Rất nhiều khách du lịch đến châu Âu khi quan sát ôtô hạng sang chạy trên đường có chung một câu thắc mắc vì sao ở đuôi xe không hề gắn tên xe như nhiều nơi khác.
Lý do này được nhiều chuyên trang về xe trên thế giới tìm lời giải, trong đó lý do tâm lý xã hội là câu trả lời chung nhất.
Theo đó, chuyên trang Jalopnik cho rằng, không chỉ xe sang mà ở những xe phổ thông hoặc xe sang cỡ nhỏ cũng xảy ra tình huống này. Thụy Sĩ là nơi đặc trưng nhất xe không có tên. Tuy nhiên Anh quốc là ngoại lệ. Người sử dụng xe sang ở đây không bỏ tên, mà tìm cách thay thế theo kiểu "giả mạo". Ví dụ chiếc BMW 504d 1994 vốn lắp động cơ 0,4 lít diesel, nhưng chủ xe thay tên thành 530d như muốn khoe với người khác rằng tôi chạy xe động cơ 3 lít V6.
Với phần còn lại của châu Âu, có hai lý do để người châu Âu gỡ bỏ tên xe. Với xe bình dân, chủ xe không muốn người khác biết rằng "tôi chỉ đi một chiếc hạng xoàng". Vì vậy, nếu bóc logo 316i bỏ đi, nhiều người sẽ nhầm tưởng bạn đang đi 318i.
Trong khi đó với xe sang như Mercedes S-class, AMG, BMW M3, M4, X6... thì lý do ngược lại, chủ xe không muốn người khác biết mình đi phiên bản nào, cao hay thấp cấp. "Hãy tưởng tượng bạn là quản lý cấp trung, quyết định mua chiếc xe mơ ước là Cayenne Turbo. Bóc tên xe vứt đi, nếu không sếp biết sẽ không vừa lòng đâu", Jalopnik viết. Những người đi xe sang không có nhu cầu để người khác biết mình đi phiên bản nào.
Chuyên trang này kết luận, việc bóc tên phiên bản xe bỏ đi là nhu cầu che giấu tình trạng kinh tế của mình. Nếu bạn nghèo, bạn không muốn người ta biết bạn ngèo. Và nếu bạn giàu, bạn cũng không muốn người ta biết. Nhưng nếu bạn là người Anh, bạn có thể khác. Người Anh nổi tiếng với truyền thống thích sang trọng, thích coi mình ở đẳng cấp cao.
BMW X6. |
Mercedes GL63 AMG. |
Minh Hy
VnExpress