Mục tiêu ban đầu khi Tổng thống John F. Kennedy thành lập USAID trong cuộc chiến tranh lạnh với Nga vào năm 1961, nội các của ông không chỉ nhắm đến các viện trợ dân sự và nhân đạo mà còn mang mục đích sâu xa hơn: Đó là sự ổn định và phát triển của các quốc gia khác sẽ bảo vệ cho nền an ninh quốc gia Hoa Kỳ. 

 

1 Usaid Va An Ninh Hoa Ky Dang Nam Trong Tinh Trang Day Rui Ro

Ngày mai sẽ có trận chung kết Super Bowl tại Mỹ và thứ Sáu tới là lễ Tình nhân. Với hai ngày hội này, dân Mỹ ước tính sẽ chi tiêu khoảng 45 tỉ đô la, xấp xỉ ngân sách hàng năm của USAID, cơ quan viện trợ dân sự cho thế giới từ nước Mỹ. 

Nhắc đến Super Bowl và lễ Valentine không nhằm so sánh mà để hình dung ngân sách hoạt động của cơ quan USAID ở mức nào.

Mục tiêu ban đầu khi Tổng thống John F. Kennedy thành lập USAID trong cuộc chiến tranh lạnh với Nga vào năm 1961, nội các của ông không chỉ nhắm đến các viện trợ dân sự và nhân đạo mà còn mang mục đích sâu xa hơn: Đó là sự ổn định và phát triển của các quốc gia khác sẽ bảo vệ cho nền an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Mục đích này vẫn không thay đổi sau hơn sáu thập niên hoạt động của USAID, qua nhiều đời tổng thống Mỹ. Bởi lợi ích của nước Mỹ nằm khắp thế giới, những sự giúp đỡ, viện trợ trước mắt mang lại lợi ích chiến lược lâu dài cho nước Mỹ.

Các nghiên cứu về USAID cho thấy quyền lực mềm của nước Mỹ do USAID đã mang lại thiện cảm về nước Mỹ, giúp hàng hóa, sản phẩm Mỹ được ưa chuộng tại các thị trường nội địa và gián tiếp giúp cho các tập đoàn Mỹ nhận được các hợp đồng kinh tế to lớn so với các đối thủ. Ngược lại, khi thiện cảm này bị mất đi, hay thậm chí bị ghét bỏ, làn sóng tẩy chay hàng Mỹ là lẽ đương nhiên.

Những chương trình giáo dục, huấn nghệ cho trẻ em các nước chiến tranh có Mỹ can dự qua USAID đã giúp các em nhỏ này không bị sa vào các tổ chức tội phạm hay khủng bố, xem nước Mỹ là kẻ thù và mục tiêu khủng bố khi trưởng thành.

Cũng vậy, những tài trợ cho các chương trình phòng chống và phát hiện dịch bệnh tại Châu Phi, Châu Á có thể ngăn chặn sự phát triển và lây lan dịch bệnh khắp thế giới và lan đến  nước Mỹ. Hãy lấy Covid làm một ví dụ.

Theo số liệu từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), đại dịch Covid đã gây thiệt hại kinh tế cho nước Mỹ vào khoảng 16 ngàn tỉ đô la ($16,121 billion) cùng nhiều di hại lâu dài. 16 ngàn tỉ đô la, khoảng gần ba phần tư GDP nước Mỹ, là một thiệt hại ngoài mức tưởng tượng.

Covid sẽ không phải là dịch bệnh duy nhất và gây thiệt hại khủng khiếp cho cả thế giới. Giới khoa học cảnh báo rằng con người còn sẽ đối diện những đại dịch như Covid trong tương lai, sự hợp tác chống chỏi lại tai ương từ thiên nhiên là trách nhiệm và sự sinh tồn của mỗi quốc gia.

Không phải ngẫu nhiên mà USAID đã được chính phủ Mỹ duy trì hoạt động trong vài chục năm qua. Đóng cửa USAID có thể tiết kiệm vài chục tỉ mỗi năm nhưng việc trả giá cho quyết định này có thể gấp bội lần.

Bất kể  Covid đã đến từ đâu, một tai nạn khoa học hay dịch bệnh tự nhiên hoặc là một đòn khủng bố sinh học, những kẻ điều hành nước Mỹ vào năm 2020 đã thất bại trong việc ngăn chặn và bảo vệ an toàn cho người dân Mỹ cùng nền an ninh nước Mỹ.

Với cách điều hành mang chính sách dân túy và biệt lập hiện nay, nền an ninh quốc gia của nước Mỹ một lần nữa đang nằm trong tình trạng đầy rủi ro.

 

Nhã Duy




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC