Tổng thống Thái Anh Văn cùng đồng nhiệm Quần đảo Marshall Hilda Heine duyệt hàng quân danh dự tại Đài Bắc ngày 27/07/2018.
Từ khi đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP, gọi tắt là Dân Tiến) do bà Thái Anh Văn lãnh đạo chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống và Quốc Hội Đài Loan vào tháng Giêng năm 2016, Trung Quốc đã tiến hành một loạt các bước để cô lập đảo quốc khỏi cộng đồng quốc tế.
Trong đó có việc dùng tiền bạc chiêu dụ bốn quốc gia có quan hệ ngoại giao lâu dài với Đài Loan là Panama, Sao Tome và Principe, Burkina Faso, Cộng hòa Dominicana để các nước này cắt đứt mối giao tình. Hoặc đẩy Đài Loan ra khỏi ghế quan sát viên tại Diễn đàn Y tế Thế giới.
Gần đây nhất, Trung Quốc đã đại thắng khi gây áp lực lên 44 công ty hàng không trên toàn thế giới, kể cả các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ, buộc họ phải bỏ từ khóa « Đài Loan » ra khỏi hệ thống đặt chỗ. Đồng thời Trung Quốc cũng tước đoạt mất cơ hội của thành phố Đài Trung trở thành chủ nhà trong Đông Á Thanh Niên Vận Hội (East Asian Youth Games) năm 2019, tuy thành phố miền trung Đài Loan đã được giao tổ chức từ năm 2012.
Tại sao Trung Quốc liên tục bức hiếp Đài Loan như vậy ? Nhiều nhà phân tích chỉ đơn giản cho rằng Hoa lục cộng sản đương nhiên không ưa một Đài Loan dân chủ, với tân chính quyền có chính sách độc lập. Nhưng nếu đây là động cơ chính của Trung Quốc, thì chỉ gây phản tác dụng mà thôi.
Các thủ đoạn chống lại đảng Dân Tiến chỉ làm cho Trung Quốc và Quốc Dân Đảng (KMT) bị người dân Đài Loan ghét bỏ. Một loạt các hành động bức hiếp quá đáng như vụ các hãng hàng không quốc tế và ngày hội thể thao của giới trẻ Đông Á như đã nói ở trên, khiến báo chí Đài Loan và các nhà bình luận dự đoán Quốc Dân Đảng sẽ thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử tháng 11/2018. Nói cách khác, việc Trung Quốc bắt nạt Đài Loan chỉ gây khó khăn thêm cho Quốc Dân Đảng - vốn đang yếu hơn bao giờ hết - khi ra tranh cử.
Chiến lược làm suy yếu chính phủ Đài Bắc
Tuy nhiên theo The Diplomat, các hành động cưỡng bức gần đây của Trung Quốc nằm trong chiến lược cụ thể của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Logic của chiến lược này không phải là chinh phục cảm tình của người dân Đài Loan, mà chủ yếu để làm suy yếu chính quyền Đài Bắc, do bà Thái Anh Văn phản đối chủ trương « chỉ có một nước Trung Hoa ».
Trung Quốc cũng đã từng sử dụng chiến lược trấn áp đối với chính phủ Dân Tiến đầu tiên của Đài Loan, do tổng thống Trần Thủy Biển lãnh đạo từ năm 2000 đến 2008. Trong những năm đầu cầm quyền, ông Trần Thủy Biển từng hy vọng rằng qua chủ trương ôn hòa, ông có thể khởi đầu đối thoại được với Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh không chỉ từ chối tiếp xúc, mà còn gia tăng nỗ lực để đẩy Đài Loan ra khỏi thế giới ngoại giao. Sau khi lãnh một loạt những cú đòn, cùng với các xì-căng-đan tham nhũng liên quan đến gia đình, ông Trần Thủy Biển đã đổi hướng, chủ trương Đài Loan độc lập và trở nên cứng rắn hơn.
Sự chuyển hướng này khiến đảng Dân Tiến bị thất bại trong cuộc bầu cử sau đó, và xích mích với chính quyền Bush ở Hoa Kỳ. Việc đảng Dân Tiến nhanh chóng bị mất đi sự ủng hộ của đồng minh quan trọng nhất là Hoa Kỳ, là một trong những thành công lớn nhất trong « wedge strategy » - chiến lược tác động lên công luận - của Trung Quốc trong đầu thế kỷ 21.
Có thể nhận ra rằng Trung Quốc cũng xử sự tương tự với Hồng Kông. Sau thời kỳ « Cách mạng Dù vàng », Bắc Kinh đã đàn áp một cách có tính toán, đặt những nhóm chủ trương độc lập - vốn là một bộ phận nhỏ của phong trào dân chủ Hồng Kông - ra ngoài lề. Kết quả là tên tuổi của các nhóm đòi độc lập triệt để càng nổi bật hơn, phe ôn hòa bị thiệt hại : đa số những người chủ trương dân chủ chỉ ủng hộ một cách miễn cưỡng vì cho rằng phong trào đang bị cực đoan hóa.
Nữ tổng thống Thái Anh Văn rõ ràng ý thức được nhu cầu giữ được lòng tin của Hoa Kỳ, và sự ủng hộ của đa số cử tri Đài Loan ; có nghĩa là giữ khoảng cách với các tư tưởng cực đoan đòi độc lập. Ngay từ khi nhậm chức, bà đã chủ trương duy trì nguyên trạng trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay, và chưa bao giờ có động thái nào có thể tạo ra nguy cơ xung đột với Hoa lục.
Thế lưỡng nan của tổng thống Đài Loan
Tuy vậy ngay cả với một nhà lãnh đạo Dân Tiến thực dụng, đã tuyên bố không muốn quay lại với chính sách đối đầu trong quá khứ như bà Thái Anh Văn, Trung Quốc vẫn tiếp tục, thậm chí tăng cường nỗ lực tạo ra không khí bị cô lập và tuyệt vọng trong xã hội Đài Loan. Đây là phương tiện để làm mất lòng tin của dân chúng nơi chính quyền Dân Tiến, buộc bà Thái phải thay đổi quan điểm hoàn toàn. Bắc Kinh đặt bà vào thế lưỡng nan.
Một mặt, nếu bà Thái Anh Văn không tỏ ra cứng rắn hơn so với chính sách hiện nay, các đồng minh chính trị chủ trương độc lập và những người ủng hộ bà có thể bỏ sang các đảng nhỏ khác, có quan điểm triệt để hơn về Đài Loan độc lập. Một trong những đảng đó là New Power Party (Lực Lượng Thời Đại), hiện đang chiếm vị trí thứ ba tại Quốc Hội Đài Loan, đang dòm ngó đến lượng cử tri của Dân Tiến.
Mặt khác, nếu bà Thái Anh Văn chiều theo xu hướng đòi độc lập, chính quyền của bà có thể bị mất đi sự ủng hộ không chỉ từ Hoa Kỳ, như trường hợp ông Trần Thủy Biển, mà cả của đa số công dân Đài Loan - mà ưu tiên hàng đầu của họ là duy trì quan hệ ổn định ở hai đầu eo biển và tiếp tục phát triển kinh tế.
Thế nên thay vì cải thiện hình ảnh của mình ở Đài Loan hay số phận của Quốc Dân Đảng, Trung Quốc đang cố hủy hoại lòng tin của người dân Đài Loan đối với đảng lãnh đạo, buộc bà Thái Anh Văn phải ngưng ngang chính sách thăng bằng tế nhị hiện nay. Nếu hiểu theo cách nào đó, Bắc Kinh đang theo đuổi một chiến lược « đôi bên cùng thiệt hại ». Tuy nhiên có vẻ như các biện pháp đàn áp của Trung Quốc ngày càng mãnh liệt hơn theo với thời gian.
Theo tiến sĩ Trương Trí Trình, bà Thái Anh Văn chỉ có phạm vi xoay sở rất hẹp. Bà phải cố gắng đoàn kết nhân dân Đài Loan càng nhiều càng tốt để chống lại những mối đe dọa từ bên ngoài, và củng cố lòng tin của họ trong việc bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan. Tuy nhiên những công dân phẫn nộ nhiều nhất trước các hành động ức hiếp của Trung Quốc có thể bỏ rơi bà tại phòng phiếu.
Như vậy sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế - đặc biệt Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia dân chủ khác - là điểm mấu chốt cho câu hỏi liệu chính phủ Thái Anh Văn có thể duy trì tình trạng ổn định ở hai bên bờ eo biển Đài Loan hay không.
Tất cả những dạng thức ủng hộ đều giúp tăng cường tính chính đáng cho quan điểm đối ngoại hiện nay của Đài Bắc, đồng thời hạn chế những mưu toan gây bất ổn của Trung Quốc tại khu vực này.
*Tiến sĩ Trương Trí Trình là giáo sư thỉnh giảng của Fairbank Center for Chinese Studies, trường đại học Havard.
Nguồn: Thụy My/ RFI