So sánh với các nước OECD khác, Mỹ là nước đánh thuế xăng dầu ở mức rất thấp. Nếu tính gộp cả thuế xăng dầu bang (khác nhau ở từng bang) thì mức thu thuế xăng dầu của Mỹ chỉ cao hơn Mexico, nước không đánh thuế xăng dầu. Bất chấp những thay đổi như lạm phát hay giá dầu thô giảm, thuế xăng dầu liên bang ở Mỹ không tăng do những lý do liên quan đến đặc thù vốn có của loại thuế này cũng như cách nước Mỹ thu và chi tiêu ngân sách.
Người dân Mỹ trả bao nhiêu thuế cho mỗi lít xăng?
Khi mua xăng, tùy thuộc vào nơi sinh sống, người dân Mỹ phải trả các khoản thuế sau:
+ Thuế xăng dầu bang: Thay đổi phụ thuộc vào chính sách của từng bang. Bang thu cao nhất là Pennsylvania với 58,7 cent/gallon, bang thu thấp nhất là Alaska với 12,3 cent/gallon. Khoản thu này đi vào ngân sách của bang được dùng để đầu tư hạ tầng địa phương như đường trong thành phố, giao thông công cộng .v.v.
+ Thuế bán lẻ bang: Có 16 bang thu thuế bán lẻ với xăng dầu. Ví dụ như bang California thu thuế bán lẻ xăng là 2,25%, tương đương khoảng 6 cent/gallon.
+ Thuế xăng dầu liên bang: Cố định ở mức 18,4 cent/gallon từ năm 1993. Khoản thu này đi vào Quỹ Đường Cao Tốc, được dùng để đầu tư hạ tầng cao tốc và giao thông công cộng giữa các bang.
Theo thống kê từ cơ quan Năng lượng Mỹ EIA, trung bình trong tháng Giêng 2018, tổng của ba loại thuế trên là 46,71 cent/gallon xăng (chiếm 17% giá), tức bằng 2.810 VNĐ/1 lít xăng.
Thuế xăng dầu không lũy tiến: Gánh nặng cho người có thu nhập thấp
Nhiên liệu dùng cho giao thông là nhu cầu thiết yếu dành cho mọi người dân. Người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp, nếu cùng đi làm và tham gia giao thông thì đều sử dụng lượng nhiên liệu tương tự nhau. Thậm chí, người có thu nhập thấp thường có xu hướng sống ở xa trung tâm thành phố hơn và vì vậy cần nhiều nhiên liệu hơn để di chuyển. Vì vậy, tăng thuế xăng dầu sẽ khiến gánh nặng cho người có thu nhập thấp cao hơn do tỷ lệ bị lấy đi trong thu nhập sẽ nhiều hơn những người có thu nhập cao.
Trong các nguồn thu chính phủ, thu thuế xăng dầu được đánh giá là dễ thực thi do không cần nhiều các khung kỹ thuật (ví dụ như khai báo, kiểm kê, hồi thuế, v.v.). Tuy nhiên, thu thuế ở mức độ nào là hợp lý và không làm tổn thương người có thu nhập thấp là vấn đề luôn được tranh cãi gắt gao trong các phiên thảo luận về thuế ở các nghị viện. Các chính quyền sau Bill Clinton thường không tìm ra được các giải thích hợp lý nên đã không thể thành công trong việc tăng khoản thuế dễ thu này.
Từ đầu những năm 1990, thuế xăng dầu liên bang vẫn ở mức giá cố định, mức 18,4 cent/gallon (khoảng 1.107 VNĐ/lít).
Không điều chỉnh hành vi nếu không có phương tiện thay thế
Nhiều nước phát triển ở Tây Âu áp thuế xăng dầu ở mức rất cao vì cho rằng lái xe là một hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực lên xã hội (tai nạn giao thông, môi trường, v.v.) và cần phải bị điều chỉnh. Tuy nhiên, lập luận này không được mọi người tin theo ở Mỹ.
Ở châu Âu, người dân có nhiều sự lựa chọn về phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là khi di chuyển để đi làm. Do nhiều lý do trong quá khứ về phát triển mô hình giao thông, việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi làm vẫn là một lựa chọn khó khăn ở Mỹ. Số liệu thống kê năm 2016 cho thấy, tất cả các nước châu Âu đều sử dụng dưới 1 lít/1 ngày/1 đầu người, trong khi con số này ở Mỹ là hơn 4 lít. Khi không có phương tiện thay thế, nếu cưỡng ép tăng thuế xăng dầu để điều chỉnh hành vi, người bị tổn thương một lần nữa lại là người có thu nhập thấp.
Không tăng thu nếu không làm rõ được lý do chi
Toàn bộ thuế xăng dầu liên bang thu được đều được thu cho Quỹ Đường Cao Tốc (Highway Trust Fund), quỹ chi trả cho các khoản chi liên quan đến giao thông trên mặt đất như cầu, đường cao tốc và các phương tiện giao thông đại chúng.
Mặc dù đường cao tốc ở Mỹ vẫn đang liên tục lão hóa, nhưng với các phân tích cho rằng… đường cao tốc ở Mỹ “vẫn ổn”, hay các yêu cầu đòi hỏi Sở Giao thông (Department of Transportation) phải có các cách làm việc sáng tạo và tiết kiệm hơn trong việc bảo trì đường xá, các khoản thu cho Quỹ Đường Cao Tốc vẫn không được duyệt tăng thêm.
Mãi cho đến tháng 2 vừa rồi, sau một thời gian dài thảo luận, chính quyền của Tổng thống Trump mới đưa ra ý tưởng về một lộ trình tăng 25 cent 1 gallon trong vòng 5 năm (tăng 5 cent 1 gallon mỗi năm, tức tăng khoảng 300 đồng/1 lít mỗi năm) nhằm thu quỹ cho chương trình đầu tư hạ tầng mới. Mặc dù với lý do rất chính đáng là Quỹ Đường Cao Tốc đã bội chi suốt từ năm 2008 không thể chi trả cho việc nâng cấp hạ tầng, lộ trình tăng thuế này chắc chắn vẫn sẽ bị tranh cãi quyết liệt trong những tháng tới.
Nhìn về Việt Nam
Khi tăng một khoản thuế mà không xét đến mức độ tổn thương của người có thu nhập thấp và khả năng lựa chọn phương tiện thay thế của người dân thì những ảnh hưởng tiêu cực lên sự phát triển kinh tế – xã hội sẽ vô cùng rộng lớn. Nếu chỉ đơn thuần so sánh tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ xăng dầu giữa các nước và thấy Việt Nam cần phải tăng thuế để bằng với các nước khác thì người ta sẽ quên mất mục đích thật sự của thuế. Thuế không phải là một công cụ để tận thu tất cả những gì có thể từ người dân, mà nó là một phương tiện để người dân ủy thác nguồn vốn để tái đầu tư vào các mục đích toàn xã hội. Khi những người dân “góp vốn”, đặc biệt là những người thu nhập thấp đang góp một tỷ lệ lớn hơn trong thu nhập của mình, họ có quyền được biết phần vốn góp của mình sẽ đi đến tài khoản nào.
Tự Minh
(*) Bản đăng được bổ sung thêm mục ‘Người dân Mỹ trả bao nhiêu thuế cho mỗi lít xăng?’ và điều chỉnh thuật ngữ ‘thuế xăng dầu’ thành ‘thuế xăng dầu liên bang’ để làm rõ nghĩa hơn so với phiên bản gốc đăng vào ngày 28/5. Bài cập nhật lại vào ngày 29/5.
Nguồn: Tri thức Việt Nam