Giá trị giao dịch các dự án đầu tư – hơn 100 triệu USD của Trung Quốc vào khu vực này đã giảm 49,7% xuống còn 19,2% trong năm 2018, thấp nhất trong 4 năm qua, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP-Hồng Kông) dẫn số liệu từ Viện Nghiên cứu kế hoạch Mỹ
Đối với các quốc gia thành viên ASEAN, các dự án lớn của Trung Quốc đã chững lại đáng kể trong nửa cuối năm ngoái, chỉ có 12 dự án trị giá 3,9 tỷ USD được tiến hành, so với con số 33 dự án trị giá 22 tỷ USD so với cùng kỳ.
Giá trị các dự án ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore trong nửa cuối năm 2018 chỉ bằng 1/4 năm 2017.
Myanmar đã điều chỉnh lại dự án xây dựng cảng Kyaukpyu do Trung Quốc đầu tư do lo ngại về các khoản nợ. Ảnh: Handout
ASEAN lo ngại
SCMP cho biết, sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á đã tăng lên đáng kể từ khi Bắc Kinh triển khai Sáng kiến Vành đai và con đường vào năm 2013. Các quốc gia ASEAN hiện đang chiếm 1/3 các dự án cam kết đầu tư và xây dựng của Trung Quốc.
Trong ba năm sau khi kế hoạch khởi động, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN đã tăng 77% so với ba năm trước đó, SCMP cho biết thêm.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng lo ngại rằng, Bắc Kinh sẽ nhắm tới lợi ích địa chính trị khi đầu tư vào các dự án lớn tại khu vực này. Đáng chú ý nhất là ở Malaysia, tuần trước chính phủ Thủ tướng Mahathir Mohamad đã hủy bỏ một dự án đường sắt trị giá 20 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư.
Myanmar cũng thu hẹp quy mô cảng Kyaukpyu bên vịnh Bengal, nhằm cắt giảm đáng kể chi phí để giải quyết vấn đề nợ Trung Quốc.
Theo một cuộc khảo sát được công bố trong tháng này của Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, hơn 70% các học giả ở các quốc gia ASEAN nói rằng, chính phủ của họ nên thận trọng trong việc đàm phán các dự án Vành đai và con đường để tránh các khoản nợ không bền vững.
Một số học giả còn quan ngại về các tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo, thiếu khả năng thương mại, lợi ích giữa các bên liên quan v.v… từ các dự án của Trung Quốc.
Ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn ở Thái Lan cho biết, sự đình trệ các dự án của Trung Quốc ở Đông Nam Á trùng với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
“Sáng kiến này cần phải được xem xét lại và khởi động lại,” ông nói, “Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức liên quan trên nhiều mặt trận. Họ sẽ phải lựa chọn và ưu tiên hành động trên mặt trận nào trước”.
Tuy nhiên, theo SCMP, Sáng kiến Vành đai và con đường vẫn có sức hút với một số nước Đông Nam Á. Vào tháng 12 vừa qua, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề hàng hải của Indonesia Ridwan Djamaluddin cho biết, Trung Quốc sẽ đầu tư dự án mới trị giá từ 50 tỷ đến 60 tỷ USD vào nước này.
29 bản ghi nhớ, bao gồm một bản liên quan đến Vành đai và con đường được ký kết trong chuyến thăm Philippines của ông Tập. Ảnh: Philippine Star
Tại Philippines, trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Manila vào tháng 11, hai bên đã chứng kiến việc ký kết 29 bản ghi nhớ, bao gồm một bản liên quan đến Vành đai và con đường.
“Thiên đường cờ bạc”
Trong khi đó, đầu tư từ Trung Quốc đang biến Sihanoukville, Campuchia thành một “thiên đường cờ bạc” cho các nhà đầu tư và khách du lịch Trung Quốc. Trên bờ sông của thành phố Sihanoukville, các sòng bạc đang ngày càng trở nên phổ biến khiến cư dân thành phố này lo lắng.
AFP dẫn lời một nhân viên sòng bạc giấu tên chia sẻ rằng, một số con bạc đã mất hàng trăm USD trong vòng chưa đầy 20 phút.
Hiện tại có khoảng 50 sòng bạc thuộc sở hữu của Trung Quốc và hàng chục tổ hợp khách sạn đang được xây dựng.
Theo Tỉnh trưởng Sihanoukville, số người Trung Quốc ở Sihanoukville đã tăng mạnh trong hai năm qua, chiếm 30% tổng dân số của thành phố. Từ năm 2016 đến 2018, đầu tư của chính phủ và tư nhân Trung Quốc đạt 1 tỷ USD.
Làn sóng Trung Quốc ở Sihanoukville được cho có liên quan đến kế hoạch chiến lược cơ sở hạ tầng Vành đai và con đường của Bắc Kinh.
Nguồn: Tri thức trẻ