Tổng thống Trump có rất ít công cụ để thúc đẩy chiến dịch “gây sức ép tối đa” nhằm làm suy yếu hơn nữa kinh tế Iran.

Các cuộc tấn công nhằm vào hệ thống sản xuất dầu mỏ của Saudi Arabia - một trong những trung tâm sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới hôm 14/9 đã khiến Tổng thống Trump rơi vào “tâm bão” của chính sách đối ngoại, tại thời điểm đội ngũ an ninh quốc gia của ông đang ở giai đoạn mỏng nhất trong hơn một năm qua.

42 1 Vi Sao Tong Thong Trump Khong De Buoc Iran Quy Hang

Tổng thống Trump và Tổng thống Rouhani. Ảnh: CNN.

Vụ tấn công xảy ra tại khu vực Abqaiq của Saudi Arabia, nơi được coi là “cơ sở cung cấp dầu quan trọng nhất trên thế giới”, cách trụ sở của Tập đoàn Saudi Aramco khoảng 60 km. Theo ước tính của Tập đoàn Saudi Aramco, sản lượng dầu của nước này sẽ bị giảm 5,7 triệu thùng/ngày – tương đương 5% tổng sản lượng dầu toàn thế giới và trên 50% sản lượng dầu của Saudi Arabia.

Tại sao chính quyền Trump cáo buộc Iran liên đới?

Trong phản ứng đầu tiên của Mỹ về các vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở sản xuất dầu mỏ của Saudi Arabia, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cáo buộc Iran gây ra vụ việc, đồng thời khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy các cuộc tấn công này xuất phát từ Yemen. Tuyên bố này trái ngược hoàn toàn so với tuyên bố của lực lượng Houthi, nhận trách nhiệm gây ra các vụ tấn công.

“Tehran đứng sau gần 100 vụ tấn công vào Saudi Arabia. Giữa những lời kêu gọi giảm leo thang, Iran đã tiến hành một cuộc tấn công chưa có tiền lệ nhằm vào nguồn cung cấp năng lượng của thế giới. Hiện không có bằng chứng cho thấy các cuộc tấn công này đến từ Yemen. Mỹ sẽ làm việc với các đối tác và các đồng minh để đảm bảo ổn định các thị trường năng lượng và buộc Iran phải chịu trách nhiệm về hành vi gây hấn của nước này”, ông Pompeo nói.

Sau sự ra đi của một loạt quan chức “diều hâu” trong chính phủ Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo – người luôn ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch gây sức ép tối đa với Iran kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, dường như là nhân vật cứng rắn nhất hiện nay. Ông Mike Pompeo đang là người có ảnh hưởng tương đối lớn đến chính sách đối ngoại hơn bất cứ thời điểm nào, kể từ khi ông rời chức vụ Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương, chuyển sang làm Ngoại trưởng.

Đã có nhiều hoài nghi về tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo. Trên trang Twitter, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy viết: “Đây là sự đơn giản hóa vấn đề một cách vô trách nhiệm và đó là cách khiến chúng ta rơi vào những cuộc chiến tranh. Iran đã hậu thuẫn Houthi và là một 'nhân tố xấu' nhưng không nên đánh đồng Iran với Houthi”.

42 2 Vi Sao Tong Thong Trump Khong De Buoc Iran Quy Hang

Khói đen bốc lên từ hiện trường vụ tấn công cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia. Ảnh Reuters.

Theo giới phân tích, chính quyền Tổng thống Trump hy vọng rằng lời cáo buộc Iran liên quan đến các cuộc tấn công có thể giúp thuyết phục nhiều đồng minh Châu Âu ủng hộ chiến lược về Iran, bất chấp sự phản đối từ lâu đối với cách tiếp cận của ông. Tuy nhiên, hầu như rất ít các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân đưa ra phản ứng sau tuyên bố của Mỹ, ngoại trừ Anh lên án cuộc tấn công.

Suzanne Maloney, một chuyên gia về Trung Đông tại Viện nghiên cứu Brookings ở Washington lý giải, sở dĩ các đồng minh nước ngoài của Washington ngần ngại là bởi họ muốn thấy bằng chứng rõ ràng về sự liên quan của Iran. “Các bên muốn chờ và xem cách chính quyền Tổng thống Trump đưa ra bằng chứng”.

Bộ Ngoại giao Iran hôm 15/9 bác bỏ cáo buộc nước này đứng sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở dầu mở của Saudi Arabia, cho cáo buộc này là "vô nghĩa".

Chính sách của Mỹ với Iran đã thất bại?

Tổng thống Trump hiện giờ phải đối mặt với những câu hỏi mới về chiến lược Iran của ông. Theo giới quan sát, nhà lãnh đạo Mỹ có rất ít công cụ sẵn có để thúc đẩy chiến dịch “gây sức ép tối đa” thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm làm suy yếu hơn nữa kinh tế Iran.

Ông Trump đã ủng hộ các nhà lãnh đạo Saudi Arabia trong cuộc chiến chống lại phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen, ngay cả khi các nhà lập pháp Mỹ phản đối cuộc chiến này và trở nên thiếu kiễn nhẫn với Hoàng tử Saudi Arabia. Chính quyền của ông cũng đe dọa thực thi hành động quân sự đối với Iran, trong một nỗ lực nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân và tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông.

Mỹ đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran, chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ mua dầu mỏ của Iran và đe dọa ban hành các lệnh trừng phạt thứ cấp dành cho những thực thể không tuân thủ lệnh cấm này.

Chưa dừng lại ở đó, Mỹ cũng liệt Lực lượng Vũ trang cách mạng Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài. IRGC điều hành chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và lực lượng đặc nhiệm Quds trực thuộc cơ quan này chịu trách nhiệm chuyển giao vũ khí và tư vấn cho các lực lượng dân quân tại Syria, Iraq cùng nhiều nơi khác trong khu vực.

Tuy nhiên, tất cả các biện pháp nêu trên dường như không mấy hiệu quả, khi không thể bóp nghẹt được nền kinh tế Iran, cũng như ngăn chặn hoạt động của các lực lượng do Iran hậu thuẫn.

Thêm một thách thức nữa, đó là nhóm các thành viên phụ trách chính sách đối ngoại của chính quyền ông Trump đã bị thu hẹp hơn với sự ra đi của Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton hôm 10/9 vừa qua. John Bolton được coi là “kiến trúc sư trưởng” trong chiến lược Iran và là Cố vấn an ninh quốc gia thứ 3 rời Nhà Trắng kể từ năm 2017.

Chức vụ Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ vẫn bị bỏ trống, trong khi đó tân Bộ trưởng Quốc phòng mới chỉ được bổ nhiệm vào tháng 7 vừa qua để lấp khoảng trống kéo dài hàng tháng ròng tại cơ quan này.

Trong một bài bình luận đăng tải trên tạp chí National Interest, các tác giả Dennis Ross và Dana Stroul thuộc Viện chính sách Cận đông của Mỹ cho rằng chiến dịch gây sức ép tối đa của Washington đối với Tehran đã thất bại. “Tại Syria, các lực lượng do Iran hậu thuận có thể bị cắt giảm nguồn cung tài chính, nhưng điều đó không khiến họ giảm hoạt động. Tương tự, nhóm Hezbollah tại Lebanon và phiến quân Houthi tại Yemen cũng vậy.

Dù Mỹ đã cố gắng đánh vào ngân sách của Iran, nhưng quốc gia này vẫn tăng cường hoạt động tuần tra tại Vịnh Ba Tư, đẩy mạnh cung cấp vũ khí cho nhiều đồng minh trên khắp Trung Đông. Các vụ bắt giữ tàu chở dầu nước ngoài cũng ngày một nhiều hơn. Tóm lại, các hoạt động trong khu vực Iran không được xác định bởi số dư trong tài khoản ngân hàng”.

Triển vọng đàm phán lu mờ

Theo hai nhà quan sát nói trên, chỉ riêng các biện pháp trừng phạt thôi là chưa đủ, mà Mỹ cần phải kết hợp với chiến lược đàm phán. Tuy nhiên, làm thế nào để Mỹ và Iran có thể ngồi vào bàn đàm phán là một vấn đề lớn? Ngoại trưởng Pompeo trước đó cho biết, Tổng thống Trump có thể gặp gỡ Tổng thống Iran Hassan Rouhani bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào cuối tháng 9 tại New York.

Tuy vậy, không có nhiều triển vọng về một cuộc gặp như thế. Tương tự, sáng kiến của Pháp nới lỏng trừng phạt về kinh tế của Mỹ với Iran đổi lấy việc Tehran tuân thủ đầy đủ cam kết trong thỏa thuận hạt nhân dường như không mấy khả thi. Ông Mark Dubowitz, giám đốc Quỹ vì Phòng thủ của các nền dân chủ (FDD, có trụ sở tại Mỹ) nó rằng, đây sẽ là thời điểm tồi tệ nhất để nới lỏng trừng phạt Iran theo như đề xuất của Pháp, vì nó sẽ bị coi là sự nhượng bộ.

Cây bút Paul R.Pillar của tờ National Interest nhận xét, rào cản lớn nhất đối với việc đưa hai bên đến bàn đàm phán là cả Mỹ và Iran đều sợ thể hiện sự yếu đuối thông qua các điều khoản nhượng bộ sớm.

Tổng thống Trump không muốn bị coi là “lùi bước” mặc dù ông rất muốn có một thỏa thuận với Iran đặc biệt khi cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần. Hơn nữa, việc không đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc khiến ông càng khao khát có được một thành tựu trong chính sách đốingoại.

Còn về phía Iran, lịch sử đối đầu với Mỹ cho họ có lý do để tin rằng họ luôn nắm lẽ phải, với những chính sách mạnh mẽ về chính trị và ngoại giao không dễ bị thay đổi.

Sau diễn biến về cuộc tấn công hệ thống dầu mỏ của Saudi Arabia, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran gửi thông điệp cảnh báo Mỹ, khẳng định luôn sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh toàn diện./.

 

Nguồn: VOV.VN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC