Chiếc gương có thể là món “vũ khí” của những người biểu tình, đặc biệt trong thời đại mạng xã hội. Vừa qua, chiếc gương cũng xuất hiện trong cuộc biểu tình ở Mỹ vì cái chết của người da màu George Floyd.

George Floyd, 46 tuổi, đã chết sau khi bị một cảnh sát ghì cổ xuống đường bằng đầu gối gần đây. Hình ảnh ghi lại từ người dân cho thấy Floyd đã tuyệt vọng nói liên tục câu "Tôi không thở được" trước khi bất động.

Cái chết của một người da màu không vũ khí sau hành động trấn áp của một cảnh sát da trắng đã khoét sâu vào tâm lý chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Các cuộc biểu tình liên quan tới George Floyd đã nổ ra trên ít nhất 30 thành phố tại Mỹ, theo CNN.

Tính tới sáng 31-5 theo giờ Việt Nam, cảnh sát đã bắt khoảng 1.400 người tại 17 thành phố khác nhau, theo AP. 

Lẫn trong số rất nhiều hình ảnh do người biểu tình ghi lại hôm 30-5, người ta thấy một đoạn video ngắn, không lời, được xem trên 650.000 lần trên Twitter.

42 1 Vi Sao Nguoi Bieu Tinh O My Deo Guong Truoc Nguc

Hình ảnh được cho là xuất hiện ngày 30-5 chụp một người đàn ông đeo gương trong cuộc biểu tình ở Mỹ - Ảnh cắt từ video trên Twitter

Đoạn video ấy quay cảnh một người đàn ông đeo chiếc gương lớn trước ngực, chậm rãi xoay người. Trước mặt người đàn ông này là cảnh sát chống bạo động Mỹ. Thông qua hình ảnh phản chiếu từ gương, người ta có thể thấy gương mặt của lực lượng chống bạo động.

Đối với báo chí và mạng xã hội ngày nay, việc người biểu tình đeo gương lớn phía trước có thể là hành động hỗ trợ đắc lực cho dư luận, vì khả năng lan tỏa của hình ảnh cao hơn.

Nhưng theo hướng ngược lại, nó góp phần cá nhân hóa hành động của cảnh sát - trong đó có những người đơn giản chỉ đang chấp hành mệnh lệnh. Trong những cuộc biểu tình gần đây, Twitter có vô số hình ảnh "soi" cảnh sát trong từng biểu hiện.

Trên thực tế, cảnh người biểu tình đeo gương đã xuất hiện từ lâu, đi vào lịch sử và thậm chí… nâng lên hàng nghệ thuật.

42 2 Vi Sao Nguoi Bieu Tinh O My Deo Guong Truoc Nguc

Người biểu tình mang gương lớn phản chiếu hình ảnh lực lượng an ninh trong phong trào Maidan (trái) - Ảnh: Tate.org.uk

Lấy ví dụ nhiếp ảnh gia người Mỹ Allan Sekula từng có một loạt ảnh gây chú ý lớn về chủ đề bạo lực cảnh sát. Trong loạt ảnh mang tên "Waiting for tear gas", ông Sekula (mất năm 2013), chụp 81 tấm trong cuộc biểu tình phản đối Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) ở thành phố Seattle, bang Washington.

Mang tinh thần phản ánh sự thật, loạt hình của Sekula mang điểm nhấn lớn từ những tấm gương do người biểu tình chuẩn bị. Chi tiết này được thảo luận trong bài viết trên website của Tate, một liên minh 4 bảo tàng nghệ thuật ở Anh.

"Ống kính của Sekula, như tấm gương ấy, một công nghệ ánh sáng - lặp lại hình ảnh và buộc hình ảnh viên cảnh sát ấy phải nổi lên bề mặt, cung cấp một cánh cổng trong đó chúng ta có thể đào sâu vào những lịch sử khác nhau, khiến lịch sử thông thường về thực tiễn xã hội đa chiều", Tate bình luận.

Chiến thuật đưa gương thẳng tới phía trước hướng về cảnh sát ở các cuộc biểu tình đã phổ biến hơn trong vài năm qua.

Hình ảnh này từng được ghi nhận tại cuộc biểu tình "EuroMaidan" ở Ukraine vào tháng 12-2013. Tương tự, gương cũng xuất hiện trong vụ cảnh sát Mỹ la chết Michael Brown ở Ferguson, bang Missouri vào ngày 9-8-2014.

Theo Tate, nguồn gốc của ý tưởng mang gương này có thể còn xa hơn, vào những năm 1980, tại Trại hòa bình dành cho phụ nữ chung Greenham (tại Berkshire, Anh). Gương khi ấy cũng được dùng như một phương tiện phản ánh sự tàn bạo của cảnh sát.

 

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC