1). Không ai gây áp lực cho bất kỳ ai, nhưng điều đó là hợp lý", ông tuyên bố.
Hồi tháng 6, hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine lần 1 đã diễn ra ở Thụy Sĩ. Có 12 quốc gia và tổ chức tham dự sự kiện đã từ chối ký vào thông cáo chung sau hội nghị. Trong số các nước này có Ấn Độ, Brazil, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Ấn Độ cho rằng một hội nghị hòa bình cần có sự tham gia của cả 2 phía trong cuộc xung đột là Ukraine và Nga, nhưng Moscow không được mời dự hồi tháng 6.
Zelensky cho biết ông đã thảo luận với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về mọi vấn đề trong tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên và những chủ đề đã được thảo luận tại đó.
"Ấn Độ có thể chọn bất kỳ điểm nào trong số này, tham gia bất kỳ chủ đề nào và có thể đưa ra tầm nhìn, quan điểm riêng của mình... Chúng tôi sẵn sàng cho một cuộc đối thoại cởi mở và trung thực", ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, Moscow nhiều lần tuyên bố hội nghị hòa bình lần 1 đã mang lại kết quả không đáng kể và cho thấy sự vô ích của việc tổ chức đàm phán mà không có Nga.
Theo UP
Nguồn: Báo điện tử Dân trí